“Cựu Chủ tịch Vinashin chưa thi hành án được đồng nào”

Đó thông tin mà ông Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đưa ra tại cuộc họp báo quý I.2015 của Bộ Tư pháp, diễn ra ngày 17.4.

Khó thi hành án dân sự vì... không có tài sản

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về công tác thi hành án dân sự trong vụ Vinashin, cụ thể là việc ông Phạm Thanh Bình – cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin và đồng phạm không phải bồi thường 34,8 tỷ đồng, trong khi bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã có hiệu lực, ông Hoàng Sỹ Thành thừa nhận hiện nay công tác thi hành án dân sự gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ riêng gì vụ Vinashin.

“Cựu Chủ tịch Vinashin chưa thi hành án được đồng nào” - 1
Ông Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). Ảnh: T.Q
Theo ông Thành, nguyên nhân là do công tác quản lý và hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, nhiều bản án tuyên không thể thi hành án dân sự vì không có tài sản để thi hành. Với vụ Vinashin, cơ quan thi hành án phải thu hồi trên 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, do tòa án không có quyết định kê biên để đảm bảo thi hành án dân sự nên rất khó khăn. Đến nay đi vào chi tiết cụ thể, vụ Vinashin đã thi hành án được khoảng mấy chục tỷ đồng.

“Riêng trường hợp ông Phạm Thanh Bình đến giờ vẫn chưa thi hành án được đồng nào. Tài sản đã được kê biên như một cái nhà ở Trung Hòa - Nhân Chính, sau này sẽ tổ chức đấu giá và xác minh thêm tài sản khác” – ông Thành nói.

Theo lý giải của ông Thành, một số doanh nghiệp không làm đơn yêu cầu thi hành án số tiền 34,8 tỷ đồng trong vụ Vinashin, theo Luật Thi hành án dân sự 2008 và các nghị định hướng dẫn, bởi đây là án liên quan tới doanh nghiệp cổ phần nên muốn được thi hành án, doanh nghiệp phải làm đơn để tổ chức thi hành án, không phải án chủ động thu hồi tài sản cho Nhà nước.

“Tuy nhiên chúng tôi đã họp với Bộ GTVT, mời các doanh nghiệp đó lên, Bộ GTVT cũng có công văn chỉ đạo nhưng Công ty Hoàng Anh Vinashin nói rõ cổ phần trong đó có thể hoán đổi nên không bị thiệt hại. Họ cũng có công văn gửi Viện KSND Tối cao và các cơ quan liên quan nói rằng không thiệt hại gì nên không cần thi hành án” – vị Tổng cục trưởng cho biết.

Băn khoăn quanh việc nộp tiền thoát án tử

Liên quan đến góp ý vào dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) về việc nộp tiền khắc phục hậu quả có thể được thoát án tử hình, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 38, trường hợp người bị kết án tử hình mà khắc phục được khoản tiền nhất định, có thể xem xét giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân. Đề ra quy định này trong xu thế chúng ta đang cải cách tư pháp với Nghị quyết 49, theo đó giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù.

Ông Dũng nói thêm, sau 14 năm tổng kết thi hành BLHS, đối với án tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản rất thấp, chỉ hơn 10%. Bài toán đặt ra là: Cứ thi hành án như hiện nay thì người bị kết án tử hình vừa phải khắc phục hậu quả và vẫn bị tử hình, thì Nhà nước không thu được đồng nào từ tài sản tham ô tham nhũng.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đặc biệt là của Trung Quốc, chúng ta thấy có thể nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm này. Và chúng tôi đã đưa vào dự thảo quy định: Nếu người phạm tội tham nhũng bị tử hình có thể nộp 1/3 số tiền khắc phục hậu quả thì có thể giảm án từ tử hình xuống chung thân. Đây là quy định mới, nhưng giúp Nhà nước có thể thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có.

“Sau khi có quy định này, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy là ưu tiên cho kẻ có tiền. Nhưng nếu đặt ra vấn đề này trong bối cảnh trước tới nay, chúng ta không thu hồi được đồng nào mà vẫn phải thi hành án tử hình một con người thì chúng tôi rất mong các nhà báo chia sẻ quan điểm này. Chúng tôi không đặt vấn đề người có tiền thì thoát án tử, không có tiền thì không thoát án tử. Đối với án ma túy, chúng tôi đã loại ra khỏi danh sách được áp dụng quy định. Không có chuyện án ma túy cứ có tiền nộp phạt mà thoát được án tử hình. Chúng tôi vẫn đang lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí về vấn đề này để xây dựng BLHS sao cho phù hợp và khả thi nhất” – ông Dũng nhấn mạnh.

Quý I, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 864 văn bản (165 văn bản các bộ, cơ quan ngang bộ; 699 văn bản của địa phương) phát hiện 62 văn bản vi phạm Điều 3, Nghị định 40/2010/ NĐ – CP về nội dung kiểm tra văn bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thắng Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN