Cứu sống bé gái bị sởi biến chứng suy hô hấp

Sự kiện: Dịch sởi

Bệnh nhi Bùi Kiều Tr. (10 tháng tuổi ở Hà Nội) bị bệnh sởi biến chứng suy hô hấp vừa được các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

Hôm nay (3/3), PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi sởi, đã chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phổi nặng. “Đây là trường hợp sởi biến chứng nặng nhất mà Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ đầu mùa dịch đến nay”, bác sĩ Dũng đánh giá.

Bệnh nhi Kiều Tr. nhập viện trong tình trạng sốt cao, đã nổi ban ba ngày, suy hô hấp, có lúc ngưng thở. Theo thông tin của mẹ bệnh nhi thì bé chưa tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Qua theo dõi thể trạng, các bác sĩ Khoa Nhi, kiểm tra các xét nghiệm, máu thông thường để xem phổi có xâm nhập virus hay không. Tuy nhiên, bệnh nhi đã bị suy hô hấp nặng, cho thở máy nhưng ô xy không lên.

“Bệnh nhi rất khó kiểm tra tim, các bác sĩ phải siêu âm liên tục nhưng không thấy tổn thương trực tiếp nên tiếp tục điều trị tích cực”, BS Dũng nói.

Các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị tích cực, cho bệnh nhi thở máy suốt 5 ngày.Đến nay, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, có thể tự hô hấp bình thường, không cần sử dụng máy thở và dần hồi phục, sức khỏe tiến triển tốt.

Cứu sống bé gái bị sởi biến chứng suy hô hấp - 1

Bệnh nhi Kiều Tr. bị biến chứng phổi đang được bác sĩ thăm khám

Bác sĩ Dũng cho biết, trong tuần qua, số lượng bệnh nhi sởi nhập viện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hiện tại, vẫn có hơn 3 ca sởi biến chứng nằm viện.

Theo BS Dũng, viêm phổi là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi. Hiện tại, đã có nhiều trẻ viêm phổi nặng phải thở máy, một số xuất hiện biểu hiện nặng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triểm và tử vong.

Một biến chứng ít gặp hơn nhưng không kém phần nguy hiểm là viêm não do sởi. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

Cứu sống bé gái bị sởi biến chứng suy hô hấp - 2

Các bác sĩ kiểm tra Xquang phổi cho bệnh nhi

Một biến chứng khác mặc dù hiếm nhưng cũng cực kỳ nghiêm trọng là chứng viêm não xơ hóa bán cấp. Bệnh này chỉ xuất hiện sau khi trẻ bị sởi từ 7-10 năm. Những trẻ mắc sởi lúc tuổi càng nhỏ thì nguy cơ này càng tăng. Biểu hiện đầu tiên là thay đổi nhân cách, sau đó rối loạn vận động, co giật, sa sút trí tuệ. Trẻ thường tử vong sau 1-2 năm phát hiện bệnh.

PGS đánh giá, lịch tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng trở lên là hoàn toàn hợp lý và không nên thay đổi, vì chiến lược tiêm phòng là cho số đông. Trên thực tế, số mắc sởi trước 9 tháng tuổi chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Số mắc ít, cơ thể trẻ đang còn có kháng thể từ mẹ, khi tiêm vào phản ứng kích miễn dịch kém. Theo tôi được biết, một số nước châu Phi người ta có thể tiêm vắc xin từ 6 tháng, sau một thời gian dài theo dõi và thấy số lượng trẻ mắc sởi từ 6 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao.

Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ trước 9 tháng bị sởi vẫn thấp và việc tiêm phòng ở lứa tuổi này sẽ giảm hiệu quả của vắc xin, do cơ thể trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên phản ứng kích miễn dịch sẽ bị kém đi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN