Cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp nhận hối lộ định kỳ vào chiều thứ 6

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Hà Nội - Ông Hoàng Quốc Hùng nhắc người đút lót không ghi thông tin nơi thường trú, tạm trú trên tờ khai để hợp thức thẩm quyền cấp phiếu và nhận hối lộ vào chiều thứ 6 hàng tuần.

Ngày 29/3, ông Hoàng Quốc Hùng (cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp) cùng hai cấp dưới Lương Nhân Hòa (cựu Phó giám đốc), Nguyễn Đình Cảnh (cựu Phó phòng hành chính tổng hợp) và Phạm Quang Hậu (cộng tác viên Công ty Luật TNHH Vicco) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Cùng vụ án, 17 người khác bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Đưa hối lộ.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2011 đến tháng 2/2025, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp. Đơn vị có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước và thực hiện nhiệm vụ cấp phiếu theo thẩm quyền.

Ông Hoàng Quốc Hùng lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Ông Hoàng Quốc Hùng lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Nhà chức trách cáo buộc, từ năm 2019, lợi dụng tình hình công dân Việt Nam và nước ngoài có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng cao, ông Hùng đã dùng các thủ đoạn để giải quyết cấp phiếu trái quy định. Người đứng đầu Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia nghiêm cấm viên chức, người lao động của đơn vị không được trực tiếp làm dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhưng lại cho Hậu làm trung gian nhận hồ sơ từ người có nhu cầu xin cấp phiếu.

Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp 2019 quy định, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam và người Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú. Còn lại cấp tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành.

Theo cáo trạng, lợi dụng điều này, ông Hùng đã chỉ đạo Hậu hướng dẫn, yêu cầu nhóm "trung gian" nhận làm phiếu không ghi thông tin nơi thường trú, tạm trú và quá trình cư trú trên tờ khai. Sử dụng hộ chiếu thay cho căn cước công dân vì trên hộ chiếu không thể hiện nơi cư trú. Như vậy, với các trường hợp này, trung tâm của ông Hùng đương nhiên đủ thẩm quyền được cấp phiếu.

Để trót lọt thực hiện hành vi, ông Hùng yêu cầu các bộ phận chức năng của trung tâm phải tiếp nhận, tra cứu và cấp phiếu cho các hồ sơ không ghi nơi thường trú, tạm trú.

Hậu, Hòa và Cảnh bị cáo buộc giúp sức đắc lực cho ông Hùng. Theo thỏa thuận, Hoà và Cảnh phải liên hệ, bàn bạc và thông qua Hậu để đưa tiền cho ông Hùng để được giải quyết hồ sơ của cá nhân, doanh nghiệp xin cấp phiếu tại trung tâm.

Từ hướng dẫn của nhóm ông Hùng, người có nhu cầu xin cấp phiếu sẽ chuyển thông tin qua mạng xã hội Zalo, Viber, Telegram. Các thông tin cá nhân gồm ảnh chụp căn cước công dân, hộ chiếu, thông tin nhân thân, tờ khai yêu cầu cấp phiếu theo mẫu. Điều quan trọng là thông tin không được ghi nơi thường trú, tạm trú để nhóm nhận hối lộ lập hồ sơ yêu cầu cấp phiếu và nộp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Bị can Lương Nhân Hòa (trái) và Nguyễn Đình Cảnh. Ảnh: Bộ Công an

Bị can Lương Nhân Hòa (trái) và Nguyễn Đình Cảnh. Ảnh: Bộ Công an

Về chi phí bôi trơn, ông Hùng giao cho Hậu làm đầu mối nhận hồ sơ xin cấp phiếu từ người có nhu cầu. Chi phí do Hậu tự thỏa thuận với khách hàng song phải "cắt lại" cho ông Hùng 700.000 đồng cho một hồ sơ phiếu lý lịch tư pháp.

Thông thường, các bị can Hậu, Hòa và Cảnh yêu cầu những người nhận làm trung gian lo thủ tục xin cấp phiếu cho người dân chi từ 750.000 đến 850.000 đồng/hồ sơ/phiếu.

Định kỳ chiều thứ 6 hàng tuần, dựa trên số lượng hồ sơ được giải quyết cấp phiếu, Hậu phải đưa hối lộ cho ông Hùng bằng cách chuyển khoản hoặc trực tiếp đưa tiền mặt tại phòng làm việc.

Nhằm hưởng lợi bất chính, 14 bị can nhận làm thủ tục sẽ yêu cầu người xin cấp phiếu lý lịch tư pháp phải trả phí bình quân khoảng 2 triệu đồng một hồ sơ. Sau khi trừ đi số tiền hối lộ và các chi phí phát sinh bắt buộc như lệ phí cấp phiếu, dịch vụ bưu chính, dịch thuật, các bị can này được hưởng lợi từ 50.000 đến 300.000 đồng với một phiếu được cấp.

A09 kết luận, từ tháng 1/2019 đến 7/2023, ông Hùng được sự giúp sức của Hậu, Hòa và Cảnh đã nhiều lần nhận tiền hối lộ của 14 bị can và một số cá nhân, doanh nghiệp khác với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng để cấp hơn 55.000 phiếu lý lịch tư pháp trái quy định.

Theo Cơ quan An ninh, một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do công dân không hiểu rõ quy định của pháp luật về việc cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hơn nữa do tâm lý muốn được giải quyết hồ sơ nhanh nên họ đã thông qua các cá nhân, doanh nghiệp làm dịch vụ và đồng ý trả phí dịch vụ để được cấp phiếu sớm, từ đó đã tạo điều kiện cho các cá nhân đưa nhận hối lộ.

Phiếu lý lịch tư pháp mới nhất do ngành công an cấp hiện nay. Ảnh: Phạm Dự

Phiếu lý lịch tư pháp mới nhất do ngành công an cấp hiện nay. Ảnh: Phạm Dự

Quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp từ tháng 2/2025 trở về trước sẽ là cá nhân, tổ chức nộp tờ khai yêu cầu cấp phiếu theo mẫu, kèm theo bản sao giấy tờ cá nhân. Những trường hợp thuộc thẩm quyền cấp của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thì sẽ nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên dịch vụ công.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, trung tâm sẽ phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tra cứu, xác minh thông tin án tích để làm căn cứ cấp phiếu. Lệ phí cấp phiếu theo quy định là 200.000 đồng một lần/người.

Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Từ 1/3, Bộ Công an chính thức tiếp nhận nhiệm vụ quản lý và cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Bộ Tư pháp. Giao Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và Phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an các tỉnh thành đảm nhiệm.

Ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn đã chi 132 tỷ đồng cho nhiều quan chức để được nhận dự án ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi rồi thực hiện chuỗi sai phạm nhằm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dự ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN