Cuộc thảm sát ở cầu Ác và bức mật thư
Xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương có một cây cầu mang tên “Ác” gắn liền với quá khứ về một vụ thảm sát bi ai của người dân vùng này.
Và ở ngay đầu cầu Ác, vẫn còn đó một nhân chứng sống - người giải mã bức mật thư được gửi từ vùng thảm sát vào nhà tù Phú Quốc.
Cụ Nguyễn Đình Chính bên bia Căm thù kể lại về một thời quá khứ bi hùng ở mảnh đất này
Vụ thảm sát đẫm máu
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến người chép sử làng Cổ Chẩm là cụ Nguyễn Đình Chính (SN 1930) ở ngay đầu cầu Ác. Cụ Chính vốn là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp, giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn rất tinh anh. Cụ cho biết, cây cầu này đã có từ rất lâu đời, ngày xưa là những phiến đá ghép vào cho mọi người đi lại. Dưới chân cầu, nước sông chảy rất xiết, đã có người chèo thuyền qua đây bị nhấn chìm.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp sôi nổi khắp Việt Nam. Tháng 11/1951, một nhóm du kích của Thanh Hà cho nổ mìn vào trại lính của địch làm tiêu hao một số tên. Quân Pháp điên cuồng chống trả, càn quét từ trên cầu Lai Vu xuống tới khu Hà Đông của huyện Thanh Hà. Trên đường đi, chúng không ngừng đốt nhà cửa, cướp bóc, cưỡng bức phụ nữ... Đến đầu cầu Ác, lính Pháp liền lập bốt cao 2 tầng và đặt khẩu đại liên ở trên nóc, boongke gác có 3 khẩu trung liên nhằm làm cô lập lực lượng cách mạng khỏi quần chúng nhân dân. Để cho xe của Pháp đi lại thuận lợi hơn, tên tri huyện thân Pháp là Công Xuân Bách cho xây lại cây cầu này thành cầu xi măng cốt sắt.
"Chứng kiến biết bao biến cố của lịch sử nên tự bao đời, người dân Thanh Hà đặt cái tên “Ác” cho cây cầu như một lời nhắc nhở những thế hệ sau nhớ về một quá khứ bi tráng và trân trọng nền hòa bình, độc lập hôm nay. Hiện người dân dựng một bia căm thù cạnh cầu Ác với dòng chữ “Thù ngàn đời, ngàn kiếp không quên”. Nơi đây đã trở thành một chứng tích lịch sử của mảnh đất xứ Đông”. Cụ Nguyễn Đình Chính |
Bất chấp lính Pháp càn quét, người dân vẫn đoàn kết bao bọc cán bộ kháng chiến. Ngày ấy, căn nhà đất của gia đình cụ Chính được lựa chọn làm nơi họp bí mật của những người du kích. Những lúc họp, cụ Chính có nhiệm vụ canh gác và sẵn sàng thông báo có động bằng mật hiệu: “Trời nắng rồi, mau đổ thóc ra phơi đi”, “Có đi bắt sâu cho vải không?”... Không làm lung lạc được ý chí người dân, quân địch dùng tới thủ đoạn dã man nhất là thảm sát dân làng, hơn một trăm người vô tội đã bị đem về thành cầu Ác chặt đầu rồi ném xác xuống sông.
Khuôn mặt nhăn lại đầy đau đớn, cụ Chính nghẹn lời khi kể lại vụ thảm sát kinh hoàng ấy. Máu dân tuôn chảy đỏ ngầu khúc sông, thịt xương người tan nát vung vãi. Cụ Chính vẫn nhớ về người chiến sĩ Phạm Sỹ Hồng hoạt động bí mật tại nơi đây: “Khi bị bắt giữ, chúng tra tấn ông Hồng bằng những đòn tàn độc thời trung cổ như dùng kim có gắn lông gà đâm vào 10 đầu ngón tay rồi bắt quạt cho chúng, thậm chí còn mổ bụng... Ông Hồng vẫn không chết, chúng đã mang ông Hồng ra chân cầu Ác chặt đầu ném xuống sông...”. Chứng kiến những cái chết đầy oan khuất của đồng bào, người dân Thanh Hà càng thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, phẫn uất sự tàn bạo, dã man của quân cướp nước, củng cố niềm tin sắt son đi theo cách mạng.
Cầu Ác bằng đá hiện trở thành phế tích tại thôn Quếch An, xã Thanh An, Thanh Hà
Bức mật thư gửi từ vùng thảm sát
Trong một lần vào trại lính Pháp để nắm địa hình, chuẩn bị cho những trận đánh du kích, người chiến sĩ Nguyễn Đình Chính bị rơi vào tay giặc. Cụ bị đưa vào trại tạm giam Hải Dương, bị trói chân tay bằng dây điện, treo ngược trên cây suốt đêm. Hôm sau, chúng múc xô nước to cho cụ uống đầy bụng rồi lại lấy chân đạp cho nước ra ngoài… Mặc dù chúng dùng nhiều thủ đoạn để tra khảo, đánh đập, dụ dỗ nhưng cụ quyết không khai báo nửa lời. Không khai thác được thông tin, sau 3 tháng, chúng đưa cụ tới Căng Đoạn Xá (Hải Phòng), liên tục tra tấn dã man.
Ngày 12/9/1953, cụ Chính cùng những chiến sĩ cách mạng giam tại Căng Đoạn Xá bị áp giải ra nhà lao Cây Dừa ở đảo Phú Quốc. Không hề nao núng tinh thần, cụ Chính cùng các đảng viên trong các khu nhà giam đã liên lạc với nhau, tổ chức được các chi bộ bí mật, tổ chức lao động, sinh hoạt, chống địch khủng bố, đàn áp, tổ chức vượt ngục... Cuối năm 1953, cụ Chính cùng một số tù chính trị quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã tập hợp thành một nhóm tù lấy tên T.H. Trong ngục tù, anh em khao khát những thông tin kháng chiến ở quê nhà.
Lúc ấy, cụ Chính nhận được một bức thư từ vùng thảm sát Việt Hồng gửi vào. Địch kiểm duyệt gắt gao nên thư chỉ nói toàn chuyện gia đình, anh em không nắm được tình hình kháng chiến quê nhà ra sao. Thư viết: “Kính gửi cậu Chính. Báo tin tình hình quê nhà cho cậu biết, ông Lái Hương và chú Xã Cổ bị ốm nặng không đi lại được. May mà được bà Cụ và cô Ta về giúp đỡ. Còn anh Cập không may bị đạn què mất một chân, túng quá đến nỗi nhẫn vàng cũng phải bán. Cụ Hà hiếm hoi được một anh Đông không may bị chết, thế là gia đình ta tuyệt vọng…”.
Cả nhóm tù đọc đi đọc lại rất nhiều lần bức thư mà chưa ai hiểu, ông Lái Hương, chú Xã Cổ, bà Cụ, cô Ta, anh Cập, cụ Hà, anh Đông là ai, chả ai biết. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm suy ngẫm, cụ Chính đã giải mã được bức thư. Hóa ra, ông Lái Hương, chú Xã Cổ là bốt Hương, bốt Cổ Chẩm. Bà Cụ và cô Ta là máy bay của Pháp. Anh Cập là hai thôn Cập Nhất và Cập Thượng. Nhẫn Vàng chắc chắn là bốt Vàng Xá, còn cụ Hà và anh Đông chính là khu Hà Đông của huyện Thanh Hà. Cụ Chính đã dịch trôi chảy bức thư: “Báo tin tình hình quê nhà cho các đồng chí được biết: Bốt Hương và bốt Cổ Chẩm hàng ngày bị địch nã đạn, khống chế. Tuy được máy bay Bà già và máy bay Cô ta tiếp tế, chỉ điểm nhưng bọn địch ở hai bốt này vẫn hoang mang, lo sợ đến phát ốm, không dám mở các đợt càn mà chỉ cố thủ trong khu vực bốt. Ở xã Tiền Tiến có hai bốt Tây và bốt Dõng đóng ở Cập Nhất và Cập Thượng thì bị xóa sổ một bốt... Túng thế, quân địch phải tung hỏa lực từ bốt Vàng Xá ra hòng uy hiếp lực lượng ta. Tuy nhiên, bốt Vàng Xá sau đó cũng bị ta tấn công nên bất thủ. Còn ở khu Hà Đông chúng dùng lực lượng đóng quân ở bốt sông Gùa, khống chế toàn bộ 6 xã đảo... Khi ta mở đợt tấn công, mấy đại đội ở bốt này đầu hàng nhanh chóng, khu Hà Đông được hoàn toàn giải phóng”.
Mật mã được giải, những người con Thanh Hà ở nhà tù Phú Quốc biết tình hình quê nhà thắng lớn nên vui mừng khôn xiết, càng tăng thêm niềm tin sắt son vào cuộc đấu tranh giải phóng. Mãi đến năm 2004, khi mà Đại tá Công an Nguyễn Duy Ngữ, quê ở xã Thanh Lang (Thanh Hà, Hải Dương) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì bức thư kia mới tìm được chủ nhân.