Cựu cục trưởng thanh tra: "Mất tất cả vì sai lầm và hèn nhát"
TP HCM - Bị cáo Đỗ Thị Nhàn khóc trong suốt 10 phút nói lời sau cùng, cho rằng chỉ vì "sai lầm, hèn nhát" mà phải trả giá đắt, đánh mất tất cả, và xin tòa khoan hồng.
Chiều 4/4, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước, là một trong những bị cáo cuối cùng trong vụ án bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nói lời sau cùng.
Hơn 10 phút trình bày, bà Nhàn liên tục khóc. Bà nói đã có 35 năm công tác trong ngành ngân hàng, 24 năm gắn bó với công việc, dù ở vị trí nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao, được tặng nhiều bằng khen. Nhưng chỉ vì phút "sai lầm, hèn nhát", bà nói đã phải trả giá đắt và đánh mất tất cả.
Không nói rõ điều "hèn nhát" là gì, bị cáo bật khóc: "Tôi ân hận, xấu hổ về hành vi của mình. Sau tất cả, bị cáo nhận ra phải thượng tôn pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc sau khi biết rõ thực trạng SCB rất xấu, cần phải báo cáo NHNN và chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, nhưng bị cáo đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) hai lần gặp bà Trương Mỹ Lan để thỏa thuận che giấu cho SCB. Bị cáo đã 4 lần thông qua Văn, nhận tổng cộng 5,2 triệu USD của SCB.
VKS đánh giá hành vi của bị cáo là "dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để thực hiện tội phạm", bởi có nghiệp vụ, am hiểu hoạt động thanh tra ngân hàng, che giấu khiến cơ quan chức năng khó phát hiện sai phạm. Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa tuyên phạt bà Nhàn mức án tù chung thân về tội Nhận hối lộ.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng
Sau phút mất bình tĩnh, cựu cục trưởng thanh tra cho rằng, bản thân đã thành khẩn khai báo ngay từ những ngày đầu bị điều tra và suốt quá trình xét xử. Những gì bà trình bày tại tòa là chỉ mong VKS, HĐXX thấu hiểu hoàn cảnh chứ không đổ tội, chối tội.
"Những ngày qua là những ngày tột cùng đau khổ đối với bị cáo...", bà Nhàn nghẹn giọng, nói cảm thấy tội lỗi và không xứng đáng với những truyền thống hy sinh của cha mẹ, gia đình, người thân. Song, bà cảm ơn mọi người vì đã không bỏ rơi mình trong những ngày ở trại giam.
Cuối cùng, bà gửi lời cảm ơn các cán bộ trại giam, công an, bác sĩ... đã điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bà trong thời gian qua; xin tòa "mở lòng từ bi" khoan hồng cho bản thân và các cán bộ trong đoàn thanh tra vướng vào vụ án.
"Bị cáo hứa ở hoàn cảnh nào cũng sẽ chấp hành tốt nội quy cải tạo, để được sớm về với gia đình", bà nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng tại tòa. Ảnh: Thanh Tùng
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu phó chánh thanh tra cơ quan thanh tra giám sát NHNN, khi nói lời sau cùng đã bày tỏ biết ơn VKS đã thấu hiểu bao dung với hành vi sai phạm của mình và đề nghị giảm nhẹ hình phạt còn 11-12 năm tù.
"Bị cáo có lỗi rất lớn, xin gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước... Bị cáo thấy được trách nhiệm của mình với tư cách người ra quyết định thanh tra, đứng đầu, nhưng không hoàn thanh nhiệm vụ", ông Hưng nói và xin tòa giảm nhẹ thêm hình phạt đối với bản thân, giảm nhẹ cho bà Nhàn và anh em trong đoàn thanh tra.
Là người cuối cùng trình bày, bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch tập đoàn Capella, xin tòa xem xét các nội dung đã trình bày trong phần bào chữa trước đó, xin giảm nhẹ nhất mức hình phạt có thể, để sớm về điều hành công ty và điều trị bệnh.
"Bị cáo bị bể (vỡ) hai đốt sống lưng đã 12 tháng nay chưa được chữa trị. Đây là hình phạt vô cùng đau đơn đối với bị cáo. Xin tòa xem xét các đề xuất của luật sư và nỗ lực khắc phục toàn bộ hậu quả của gia đình để xem xét cho bị cáo", ông Trí nói.
Chủ tọa cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của luật sư về việc tạo điều kiện cho bị cáo trị bệnh. Tòa sẽ chuyển kiến nghị này cho đơn vị trại tạm giam xem xét, khám chữa bệnh cho bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.
HĐXX cho biết sẽ nghị án kéo dài và đưa ra phán quyết vào ngày 11/4.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) sử dụng SCB như công cụ tài chính, đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản và Đưa hối lộ.
Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói rằng do quen biết ông Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) từ trước và do tin tưởng nên đã cho ông Văn mã số khóa nhà. Bà hoàn toàn không biết trước việc ông Văn mang tiền đến nhà.
Nguồn: [Link nguồn]