Cựu bí thư Bình Dương nói ‘không bắt tay doanh nghiệp, không đổ tội cấp dưới’
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trần Văn Nam – cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng không có tư tưởng che giấu hay bắt tay với doanh nghiệp, cũng không đổ tội cho cấp dưới…
Ngày 20-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ đất vàng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan, gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) cùng các luật sư bào chữa tranh luận với quan điểm luận tội của đại diện VKS.
Trước đó, ông Nam bị VKS đề nghị tuyên phạt 9-10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị cáo Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG
“Tôi không đổ tội cho cấp dưới”
Theo cáo buộc của VKS, ông Nam là người ký quyết định giao hai khu đất 43 ha và 145 ha, đồng thời cũng là người chấp thuận đề xuất tính tiền sử dụng đất theo đơn giá năm 2006 thay vì năm 2012 cho Tổng Công ty 3/2. Hành vi này dẫn đến ngân sách bị thiệt hại 761 tỉ đồng.
Khi biết Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha, ông Nam không những không ngăn chặn mà còn cùng với các lãnh đạo Tỉnh ủy khác đồng ý chủ trương cho tổng công ty chuyển nhượng nốt 30% vốn tại Công ty Tân Phú. Cựu bí thư còn chỉ đạo cấp dưới để ban hành một số văn bản nhằm “hợp thức hóa” các sai phạm nêu trên… Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại hơn 980 tỷ đồng.
Tự bào chữa trước tòa, ông Nam một lần nữa nói không chỉ đạo hay trực tiếp làm sai lệch các văn bản để hợp thức hóa hồ sơ. Ông cho biết đã cùng Thường trực Tỉnh ủy xem xét kỹ lại toàn bộ các văn bản để lý giải vì sao lại có việc “hợp thức hóa”. Bị cáo khẳng định từ người soạn thảo là Văn phòng Tỉnh ủy đến Phó bí thư Thường trực đều không có ý định che giấu, tiếp tay, chống lưng cho Tổng Công ty 3/2.
"Anh Phạm Văn Cành, cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, có chỉ đạo hợp thức hay không, tôi không biết, bởi đó là việc của anh Cành. Nhưng rất tiếc không có anh Cành ở đây (có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang chữa bệnh – PV) để nói cho mọi người hiểu, thế nào là hợp thức hóa", ông Nam phân trần.
Dù vậy, cựu bí thư thừa nhận "còn chậm trễ" khi không quyết liệt và làm việc rõ ràng với Tổng công ty 3/2 để cho sai phạm kéo dài, nhưng việc này cũng xuất phát từ lý do để chờ thêm kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rõ ràng.
"Việc bị quy kết là hợp thức hóa đau lòng lắm, rất đau lòng. Tôi xin khẳng định lịch sử tỉnh Bình Dương và lãnh đạo qua các thời kỳ đều không có tư tưởng che giấu hay bắt tay với doanh nghiệp. Tôi không đổ tội cho cấp dưới, cấp dưới cũng không đổ lỗi cho tôi và tôi cũng không bao giờ để cấp dưới làm sai phạm", ông Nam nói.
Đại diện VKS nêu quan điểm luận tội đối với 28 bị cáo. Ảnh: UYÊN TRANG Luật sư cho rằng tài sản nhà nước không bị thất thoát
Bào chữa cho ông Trần Văn Nam, luật sư viện dẫn các chứng cứ để cho rằng Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương “không biết” việc Tổng Công ty 3/2 bán khu đất 43 ha, đơn vị này chỉ biết sau khi giao dịch đã hoàn thành.
Từ năm 2018, ông Nam đã có nhiều ý kiến để tổng công ty không chuyển nhượng đất và cho thanh tra vào cuộc. Thậm chí, tháng 8-2018, khi một phó bí thư Tỉnh ủy xác định “việc chuyển nhượng là đúng” thì bị cáo vẫn kiên quyết yêu cầu hủy bỏ việc chuyển nhượng.
Luật sư cho rằng ông Nam không có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; nếu có dấu hiệu vi phạm thì chỉ là thiếu trách nhiệm khi không kiểm tra, nắm bắt kịp thời để xảy ra sai phạm.
Luật sư còn nêu quan điểm Tổng Công ty 3/2 là doanh nghiệp thuộc Đảng, tài sản của doanh nghiệp là tài sản nhà nước (như bản cáo trạng đã nhận định). Do đó, nếu coi vì lỗi của các bị cáo dẫn đến việc tiền thu ngân sách nhà nước bị thất thu, bên được hưởng lợi là tổng công ty do không nộp đủ tiền sử dụng đất, thì xét trên bình diện tài sản nhà nước không hề bị thất thoát.
Về việc áp đơn giá năm 2006 thay vì năm 2012, luật sư nói không riêng gì Tổng Công ty 3/2, nhiều doanh nghiệp khác cũng được giao đất trên thực địa từ năm 2006, và họ đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thời điểm ấy, rất nhiều nhà đầu tư phản đối cách tính tiền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định giao đất (trên giấy tờ), thậm chí đã xảy ra khiếu nại hành chính…
“Trong bối cảnh đó, các đơn vị chuyên môn của UBND tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý; tin tưởng ý kiến của cơ quan chuyên môn, ông Nam đã ký văn bản 3444 (chấp thuận đơn giá năm 2006 – PV)” – luật sư nói.
Người bào chữa của cựu bí thư Bình Dương cũng cho rằng hậu quả hành vi của ông Nam có thể bị coi là sai quy trình, nhưng không gây hậu quả thất thoát tài sản của Nhà nước.
"Trên thực tế, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đến nay đều chấp nhận, không yêu cầu truy thu và cả đại diện chủ sở hữu khu đất (Tỉnh ủy Bình Dương) cũng không yêu cầu phải truy thu", luật sư tiếp tục nêu quan điểm…
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị đề nghị 9-10 năm tù trong vụ án bán rẻ “đất vàng” gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng.