Cựu Tổng giám đốc PVN nói đã khóc khi nghe VKS đề nghị mức án

Cựu Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nói rằng mình đã khóc khi nghe VKS đề nghị mức án bị cáo cho là “nặng nề”.

Cựu Tổng giám đốc PVN nói đã khóc khi nghe VKS đề nghị mức án - 1

Bị cáo Phùng Đình Thực tại tòa

“Bị cáo luôn làm việc công tâm, khách quan, không tư lợi”

Sáng 14.1, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong phiên xét xử sáng nay, bị cáo Phùng Đình Thực- nguyên Tổng giám đốc PVN đã trình bày phần tự bào chữa của mình. Ông Thực bị đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án 12-13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’.

Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (dự án Thái Bình 2), bị cáo Phùng Đình Thực đã cùng bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐTV PVC) và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng đồng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ  đồng.

Tự bào chữa cho mình, nguyên Tổng giám đốc PVN trình bày, giai đoạn trước ngày 28.2.2011 (ngày ký hợp đồng 33), các tài liệu chứng cứ đã chứng minh việc chỉ định thầu PVC cá nhân bị cáo không đề xuất. Việc PVC và PVPower ký hợp đồng 33 là căn cứ vào Nghị quyết của HĐTV, yêu cầu làm đúng quy định của pháp luật, bản thân bị cáo không có bất cứ chỉ đạo nào về việc PVC và PVPower ký hợp đồng trái quy định của pháp luật.

Ông Thực cũng cho biết, từ ngày ký đến ngày thanh lý hợp đồng 33, trong giai đoạn này có cuộc họp ngày 31.3.2011, Chủ tịch HĐTV PVN đã có kết luận nhiều nội dung nhưng không có nội dung nào về hợp đồng 33.

“Bị cáo không có hành vi cố ý làm trái, không chỉ đạo PVC và PVPower ký hợp đồng 33 sai quy định, đề nghị đại diện VKS xem xét, cân nhắc”, bị cáo Thực nói.

Về cáo buộc chỉ đạo cấp dưới và Ban quản lý dự án cấp vốn sai quy định, theo ông Thực, đến ngày 23.6.2011 đã có 4 lần cấp vốn tạm ứng, nhưng 3 lần bị cáo không ý kiến vẫn thực hiện cấp vốn, một lần bị cáo bút phê yêu cầu xử lý giải quyết phù hợp với hợp đồng đã ký và theo quy định của nhà nước thì lại không thực hiện theo. Từ đó khẳng định bị cáo không có vai trò trong việc tạm ứng sai.

Trước tòa, ông Thực khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào cả bằng miệng và bằng văn bản về việc này.

“Bị cáo luôn làm việc công tâm, khách quan, không tư lợi, không lợi ích nhóm, bị cáo không ưu ái cho PVC hay PVPower. Bị cáo cũng không bàn bạc riêng tư với cấp trên, không chỉ đạo riêng tư với cấp dưới, các chỉ đạo của bị cáo luôn công khai, minh bạch bằng văn bản hay trong các cuộc họp giao ban”, bị cáo Thực nói.

Theo bị cáo Thực, khi được biết hợp đồng 33 có rủi ro pháp lý, bị cáo đã chỉ đạo ngay việc kiểm tra, khi có xác nhận báo cáo, ngay trong ngày bị cáo ký quyết định thanh lý hợp đồng 33. Khi biết PVC tạm ứng tiền sai bị cáo yêu cầu có biện pháp khắc phục, sau đó bị cáo trực tiếp ký văn bản yêu cầu PVC có báo cáo bằng văn bản số tiền PVC đã sử dụng sai mục đích, và có phương án thu hồi ngay.

Về cáo buộc trong bản luận tội của VKS cho rằng, bị cáo thiếu thành khẩn và đổ lỗi cho cấp dưới, ông Thực cho rằng không thuyết phục vì ở cơ quan điều tra luôn khai báo thành khẩn, được cơ quan điều tra ghi nhận. Tại toà, bị cáo đưa ra chứng cứ chứng minh rằng mình vô tội, nhưng VKS từ chứng cứ ấy lại kết luận rằng bị cáo không thành khẩn.

“Chứng cứ chứng minh sự phân công phân quyền rõ ràng, mỗi người chịu trách nhiệm với hành vi của mình chứ không phải đổ lỗi cho cấp dưới. Chứng cứ đó góp phần làm rõ vụ việc và cá thể hoá trách nhiệm của các cá nhân cụ thể”, ông Thực nói và đề nghị VKS xem xét.

Khóc khi nghe VKS đề nghị mức án

Bị cáo Thực cũng phân trần về thời gian gắn bó với ngành dầu khí. Theo cựu Tổng giám đốc PVN, ông đã gắn bó với ngành dầu khí 40 năm và làm việc với mục tiêu duy nhất của cuộc đời là cống hiến cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, bản thân luôn tâm niệm phải làm đúng chứ không được làm sai. Trong giai đoạn làm lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cá nhân bị cáo có cống hiến đặc biệt xuất sắc trong khoa học dầu khí, được Nhà nước đánh giá qua các công trình khoa học.

Bị cáo Thực cho rằng, trong bối cảnh 7 năm về trước, để điều hành một tập đoàn đa ngành trong tình hình kinh tế đất nước đang suy giảm, bị cáo đã rất nỗ lực đưa Tập đoàn đi theo đường lối mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nhưng có những lúc bị cáo thấy mình chưa thật sát sao, khi không nhận được báo cáo của cấp dưới, bị cáo tin mọi việc diễn ra bình thường nên tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở các vấn đề khác.

Ông Thực cũng nói rằng mình đau xót khi chứng kiến nhiều lãnh đạo Tập đoàn vướng vòng lao lý. Chỉ vì một số cá nhân làm sai mà nhiều lãnh đạo không biết cái sai đã vướng vòng lao lý. Bản thân bị cáo cũng rất sốc khi nghe VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù.

“Bị cáo không hiểu vì sao một con người như bị cáo luôn thận trọng, trách nhiệm, khoa học trong làm việc, bao nhiêu đóng góp cho ngành dầu khí, cho đất nước, giải trình mọi thứ công khai trước toà mà VKS đề nghị một mức án hết sức nặng nề, bị cáo rất xúc động và đã khóc”, bị cáo Thực nói.

Trịnh Xuân Thanh khóc, xin lỗi ông Đinh La Thăng

“Từ hôm vào trại tạm giam, bị cáo luôn rơi nước mắt khi nhớ về hai con gái và vợ. Bị cáo thấy mình có lỗi với anh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN