Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng nói “không được đưa tiền nữa” nhưng vẫn nhận thêm 7 lần
Khai trước HĐXX, bị cáo Mơ nói, lần đầu đưa tiền, bị cáo Dũng chưa biết bao nhiêu và bảo "lần sau không được đưa nữa". Sau đó, bị cáo Mơ đưa thêm 7 lần khác thì bị cáo Dũng vẫn nhận.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được đưa đến toà
Ngày 12/7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Những bị cáo này bị truy tố về các hành vi đưa – nhận – môi giới hối lộ; lừa đảo; lạm dụng chức vụ.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Hoàng Diệu Mơ - Tổng giám đốc Công ty An Bình thừa nhận hành vi đưa hối lộ 34,6 tỷ đồng cho các quan chức như trong cáo trạng nêu.
Bị cáo Mơ mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lý do phải đưa tiền vì muốn được cấp phép các chuyến bay. Doanh nghiệp của bị áo Mơ được cấp phép 66 chuyến bay trong giai đoạn 2020 – 2021.
Trong cáo trạng, bị cáo Mơ là người đưa hối lộ nhiều thứ hai trong vụ án, với 41 lần cho 8 cựu quan chức với tổng 34,6 tỷ đồng.
Khi Chủ tọa hỏi nếu không đưa tiền, có được cấp phép không? Bị cáo Mơ nói “khả năng không được cấp phép hoặc chỉ được cấp 1 chuyến thôi".
Bị cáo Mơ trả lời thẩm vấn
Bị cáo Mơ khai, bị cáo từng xin cấp phép chuyến bay khi chưa đưa tiền nhưng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại nói A08 (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) Bộ Công an chưa trả lời. Do vậy, bị cáo Mơ đến gặp bị cáo Trần Văn Dự, cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và được yêu cầu gặp bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Bị cáo Tuấn đưa ra hai phương án, muốn được cấp phép phải chi 150 triệu đồng/chuyến hoặc 2 triệu đồng/người về nước. Mơ đồng ý phương án đầu. Còn bị cáo Phạm Trung Kiên, Thư ký một Thứ trưởng Bộ Y tế chủ động liên hệ, nói Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý xuất nhập cảnh, phải được 150 triệu/chuyến. Bị cáo Mơ đã đưa cho Kiên, Tuấn mỗi người hơn 5,1 tỷ đồng.
Hoàng Diệu Mơ khai, bị cáo đến gặp bị cáo Tô Anh Dũng, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao để xin giúp đỡ và được đồng ý. Sau đó, Mơ đã đưa tiền cho nhiều người ở Bộ Ngoại giao, gồm bị cáo Dũng 8.5 tỷ đồng; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan 2,6 tỷ đồng.
“Bộ Ngoại giao không ai đòi hỏi gì. Bị cáo đưa tiền để được chấp thuận, cấp phép các chuyến bay đúng thời gian", bị cáo Mơ nói và cho biết, lúc đưa tiền, bị cáo Dũng chưa biết bao nhiêu và bảo "lần sau không được đưa nữa". Sau đó, bị cáo Mơ đưa thêm 7 lần khác cho bị cáo Dũng với tổng số 8,5 tỷ đồng thì bị cáo Dũng vẫn nhận, không từ chối.
Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly. Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Cáo trạng xác định 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ gần 227 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 24 tỷ đồng. Theo cáo trạng, Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng có 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp, tổng 21,5 tỷ đồng, nhiều thứ 4 trong 21 bị cáo cùng tội danh truy tố Nhận hối lộ. 19 lần bị cáo Dũng nhận tiền trực tiếp tại phòng làm việc tại Bộ Ngoại giao, 15 lần tại các quán cà phê ở trung tâm Hà Nội, 2 lần trước cổng trụ sở Bộ Ngoại giao và một lần nhờ vợ nhận hộ. Bị cáo Dũng và gia đình đã nộp 16,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả, sát ngày mở phiên tòa. |
Tại tòa, một số bị cáo là lãnh đạo doanh nghiệp khai cần có chi phí “cảm ơn” thì mới được cấp phép tổ chức chuyến bay.
Nguồn: [Link nguồn]