Cưới vợ cho chồng sau hơn 20 năm xa cách

Câu chuyện có thật của bà Lữ Thị Toán (SN 1929), trú ở thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam khiến nhiều người xúc động.

Người chồng may mắn trở về bên người vợ thủy chung son sắt đợi chờ sau hơn 20 năm chiến tranh xa cách. Hạnh phúc gia đình trọn vẹn nhưng tuổi xuân đi qua khiến người vợ không thể sinh con cho chồng. Và người vợ đã làm cái việc có một không hai là “cưới vợ cho chồng”...

Câu chuyện có thật của bà Lữ Thị Toán (SN 1929), trú ở thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam khiến nhiều người xúc động.

Chờ chồng hơn 20 năm

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm về xã Bình Giang để tìm hiểu kĩ hơn về câu chuyện “cưới vợ cho chồng” của bà Lữ Thị Toán. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ còn có bà Võ Thị Phùng (67 tuổi, hàng xóm của bà Toán). Bà Phùng cho biết, ngày nào cũng qua nhà bà Toán để nói chuyện, động viên, chia sẻ… bởi bà Toán đang sống một mình.

Miệng móm mém mỉm cười khi biết chúng tôi gợi lại chuyện “cưới vợ cho chồng” cách đây hơn 35 năm, bà Toán cho biết đó là chuyện bà phải làm và làm với tấm lòng cao cả, yêu thương, không toan tính hay hằn học gì. Bà kể, năm 20 tuổi, bà và ông Phan Thanh Vinh (SN 1929) lấy nhau. Ở với nhau được 3 tháng, chàng trai trẻ Phan Thanh Vinh lên đường đi kháng chiến chống Pháp ròng rã 4 năm trời. Thắng giặc Pháp xong, ông Phan Thanh Vinh được về nhà mấy ngày rồi lại lên đường ra trận. Khoảng thời gian ngắn ngủi gặp nhau nên hai vợ chồng trẻ chưa thể có con. Cứ thế, bà Toán chờ chồng đằng đẵng hàng chục năm trời.

Năm 1973, ông Phan Thanh Vinh trở về. Ngày hai vợ chồng gặp lại mừng mừng tủi tủi. Những tưởng hơn 20 năm xa cách biền biệt, bà Toán sẽ “đi bước nữa” nhưng bà vẫn thủy chung chờ chồng. Tấm lòng son sắt của bà Toán khiến ông Vinh không cầm nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Tuy nhiên, sự trở về của ông Vinh đúng lúc tuổi xuân của bà Toán cũng đã đi qua, không thể sinh con cho ông được nữa. Mặc dù ông Vinh cũng bàn với bà đi xin con nuôi nhưng bà không muốn.

Cưới vợ cho chồng sau hơn 20 năm xa cách - 1

 Hiện bà Toán (trái) sống một mình, vì thế bà Phụng và nhiều bà con hàng xóm khác thường xuyên qua lại hỏi han, chia sẻ. Ảnh: ĐH.

“Ngày ông ấy trở về tôi mừng lắm vì ngoài kia đồng đội của ông ấy rất nhiều người đã nằm lại chiến trường. Nhưng lúc đó tôi đã hơn 40 tuổi nên không thể sinh con cho chồng được. Cứ nghĩ sau này ông ấy không có con tôi thấy như có lỗi với ông ấy. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tôi quyết định đi tìm vợ cho…chồng”, bà Toán kể.

Trong những năm tháng chiến tranh, chờ chồng, hàng ngày ngoài việc đồng áng, bà Toán còn tham gia vào đội quân du kích của xã, nuôi giấu cán bộ. Năm 1999, bà Lữ Thị Toán vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huân chương kháng chiến hạng 3.

Bà Toán làm việc này một cách lặng lẽ. Người mà bà Toán tìm cho chồng là bà Nguyễn Thị Tiến (trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình). Nhưng để thuyết phục bà Tiến về làm vợ cho chồng mình cũng không dễ. Sau nhiều lần một mình đi “tán” bà Tiến và tâm sự về hoàn cảnh, hai người đàn bà ôm nhau khóc vì số phận trớ trêu. Rồi bà Tiến đã đồng ý về làm vợ ông Vinh. Ngày bà Toán cầm đơn lên UBND xã “xin cưới vợ cho chồng” ai cũng bất ngờ và cứ nghĩ bà đùa. Nhưng khi biết được sự thật thì ai cũng khâm phục bà.

Năm 1976, bà Toán đứng ra tổ chức đám cưới cho chồng. Hôn lễ diễn ra trong nhiều cảm xúc. Ngày vui mà ai cũng rơi nước mắt  khi nghĩ về tấm lòng cao cả, nghĩa tình. Đêm tân hôn, bà Toán nhường phòng ngủ của hai vợ chồng trước đây cho “vợ mới” và chồng, còn bà xuống nằm ở cái giường tre ọp ẹp dưới bếp. “Đêm đó ông không ngủ được, cứ ra ngồi nói chuyện với tôi nhưng tôi đã động viên là phải ở với “vợ mới” để nhanh có con cho vui cửa vui nhà. Sau nhiều lần thuyết phục ông mới chịu nghe”, bà nói.

Niềm vui giấu kín


Sau đó, để sinh hoạt gia đình tế nhị, bà Toán khuyên chồng xin đơn vị làm một căn nhà nhỏ ở gần cơ quan. Cứ thế, tháng này qua năm khác, ông Vinh cứ “đi, về” với hai người đàn bà yêu thương. Đặc biệt, bà Toán và bà Tiến thương nhau như hai chị em, thường xuyên qua lại tâm sự, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Ông Vinh và bà Tiến ở với nhau một thời gian thì sinh ra được mấy đứa con khỏe mạnh. Ngày bà Tiến sinh đứa con đầu lòng, bà Toán là người lo lắng, chăm sóc, chạy ngược xuôi… hơn ai hết. Khi nghe tiếng trẻ con khóc chào đời, bà Toán rớt nước mắt hạnh phúc. Tuy không phải con bà đẻ ra nhưng khi nhìn thấy đứa trẻ lòng bà yêu mến như chính mình là mẹ của nó vậy.

Từ khi bà Tiến sinh con, bà Toán ngày càng vui vẻ và không quản gian khó, làm lụng vất vả giúp đỡ nuôi các con của bà Tiến lớn lên như những đứa con của mình. Các con của bà Tiến cũng xem bà Toán như là mẹ đẻ. Năm 2000, ông Vinh mất, bà Tiến về ở với con ở thành phố Đà Nẵng. Những lúc có sức khỏe, bà Tiến vẫn vào thăm hỏi bà Toán. Vào dịp cuối tuần hoặc khi hay tin bà bị đau ốm, các con của bà Tiến chạy vào quan tâm, chăm sóc bà.

“Tôi thường qua lại hỏi han, nói chuyện, chăm sóc bà Toán. Tôi thấy tấm lòng bà Toán thật hiền dịu và bao dung. Bà ấy nói việc “cưới vợ cho chồng” là hoàn toàn tự nguyện, vui vẻ. Cùng là phụ nữ, tôi thấy sự hy sinh bản thân vì người khác của bà Toán khiến chị em chúng tôi ai cũng cảm phục”, bà Võ Thị Phùng, hàng xóm bà Toán nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hoàng (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN