Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khai lý do đấu thầu sai
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn - cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trình bày lý do chỉ đạo thầu rút gọn 4 gói thầu vật tư năm 2017.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội tại phiên xử.
Chiều 17/4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa về 4 gói thầu năm 2017, lý do buộc chỉ định thầu rút gọn, giúp Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hoà Phát trúng 4 gói thầu mà không cần đấu thầu lại, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn - cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trình bày: Năm 2017, Hà Nội chủ trương đấu thầu tập trung, song quá trình này diễn ra rất chậm. Vật tư dùng cho năm 2017, về nguyên tắc phải được đấu thầu xong trong quý I/2017, nhưng thực tế, mãi cuối năm 2017 mới có kết quả đấu thầu.
"Nếu đợi kết quả đấu thầu tập trung thì cả năm 2017, bệnh viện coi như không có vật tư, như thế bệnh viện sẽ phải đóng cửa, không thể cấp cứu, chữa bệnh cho bệnh nhân”, bị cáo Tuấn nói và cho biết, từ đó, bệnh viện mới có chủ trương vay một số thiết bị trước của Công ty của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát để sử dụng trước nhằm phục vụ bệnh nhân.
Bị cáo Tuấn nói, do thiếu thiết bị, vật tư y tế mà Hà Nội vẫn chưa thể đấu thầu tập trung, nên đã gửi văn bản báo cáo Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Nội và Trung tâm mua sắm công đề xuất chỉ định thầu khẩn cấp, áp dụng kết quả đấu thầu năm 2016. Trong các văn bản, bị cáo đã gửi kèm chi tiết số lượng vật tư còn trong kho, số lượng "vay mượn", số lượng đã sử dụng, dự kiến cần mua... để nêu rõ tình hình thiếu thốn này.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận, việc thiếu vật tư, nhu cầu chữa bệnh cấp thiết, nhưng việc mượn vật tư của doanh nghiệp để dùng trước là sai quy định và nhận trách nhiệm về vi phạm này.
Một luật sư khác bào chữa cho bị cáo Phan Tuấn Đạt - cựu Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Kim Hòa Phát đặt câu hỏi về việc đấu thầu các gói thầu trong năm 2016.
Bị cáo Tuấn cho biết, bản thân thời điểm ký duyệt các quyết định trúng thầu thật sự không thể biết việc tổ chức đấu thầu sai ở đâu. Bởi bị cáo chỉ quản lý chung ở bệnh viện, không thể nắm được chi tiết quy trình đấu thầu. Việc tổ chức đấu thầu là nhiệm vụ của Phòng Vật tư y tế.
Đề cập đến 2 cựu chủ tịch công ty Hoàng Nga và Kim Hoà Phát, bị cáo Tuấn dành lời cảm ơn vì hai công ty này đã giúp bệnh viện có vật tư, dù lúc đó họ không biết có được thanh toán hay không, nhờ đó bác sĩ có thể kịp thời khám chữa cho bệnh nhân. Bị cáo Tuấn khẳng định, không tư lợi và không nghĩ việc vay mượn vật tư lại liên luỵ đến 2 công ty trên.
Theo cáo trạng, hành vi sai phạm của 12 bị cáo diễn ra với 5 gói thầu giai đoạn năm 2016-2017. Công ty Hoàng Nga tham gia và trúng 5 gói thầu các thiết bị như stent, dụng cụ thả dù, dù đóng ống động mạch. Công ty Kim Hòa Phát trúng 4 gói thầu gồm 400 stent và một số vật tư khác.
Viện kiểm sát xác định, hành vi của bị cáo Tuấn và các bị cáo khác đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 53 tỷ đồng. Trước phiên xét xử, các bị cáo đã khắc phục tổng hơn 21 tỷ đồng, trong đó riêng bị cáo Tuấn hơn 6 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
“Tôi không hưởng lợi gì ngoài khoản tiền biếu vào dịp Tết là 10.000 USD và một chai rượu. Đến nay, tôi đã nộp lại số tiền này và còn được vợ nộp thay hơn 6 tỷ đồng...