Cựu Biệt động Sài Gòn và những trận đánh hủy diệt

Sự kiện: Thời sự

Những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, ông Điền không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh.

Ông Phùng Bá Điền cùng vợ

Ông Phùng Bá Điền cùng vợ

Trong suốt 5 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Phùng Bá Điền (SN 1951, trú TP Vinh, Nghệ An) đã kiên cường, mưu trí tiêu diệt hàng trăm quân địch, phá hủy hàng nghìn tấn lương thực, kho xăng của địch, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Trận đánh “Yết Kiêu” phá kho xăng Nhà Bè

Tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với ông Phùng Bá Điền, cựu binh đặc công Biệt động Sài Gòn. Khi nhắc tới những trận đánh “Yết Kiêu” năm xưa, mắt ông lại rực sáng lên chí khí hào hùng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Vốn sinh ra ở vùng biển Cửa Lò, quanh năm sống bằng nghề chài lưới, 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Phùng Bá Điền xin gia nhập quân ngũ và được phiên chế vào Sư đoàn 126 đặc công hải quân.

Sau một thời gian dài huấn luyện, năm 1971 chàng trai xứ Nghệ được điều động vào Lữ đoàn 316, đặc công Biệt động Sài Gòn. Đây là lữ đoàn đặc biệt của quân đội Việt Nam ở Sài Gòn - Gia Định, lực lượng nòng cốt chuyên lặn sông gài mìn phá kho xăng, tàu tiếp tế quân lương của địch.

Lữ đoàn 316 có 4 tiểu đoàn đặc công và 12 đơn vị biệt động (mật danh là Z) và Phùng Bá Điền lúc bấy giờ là chiến sĩ của tiểu đội K19, Z24 đóng ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 1971, nắm được thông tin địch sẽ cập cảng Rạch Dừa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp tế lương thực và hàng quân sự (gồm súng, đạn, thuốc men) cho quân lính. Được lệnh cấp trên, ông cùng 3 chiến sĩ gắn 5 quả mìn hẹn giờ vào người rồi lợi dụng đêm tối, bơi ra sông gắn mìn dưới thân tàu của địch. Khi vừa bơi ra khoảng 200m, chiếc tàu nổ tung nhấn chìm hàng nghìn tấn lương thực tiếp tế xuống biển. May mắn trận đó cả tiểu đội an toàn.

“Để đảm bảo bí mật, các tiểu đội hoạt động độc lập, tiểu đội này không hề biết đến sự tồn tại của tiểu đội kia. Mỗi tiểu đội chỉ phiên chế từ 3 - 8 chiến sỹ, sau khi nhận lệnh từ cấp trên, chúng tôi tự lên kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh”, ông Điền nói.

Giữa năm 1974, Tiểu đội trưởng K19 Phùng Bá Điền nhận lệnh phá hủy kho xăng Nhà Bè, tiền đề cho chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với tính chất hoạt động bí mật, sau khi nhận lệnh, Phùng Bá Điền cùng các đồng đội lên phương án tiếp cận kho xăng. Tuy nhiên, sau thất bại bởi các trận đánh úp lần trước, Mỹ - Ngụy tiến hành các biện pháp phòng thủ chặt chẽ hơn, khiến cho công tác trinh sát, tấn công của chiến sỹ biệt động trở nên khó khăn gấp bội. Địch siết chặt đường bộ, các chiến sỹ phải âm thầm tiếp cận bằng đường sông.

“Lúc đó, Mỹ cho xây dựng một quân cảng lớn ở Nhà Bè cách Sài Gòn 8km để làm kho xăng. Quân cảng này chủ yếu để tiếp tế nhu yếu phẩm phục vụ chiến tranh, đặc biệt là xăng dầu. Bên cạnh cảng là hệ thống kho hoàn chỉnh của ba hãng Caltex, Shell và Esso; kho Shell lớn nhất, rộng 14ha có 72 bồn, cung cấp 60% xăng dầu quân sự và dân sự cho miền Nam. Chính vì thế, địch càng siết chặt nhiều biện pháp nhằm bảo vệ”, ông Điền nói.

Để tiếp cận được kho xăng Nhà Bè, ông cùng đồng đội phải bơi 8km ra giữa sông rồi vượt qua 27 lớp hàng rào gồm rào song sắt, rào chẻ ba bùng nhùng cao 3,5m, hệ thống tháp canh, tường bê tông cao 2,5m, hàng rào tôn, chó nghiệp vụ, bẫy mìn, tuần tiễu trên bộ, dưới nước, trên không… Trong khi đó, cả kho xăng không một bóng cây ẩn nấp.

“Nhằm tránh sự chú ý của quân địch và chó nghiệp vụ, chúng tôi lợi dụng đêm tối bơi ra giữa lòng sông chờ thời cơ tiếp cận kho xăng Nhà Bè. Lúc này, dòng sông phẳng lặng, trăng sáng vằng vạc, anh em chúng tôi phải ngậm “phễu” (phễu được làm bằng vòi cao su ngậm vào miệng để thở - PV) bơi ngửa chờ địch bất cẩn sẽ tiến sát đánh vào kho xăng. Cuối cùng, sau gần 3 giờ ngâm mình dưới nước, chúng tôi đã tìm được một lối nhỏ chỉ đủ một người chui lọt. Đây là lối đi được lính Mỹ lén mở để trốn gác ra ngoài. Đêm hôm đó, tôi cùng 7 chiến sĩ, mỗi người gắn vào người 8 quả mìn hẹn giờ tiến sát vào kho xăng. Sau khi cài mìn vào các vị trí trọng điểm, tôi ra hiệu lệnh cho anh em nhanh chóng rời khỏi Nhà Bè. Khi vừa bơi được khoảng 1km, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, kho xăng Nhà Bè bốc cháy dữ dội, thiêu rụi hàng triệu lít xăng, dầu”, ông Điền nhớ lại.

Còn sống để trở về là điều may mắn

Kho xăng Nhà Bè bị đặc công phá hủy năm 1974

Kho xăng Nhà Bè bị đặc công phá hủy năm 1974

Những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, ông Điền không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Nhưng ông nhớ nhất là trận đánh vào đồn Long Sơn tháng 2/1973. Sau khi nhận lệnh, ông cùng đồng đội lên kế hoạch tiến sát đồn Long Sơn.

Địa hình hiểm trở, quân lính giám sát nghiêm ngặt, ông cùng đồng đội phải khó khăn lắm mới tiếp cận được mục tiêu. Trận đánh đó, ta đã tiêu diệt được 16 lính Mỹ, đốt cháy kho lương của quân địch. Cũng ở trận đánh này, ông Điền bị thương nặng, còn đồng đội hi sinh rất nhiều.

“Trận đánh ác liệt đó, tôi bị mảnh đạn găm vào đầu, mất máu rất nhiều. Sau khi được đồng đội sơ cứu, tôi được chuyển đến trạm xá quân y Trung đoàn 10 Rừng Sát chữa trị 6 tháng ròng rã.

Mặc dù mỗi khi trái gió, trở trời vết thương do bom đạn vẫn hành hạ cơ thể, nhưng với tôi còn sống, còn trở về là điều may mắn lắm rồi. Bởi ở đâu đó, đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, lòng sông của miền Nam ruột thịt”, ông Điền rưng rưng nước mắt nhớ lại.

Trưa 30/4/1975, khi đang được giao nhiệm vụ bảo vệ ra-đa trên núi Vũng Tàu, ông Điền cùng đồng đội vây quanh chiếc radio nhỏ nghe lời đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh. Đến khoảng 20h tối cùng ngày, Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng thông báo cuộc kháng chiến trường kỳ đã chấm dứt, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

“Khi nghe đài phát tin Việt Nam chiến thắng, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, Mỹ sẽ rút khỏi miền Nam Việt Nam tôi sung sướng vô cùng. Vào thời khắc thiêng liêng ấy, tôi cùng các đồng đội ôm chầm lấy nhau, người cười, người khóc… Những mất mát, hy sinh được đắp đổi xứng đáng bằng ngày vui thống nhất non sông”, ông Điền chia sẻ.

Với sự chỉ huy tài tình, cùng lối đánh mưu trí, sáng tạo và quả cảm, Phùng Bá Điền cùng đồng đội Biệt động Sài Gòn đã xuất sắc lập nhiều chiến công góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đồng thời, ông cũng được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen vì có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 5/1975, Phùng Bá Điền được đơn vị điều về Sài Gòn làm nhiệm vụ quân quản. Đến tháng 6/1976, ông chuyển ngành về Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Đây là lần hồi hương đầu tiên sau bao năm đằng đẵng trên các chiến trường miền Nam. Sau đó, ông lập gia đình và sống hạnh phúc bên vợ và 3 người con ở TP Vinh.

Xúc động ngày giỗ các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn

Nhớ lại trận đánh để đời vào Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất) dịp Tết Mậu Thân năm 1968, các chiến sỹ Biệt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thủy Tiên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN