Cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang 2 lần khóc, nói "mang tiếng là em ông Triệu Tài Vinh"

Ngày thứ 5 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, sáng 18-10, bị cáo Triệu Thị Chính đã khóc, tiếp tục kêu oan và nói mang tiếng là em ông Triệu Tài Vinh.

Ngày 18-10, ngày thứ 5 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) và các luật sư tiếp tục phần tranh luận.

Bị cáo Triệu Thị Chính khóc tại toà, kêu oan

Có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Giang), bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", với khung hình phạt từ 1 đến 2 năm 6 tháng tù giam.

Luật sư Hoàng Văn Hướng kiến nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) khởi tố vụ án hình sự tại toà với dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vấn đề công tác điểm thi năm 2017. Trước đó, tại phiên toà ngày 16-10, bị cáo Triệu Thị Chính khai đã báo cáo với ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc sở GD-ĐT) về việc năm 2017 có những dấu hiệu phạm tội trong công tác thi cử. Cũng tại toà, bản thân ông Sử thừa nhận rằng bị cáo Chính có báo cáo sự việc này.

"Chúng tôi trân trọng đề nghị, bằng quyền năng của HĐXX, ngay tức khắc giữ lại toàn bộ bài thi của năm 2017 để mở một cuộc điều tra toàn diện khách quan và công tâm" - luật sư Hướng đề nghị.

Toàn cảnh phiên toà xét xử

Toàn cảnh phiên toà xét xử

Đối với vụ án đang xét xử về vụ gian lận thi cử năm 2018, luật sư Hướng yêu cầu mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những dấu hiệu vật chất, đặc biệt về tiền. Không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà lại chỉ bằng tình cảm, nói như vậy thì dư luận cả nước không chấp nhận được. Cần mở rộng điều tra xem xét toàn bộ những người thân thích của các bị cáo về các giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và bị cáo Vũ Trọng Lương.

"Chúng tôi yêu cầu mở rộng điều tra, xem xét toà bộ những người thân thích con cái, vợ, chồng, bố mẹ, anh em ruột… các hoạt động giao dịch về tài chính, các tài khoản ngân hàng, đặc biệt là đối với bị cáo Hoài và bị cáo Lương" - Luật sư Hướng nói và đặt vấn đề để đảm bảo khách quan, công bằng, nếu coi bị cáo Chính nhờ nâng điểm, trong vụ án này có rất nhiều người nhờ nâng điểm, vậy tại sao không khởi tố những người khác? Theo nội dung đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm nên đã vào các trường công an và quân đội, phải mở rộng điều tra vấn đề này.

Cuối cùng, luật sư kiến nghị mở một cuộc điều tra toàn diện những người như ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trong việc trả lời tin nhắn bị cáo Hoài là có mục đích gì?....

Bị cáo Triệu Thị Chính

Bị cáo Triệu Thị Chính

Tiếp đó, HĐXX cho bị cáo Chính bổ sung lời bào chữa của các luật sư. Bước lên bục khai báo, bị cáo Chính đã oà khóc và tiếp tục kêu oan, nói mình không phạm tội.

"Hôm nay tôi đứng đây, dù tòa tuyên án tội tôi thế nào, tôi vẫn ngẩng cao đầu nói với cả đất nước Việt Nam rằng tôi không phạm tội. Những người muốn tôi vào tù tội, trong sâu thẳm thâm tâm họ chắc chắn sẽ có lúc họ ăn năn hối lỗi. Tôi sai, tôi chịu, tôi tin tưởng vào sự phán quyết của tòa, của cơ quan pháp luật của tỉnh. Tôi là người sống và làm việc thế nào, chưa một lần nào cơ quan điều tra, lãnh đạo sở GD-ĐT từ khi tôi dính vào vụ việc này để nghe xem tôi làm như thế nào, tôi đã làm gì? Hôm nay có đồng nghiệp tôi ở đây, có những người không thân thiết, có những người mong muốn tôi có thể bị nạn, tôi vẫn ngẩng cao đầu để nói với HĐXX".

Theo bị cáo Chính, VKS truy tố bà theo điều 358, Bộ luật hình sự thì phải làm rõ ngay những khái niệm này từ ban đầu thì mới truy tố được bà. Người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi nhận, hoặc sẽ nhận sẽ nhận lợi ích nào dưới đây để sai khiến người khác.

"Điểm a là vật chất, không buộc tội bất cứ bị cáo nào ở đây, cái này để dư luận đánh giá, lên tiếng, còn điểm b phi vật chất, VKS chỉ rõ cho tôi tất cả những người nhắn tin cho tôi, tôi không liên hệ trực tiếp với người nào và tin nhắn nếu có tôi trả lời chỗ nào thể hiện tội nhận lợi ích phi vật chất, tôi nhận và đòi nhận và người ta đáp trả phi vật chất là cái gì. Trong khi đó tôi đã hết tuổi bổ nhiệm, thầy Sử, thầy Bình nói có cả những điều tế nhị rằng "năm nay chị hết nhiệm kỳ rồi, căng thẳng lắm, chị làm giúp em, cô làm giúp tôi, tôi sắp nghỉ hưu rồi" - bị cáo Chính nói.

Bị cáo Chính bào chữa thêm: "Trong 7 thí sinh thầy Sử nhờ tôi thì tôi phải nhận lợi ích phi vật chất từ ông Sử, chứ tôi không nhận từ ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương) . Tôi mang tiếng em ông Triệu Tài Vinh bao lâu nay, tôi lên hiệu trưởng trường nội trú, lên phó giám đốc sở nhưng ông Triệu Tài Vinh có biết đâu. Tôi đề nghị VKS chỉ rõ nhận về phi vật chất là gì, nếu không chứng minh được sao lại buộc tội tôi".

Sau đó, bị cáo Triệu Thị Chính lại khóc trong phần bào chữa của mình.

Tiếp đó, các luật sư và VKS tiếp tục tranh luận.

Chiều 17-10, trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, VKS đã đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài từ 8 đến 9 năm tù. Bị cáo Vũ Trọng Lương từ 7 đến 8 năm tù.

VKS đề nghị các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo Phạm Văn Khuông từ 1 đến 1 năm 6 tháng tù treo.

Đề nghị án cao nhất 9 năm tù trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang

Sau 4 ngày thẩm vấn các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, chiều 17-10, HĐXX...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.H.Thanh ([Tên nguồn])
Gian lận thi cử ở Hà Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN