Cuối năm, nghề 'cầm cưa đứng đường' vào mùa
Trải qua mấy năm COVID-19 khó khăn, nghề cầm cưa đứng đường năm nay có việc làm thường xuyên, nhất là trong tháng Chạp.
Ở đầu phố Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, sáng sáng có hơn chục thợ mộc đứng chờ việc. Dụng cụ của họ được đựng trong chiếc hộp gỗ nhỏ, buộc phía sau xe máy. Bên trong đựng đủ loại dụng cụ như: máy khoan, dùi, đục, đinh, ốc, vít, cưa...
Thợ ở đây chủ yếu đến từ làng Bùi, Trịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam. Nghề của họ được “cha truyền con nối” nhiều đời. Ông Ngô Đình Tề (64 tuổi) cho biết: “Từ thời ông nội tôi lên Hà Nội để làm nghề thợ mộc đến tôi đã là đời thứ ba”. Vẫn lọc cọc chiếc xe đạp cũ, ông Tề chở theo hộp gỗ nhỏ đi làm. Theo nghề đã hơn 30 năm, nhưng vì tuổi cao nên ông Tề có ít người thuê.
Khách đến tìm thợ mộc
Những người thợ ở đây có thể làm được nhiều việc, từ đóng cửa, cắt chân giường, đến đánh véc-ni, bào gỗ, quét sơn… Anh Lê Văn Quang (42 tuổi) đi theo ông Tề học nghề từ thời thanh niên. Anh nói, trước đây, nội thất hầu hết là đồ gỗ, nhưng giờ có nhiều chất liệu hơn như nhôm, kính… nên cũng phải mày mò học thêm để có thể nhận được nhiều việc hơn.
Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, nghề thợ mộc đứng đường gặp không ít sự cạnh tranh. Người ta chỉ cần gõ “tìm thợ mộc” trên mạng sẽ tìm được nhiều xưởng lớn nhỏ có thợ sửa tận nơi. Thợ mộc phố Nguyễn Đình Chiểu hầu hết đã ngoài 50 tuổi, khó tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, dù cạnh tranh đa dạng hơn, nhưng đa số khách hàng của những thợ mộc này là người lớn tuổi, quen với nhóm thợ ở đây từ lâu. Tổ thợ mộc ở đây cũng có nhiều năm làm nghề, tiền công phải chăng nên công việc ngày cuối năm vẫn đều đặn. |
Hơn 20 năm trong nghề, có lần anh Quang gặp tai nạn nghề nghiệp. Như lần sửa bản lề cho một gia đình, anh giơ búa để đóng nhưng chẳng may trượt tay, búa rơi vào đầu, bị ngã khiến anh phải đi bệnh viện, khâu mấy chục mũi. Nhiều lần, anh đã thử công việc khác nhưng không thành nên tiếp tục với nghề cầm cưa. “Xã hội phân công, mỗi người một nghề, mình cứ bằng lòng với cuộc sống của mình là được”, anh Quang nói.
Tháng cao điểm
“Nghề này như đi câu. Hôm hên thì gặp khách; có tuần đứng chờ 4 ngày không có lấy một việc”, anh Quang kể. Năm ngoái, do dịch bệnh COVID-19, thợ mộc phải nghỉ việc, về quê làm nông, nên cả năm khó khăn. Năm nay, các anh khá hơn vì hết dịch bệnh, công việc cũng túc tắc. Mỗi tháng, mỗi người kiếm được khoảng 6 - 8 triệu đồng.
Cuối năm, nhu cầu dọn dẹp, sửa sang nhà cửa tăng, thợ mộc có nhiều việc làm hơn. Theo anh Quang, tháng chạp, thợ mộc có việc đều đặn có thể kiếm được 300.000 - 500.000 đồng mỗi ngày, thậm chí, có những việc khó, ngày có thể kiếm được 1 triệu đồng. Nếu làm chăm chỉ, tháng Tết cho thu nhập hơn 10 triệu.
Dù vất vả, khó khăn nhưng cánh thợ ở đây luôn đùm bọc lẫn nhau, tuyệt đối không tranh giành khách. “Khách cần hay hỏi ai thì người đó làm, lộc ai người đấy hưởng, ai nhận được công trình lớn thì rủ nhau làm cùng”, anh Quang chia sẻ. Những người đến đây tìm thợ, tùy theo công việc và quãng đường di chuyển, thợ sẽ thỏa thuận giá cả trước. Tuy vậy, nghề vẫn có những khó khăn riêng. Ông Hoàng Văn Thái (60 tuổi) chia sẻ, có những lần đến nhà khách, sửa xong đồ cho họ rồi họ lại kỳ kèo đòi giảm giá tiền và có cả những lần bị khách quỵt tiền... Có lần, khách yêu cầu thay cửa mới, ông Thái tự đi mua về và lắp cho gia chủ nhưng gia chủ bắt đổi cửa khác. Hôm đó, ông bị lỗ mất tiền cửa và công đi lại.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện Đà Nẵng đang là địa phương có mức chi tiền thưởng Tết Nguyên đán 2023 cao nhất với hơn 1 tỷ đồng, tiếp theo là Bình Dương với gần 900 triệu đồng.