Cuối năm nay HN có đường Võ Nguyên Giáp?
Kỳ họp HĐND Thành phố vào tháng 12 tới, Hà Nội sẽ bàn bạc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp.
Đó là quan điểm cá nhân của ông Phan Đăng Long Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội khi trao đổi với báo PV tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 8/10.
Tại cuộc giao ban báo chí, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vừa qua đời hôm 4/10.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Đăng Long cho biết, Hà Nội đã xây dựng quy chế đặt, đổi tên đường phố. Quy chế hiện nay, đặt tên đường chủ yếu ưu tiên cho các tên địa danh cổ, rồi mới đến tên các danh nhân.
Theo ông Long, Hà Nội quy định tối thiểu sau thời gian mất 10 năm mới xem xét đặt tên đường theo danh nhân. Tuy nhiên trường hợp đặc biệt vẫn được xem xét nghiên cứu đặt tên trước thời hạn trên.
Ví dụ ngày 2/10/2013, Hội đồng tư vấn Thành phố đã tư vấn cho HĐND TP Hà Nội sẽ họp vào tháng 12 này đưa vào xem xét đặt tên đường phố Võ Văn Kiệt, mặc dù ông mới chỉ mất được 5 năm.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Long cho hay, nhiều phiên họp của Hội đồng tư vấn trước đây có ý kiến đề nghị trường hợp ngoại lệ đặt tên đường mang tên Đại tướng ngay sau khi mất. Tất cả các thành viên trong Hội đồng tư vấn đều nhất trí chủ trương này.
Thậm chí còn có ý kiến nhấn mạnh, với công lao của Đại tướng như vậy phải tìm con đường nào thực sự xứng đáng, để sẵn đó, Đại tướng mất sẽ đặt ngay. Tuy nhiên nếu Đại tướng biết phương án này, Đại tướng cũng không đồng ý. Bởi nếu không có tên đường, bao nhiêu dân cư sinh sống ở đó không có địa chỉ liên lạc, ảnh hưởng rất lớn.
Ông Long cho rằng, chắc chắn việc đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Thủ đô sẽ được xem xét sớm.
“Theo quan điểm chủ quan của tôi, tháng 12 này HĐND Hà Nội họp sẽ bàn bạc đặt tên đường mang tên Đại tướng. Vấn đề con đường nào xứng đáng với Đại tướng cần phải nghiên cứu. Nhưng với một Hà Nội đang phát triển như hiện nay sẽ có nhiều con đường xứng đáng để đặt tên”, ông Long nói.
Thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường cũng cho rằng, giả thiết đổi tên một con đường nào đó để mang tên Đại tướng khó xảy ra. Bởi xu hướng chung hạn chế việc đặt tên rồi lại thay.
“Điều đó liên quan đến địa chỉ, hộ tịch dân cư ở đó. Chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ, có vấn đề, bắt buộc phải điều chỉnh”, ông Long cho hay.
Một giả thiết khác được đưa ra mới đây, đặt tên đường mang tên Đại tướng cho đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân chuẩn bị hình thành, theo ông Long cũng cần phải nghiên cứu.
Bởi khi đặt tên đường, không chỉ dựa vào quy mô mà còn phải xem xét ở nhiều góc độ khác, không chỉ quy mô dài rộng mà còn ở ý nghĩa lịch sử, vị trí con đường…
Tang lễ Đại tướng tại Hà Nội Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013. Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013. Sau lễ truy điệu tại nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, linh cữu của Đại tướng sẽ được chuyển bằng ô tô ra sân bay Nội Bài. Sẽ có một chuyến bay riêng để đưa linh cữu cùng đoàn tang lễ vào sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Tiếp đó, linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào Quảng Bình để tổ chức lễ an táng tại quê nhà Quảng Bình. Tang lễ tại Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi chuyến bay đưa linh cữu Đại tướng hạ cánh tại Quảng Bình, linh cữu Đại tướng tiếp tục được chuyển bằng ô tô từ sân bay Đồng Hới đến địa điểm an táng tại Vũng Chùa - đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình). Đảo Yến cách đất liền khoảng 1km, có diện tích khoảng 10 ha, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ, mặt hướng ra đại dương có nhiều bãi đá hùng vĩ, được sóng biển tạo nên nhiều hình thù khác nhau. Đoạn Mũi Rồng (đoạn núi nhô ra biển được người dân gọi là Mũi Rồng) kết hợp với Đảo Yến tạo nên Vũng Chùa rất tĩnh lặng. Mũi Rồng là một địa danh theo người dân Quảng Bình là rất thiêng, chỉ dành cho bậc khai quốc công thần an nghỉ vĩnh hằng để hộ vệ quốc gia cho con cháu ngàn đời thanh bình. Đài PT-TH tỉnh Quảng Bình tổ chức tiếp sóng truyền hình trực tiếp lễ viếng, lễ truy điệu và an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh và mở chuyên mục đặc biệt về Đại tướng để thông tin cho các tầng lớp nhân dân và chiến sỹ các lực lượng vũ trang trong tỉnh theo dõi. Báo Quảng Bình, Tạp chí Sinh hoạt Chi bộ và các báo trên địa bàn tỉnh ra số báo đặc biệt về thân thế, sự nghiệp, đạo đức cách mạng cao cả, ý chí kiên cường bất khuất, thiên tài quân sự của Đại tướng và phản ánh lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà. Ngoài ra, tại Điện Biên, từ khi biết tin Đại tướng từ trần, người dân đã đến Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Mường Phăng, nơi có hầm Đại tướng, để viếng Đại tướng. Trong 2 ngày tang lễ Đại tướng, từ 12h ngày 11/10/2013 đến 12h ngày 13/10/2013, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. |