Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị Viện kiểm sát nhận định 'cần cách ly vĩnh viễn'
Theo VKS, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Thị Nhàn tinh vi, cần có mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội...
Ngày 19-3, đại diện VKS nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
Theo cáo buộc, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) đã nhiều lần nhận tổng cộng 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan để che giấu sai phạm tại SCB, không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tại phần luận tội, đại diện VKS nhận định, với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, VKS đánh giá bà Nhàn trực tiếp làm trưởng đoàn thanh tra nhưng đã nhận tiền từ bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn để bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Bị cáo Nhàn đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa kết luận thanh tra dẫn tới việc không ngăn chặn kịp thời sai phạm của SCB.
Bị cáo Nhàn đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, quá trình công tác chưa có sai phạm, đây là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Song, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Thị Nhàn tinh vi, đây được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
VKS đánh giá, hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn gây bức xúc trong quần chúng. VKS xét thấy cần có mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội mới đủ răn đe.
Đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) VKS nhận định bị cáo đã giúp sức vợ mình gây thiệt hại cho SCB hơn 9.000 tỉ đồng.
Bị cáo Chu Lập Cơ không có tình tiết tăng nặng. Quá trình điều tra và xét hỏi tại tòa, bị cáo Cơ có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, tác động gia đình khắc phục hậu quả, có nhiều đóng góp cho các công tác xã hội…
Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo cáo trạng, năm 2012, bị cáo Chu Lập Cơ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình là Chủ tịch HĐQT của Công ty Times Square đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt và gây hậu quả đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB.
Chu Lập Cơ đã ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 10-12-2012, Quyết định số 13 ngày 10-12-2012 của Đại hội đồng cổ đông, Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 12-12-2012; ký Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 15-8-2017 của Công ty Times Square. Việc kí các văn bản này nhằm thế chấp tài sản của Công ty Times Square bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 9.116 tỉ đồng.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu phó chánh thanh tra), đại diện VKS xác định, bị cáo Hưng vì động cơ cá nhân, nhận tiền từ SCB và chỉ đạo đoàn thanh tra che giấu, bưng bít sai phạm của SCB.
Theo VKS, quá trình điều tra, bị cáo Hưng đã nộp lại số tiền vụ lợi 390.000 USD, lần đầu phạm tội. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả lớn nên VKS đề nghị tòa cách ly một thời gian dài mới đủ răn đe.
Đối với các bị cáo còn lại thuộc Đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố như trong cáo trạng, đề nghị tòa căn cứ vào tính chất mức độ, các tình tiết giảm nhẹ để tuyên mức án phù hợp.
Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, VKS nhận định khi biết bà Trương Mỹ Lan bị bắt, bị cáo Trí đã thực hiện các hành vi để chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của bà Lan.
Quá trình điều tra, xét hỏi tại tòa, bị cáo Trí đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện và tác động gia đình nộp khắc phục gần hết số tiền chiếm đoạt. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa có tiền án tiền sự.
VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Cao Trí có cơ hội sửa đổi.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo đại diện VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, cầm đầu gây ra hậu quả đặc biệt lớn hơn 498.000 tỉ đồng.