Cựu CEO SCB: "Đau xót vì cha mẹ cũng phải trả giá"

TP HCM - Nói lời sau cùng, ông Võ Tấn Hoàng Văn bày tỏ ân hận, nhìn nhận phải trả giá quá đắt, thấy đau xót vì cha mẹ và vợ con cũng phải trả giá cùng mình.

Ngày 4/4, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) là người tiếp theo sau bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và ông Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) nói lời sau cùng, trước khi tòa nghị án.

Mở đầu phần trình bày, ông Văn bày tỏ "tâm phục khẩu phục" với HĐXX trong quá trình điều khiển phiên tòa, tạo điều kiện cho bị cáo, các luật sư được trình bày hết quan điểm và các vấn đề liên quan trong vụ án. Bị cáo cũng bày tỏ sự biết ơn với các luật sư; đội áp giải đã chăm lo ăn uống nghỉ ngơi cho các bị cáo, thức khuya dậy sớm trong suốt quá trình xét xử.

Cựu CEO SCB bị cáo buộc từ 2013 đến 2017 đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 60.000 tỷ đồng. Từ 2018 đến 2020 (trước khi nghỉ việc), Văn đã ký hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỷ đồng lãi phát sinh.

Trong vụ án này, Văn bị VKS đề nghị mức án chung thân về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng hành vi trực tiếp mang 5,2 triệu USD đi hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Cục II - Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước) để "bịt sai phạm", bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự.

Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa. Ảnh: Hoàng Hùng

Cựu tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa. Ảnh: Hoàng Hùng

"Bị cáo cầu xin sự khoan dung của HĐXX, Nhà nước với cựu cán bộ thanh tra và nhân viên SCB, phần nào vì ngân hàng mà liên quan lao lý", bị cáo nói và xin giãi bày về một số nội dung.

Theo cựu CEO SCB, việc tặng quà, tiền cho đoàn thanh tra là xuất phát từ sự trân trọng, nghĩa cử chia sẻ trong cuộc sống, không muốn đoàn thanh tra "quay về Hà Nội sau thời gian dài làm việc mà không nhận bất cứ thứ gì". Tuy nhiên, khi cán bộ điều tra chỉ ra đây là sai phạm trong phòng chống tham nhũng, bị cáo cảm thấy "đau xót" và có lỗi với họ, vì sai lầm của SCB mà bị liên lụy.

Ông Văn cũng xin tòa khoan hồng cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng thanh tra, trưởng đoàn thanh tra SCB, và bà Trương Mỹ Lan; cho họ cơ hội đứng lên sửa chữa sai lầm. Theo bị cáo, trước khi vụ án xảy ra, Vạn Thịnh Phát và bà Lan đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là tập đoàn với 20.000 lao động, tài sản nghìn tỷ USD, ngang với quy mô của các tập đoàn khác ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

"Sự đóng góp của Vạn Thịnh Phát cho sự tăng trưởng GDP quốc gia là có thật, thậm chí vay nợ nước ngoài đầu tư ở Việt Nam là có thật", ông Văn nói và đề nghị HĐXX xem xét nhiều đóng góp khác của Vạn Thịnh Phát như đã cung cấp 25 triệu liều vaccine đợt đại dịch Covid-19; cho mượn nhiều khu vực làm nhiều bệnh viện dã chiến trong những ngày đất nước cơ cực nhất...

Ngừng một lúc, bị cáo Văn nói thêm, tất cả những việc xảy ra trong thời gian qua đã đem đến cho rất nhiều người bài học lớn lao và có giá trị. Cá nhân ông thấy rằng, dầu ý tưởng có tốt đẹp đến mấy mà không theo tinh thần tượng tôn pháp luật thì mọi nỗ lực của cá nhân và tập thể đều không bền vững, an toàn.

"Bị cáo trả giá cho điều này bằng sự tự do của mình, sự đau đớn của cha mẹ, của vợ, 6 đứa con và chàng trai (người con út) bị cáo chưa được gặp mặt. Không có sự ăn năn nào lớn hơn...", ông Văn nói vẻ khó khăn, giọng nghẹn.

Cựu tổng giám đốc SCB cũng cầu xin sự tha thứ cho bản thân và cựu nhân viên SCB qua các thời kỳ vì họ chỉ làm theo những gì kế thừa, thấy "làm không được thì nghỉ". "Sự tha thứ của tòa không chỉ cho bản thân các bị cáo mà còn là sự tha thứ cho 86 gia đình, cho bậc làm cha mẹ, cho hàng trăm đứa trẻ chờ mong cha mẹ trở về với một câu hỏi đau đớn 'sao cha mẹ lâu quá không về với con'. Các con lớn lên với sự đầy đủ cha mẹ, là niềm vui, hạnh phúc", một lần nữa ông Văn không giấu được xúc động.

Cuối cùng, bị cáo nhìn nhận trách nhiệm nặng nề sau khi chấp hành bản án còn là làm thế nào để xử lý hậu quả vụ án; "nếu bị cáo có thể làm được bất cứ điều gì cho quá trình này diễn ra tốt đẹp hơn thì xin sẵn sàng".

"18 tháng bị cáo chưa được gia đình thăm, tạo điều kiện động viên về thể chất, tinh thần. Kính xin sự tha thứ, khoan dung của HĐXX. Sự tha thứ này chính là phép màu, tái sinh cho bị cáo được trở về với phiên bản tốt hơn", ông Văn kết thúc phần lời nói sau cùng trong hơn 20 phút.

Là người tiếp theo thực hiện quyền nói lời sau cùng, Trương Khánh Hoàng, cựu quyền tổng giám đốc SCB, thừa nhận đã mắc nhiều lầm lỗi, gây nhiều hậu quả.

Bị cáo cho biết, thời gian đầu bị bắt nhiều lần tự hỏi "tại sao mình lại sai như vậy?", cho tới một ngày nhận ra tuổi trẻ quá nông nổi và bồng bột để rồi lao vào cuộc sống mưu sinh, đánh mất mình và mục đích của cuộc đời. Bị cáo bày tỏ biết ơn các cơ quan tố tụng đã giúp mình nhìn lại cuộc đời mình, để nếu có cơ hội thức tỉnh nửa cuộc đời còn lại sẽ sống có ý nghĩa hơn, làm người chồng, người con tử tế, gương mẫu với gia đình hai bên.

"Bị cáo được ban phước làm cha hai đứa nhỏ nhưng vô phước đánh mất điều đó. Đây là bài học rất đắt giá với bị cáo", ông Hoàng nói, thêm rằng 18 tháng qua chưa được gặp mặt người thân, xin tòa xem xét được sớm về lo cho gia đình, hiện mọi việc chỉ có người vợ lo toan.

Tiếp đó, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB, và nhiều bị cáo khác cũng bày tỏ ân hận về về sai lầm của mình, cho biết đã nhận thức sâu sắc và luôn thành khẩn để mưu cầu sự khoan hồng của pháp luật.

Phiên tòa đang tiếp tục với phần nói lời sau cùng của nhóm cựu cán bộ SCB.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị cáo Bùi Anh Dũng khóc nói về những chiêm nghiệm của mình từ trại tạm giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Duyên ([Tên nguồn])
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN