Cuộc tẩu thoát kỳ diệu của ba mẹ con khỏi hang ổ IS
Anh Mahmoud ở Iraq đang ra ngoài chạy việc thì các chiến binh khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ập đến, xông vào nhà bắt cả gia đình bao gồm vợ anh, chị Ahlam và 3 đứa con nhỏ dại của họ, trong đó đứa bé nhất mới chỉ một tháng tuổi cũng như bố mẹ già của anh.
Các con tin của phiến quân IS vừa được phóng thích tuần trước xúc động trong giây phút đoàn tụ với người thân. Ảnh minh họa.
"Chúng lấy điện thoại của chúng tôi, tất cả cả đồ trang sức và tiền bạc. Chúng lăm lăm cầm súng trên tay. Chĩa súng về phía gia đình tôi, chúng ép chúng tôi lên một chiếc xe tải lớn", vợ của anh Mahmoud, chị Ahlam hồi tưởng lại.
Cả gia đình anh Mahmoud sau đó bị đưa tới một ngôi trường đã bị các chiến binh khủng bố IS biến thành nhà tù ở Tal Afar. Nhưng đó chưa phải là trạm dừng chân cuối cùng của họ. Cả gia đình tiếp tục bị áp tải di chuyển hết làng nay sang làng khác. Rồi cuối cùng, họ bị đưa tới "địa ngục trần gian" Mosul - một thành trì khét tiếng của IS tại Iraq.
"Chúng đánh tên chúng tôi và cho chúng tôi được lựa chọn việc chúng tôi muốn làm. Hoặc là làm người dọn dẹp vệ sinh hoặc là đi chăn nuôi gia súc", chị Ahlam cho biết.
Gia đình chị Ahlam đã chọn đi chăn đàn dê. Sau đó, họ bị đưa tới một ngôi làng bỏ hoang do các cư dân ở đây đã chạy trốn khỏi nhóm khủng bố IS.
Cả gia đình được xếp vào một nhóm có tất cả 40 người, sinh hoạt chung trong một ngôi nhà.
Tại đây, chị Ahlam may mắn tìm thấy một chiếc điện thoại di động mà chủ nhà quên mang theo do vội chạy trốn và gọi điện thoại cho chồng. Chị muốn thông báo để anh yên tâm rằng cả nhà vẫn còn sống và vẫn ở bên nhau.
"Tôi nói với chồng mình rằng, chúng tôi vẫn còn sống, nhưng bị bắt làm tù nhân", chị Ahlam cho hay.
Trong khi đó, ở phía đầu dây bên kia, anh Mahmoud bật khóc và nghẹn lời vì xúc động và vui mừng khi cả nhà vẫn còn sống bình an. Trước khi nhận được điện thoại của vợ, anh chìm trong đau đớn, suy sụp đến mức không thiết sống nữa khi cho rằng, cả gia đình mình đã bị IS giết hại.
Những phụ nữ Iraq vừa được IS phóng thích tuần trước bật khóc trong giờ phút được đoàn tụ với người thân.
Suốt một thời gian ngắn sau đó, Ahlam bí mật dùng điện thoại liên lạc với chồng sau nửa đêm, bàn tính cách tẩu thoát. Cô giấu điện thoại xuống ga trải giường. Nếu để các chiến binh IS biết cô có điện thoại di động, chúng sẽ giết cô.
Ngôi làng mà chị Ahlam đang bị giam cầm được xem là một nhà tù khổng lồ, với các lối vào làng được IS canh phòng cẩn mật.
Từng có một số tù nhân trong số họ tìm cách tẩu thoát. Ahlam nhớ, có lần, hai người đàn ông ở độ tuổi 40 hoặc 50, cố gắng chạy trốn. Tuy nhiên không may, họ bị bắt lại. Những kẻ chạy trốn bị tra tấn đến tan xương nát thịt. Sau đó, thi thể của họ bị buộc vào sau xe tải và bị các chiến binh IS đưa đi diễu phố. Cuối cùng, các thi thể bị quẳng xuống rãnh mà không được chôn cất.
Cảnh chiến binh IS hành quyết tù binh man rợ và bắt dân thường bao gồm trẻ em phải xem.
Phiến quân IS bắt tất cả những tù nhân của chúng phải xem những cảnh tượng kinh hoàng như vậy để dằn mặt họ.
Chị Ahlam cho biết, một khoảng thời gian sau đó, các chiến binh IS đến và bắt bố mẹ chồng cùng những người cao tuổi khác trong nhóm đem đi.
"Chúng tôi không biết họ bị đưa đi đâu. Chúng tôi sợ rằng chúng tôi sẽ là những người kế tiếp", chị nhớ lại.
Nỗi sợ hãi tạo nên sức mạnh và lòng can đảm. Ahlam cùng nhóm người còn lại quyết tâm bỏ trốn: "Chúng tôi đều cho rằng, hoặc là ở lại chờ chết hoặc là chạy trốn để được sống".
Nửa đêm đó, Ahlam tay bồng đứa con nhỏ nhất, chưa đầy năm, dắt díu 2 đứa con còn lại, mới chỉ 3 và 4 tuổi và bỏ trốn. Cô thầm cầu nguyện cho đứa con nhỏ không quấy khóc và giục 2 con còn lại chạy nhanh hết sức có thể.
Cả 3 mẹ con trên thực tế không biết rõ đường. Họ chỉ đơn giản đánh cược với số phận và kỳ vọng, tự do đang chờ đợi họ ở phía trước.
"Khi mặt trời bắt đầu lên, tôi thực sự hoảng sợ và nghĩ quẩn rằng, chắc mấy chốc nữa chúng tôi sẽ bị bắt lại. Các con tôi sẽ thế nào nếu bị bắt? Chúng sẽ làm gì con tôi? Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi không thể ôm cả 3 và chạy thục mạng", chị Ahlam nhớ lại.
May mắn thay, viễn cảnh kinh khủng đó đã không xảy ra. Chạy trốn không ngừng nghỉ cả đêm lẫn ngày, cuối cùng chị Ahlam tới được một làng người Kurd và cầu xin sự giúp đỡ từ họ.
Sau đó, chị liên lạc với chồng. Vợ chồng anh Ahlam đoàn tụ trong niềm xúc động tột cùng. Cả gia đình những tưởng đã mất nhau nhưng nay họ cảm thấy như đã được ban thêm một cơ hội để sống. Anh Mahmoud dịu dàng vuốt ve bàn tay cô con gái nhỏ nhất. Anh nghẹn ngào thổ lộ rằng, anh từng tuyệt vọng không tin sẽ còn được gặp lại chị Ahlam, người phụ nữ có đôi mắt tuyệt đẹp, giọng nói nhẹ nhàng, mẹ của các con anh, người anh đã yêu say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tám tháng bị chia cách thực sự là địa ngục đối với họ.
Ahlam cho biết, sở dĩ chị không bị chia cách với đàn con thơ là vì đang cho con bú. Các chiến binh IS xem những phụ nữ đang cho con bú là không "trong sạch" và không thể quan hệ tình dục. Trong khi đó, đàn bà, con gái, thậm chí cả các bé gái mới chỉ lên 8 một khi rơi vào tay chiến binh IS đều bị bắt làm nô lệ tình dục cho chúng.
Chị Ahlam cho biết, dù đã thoát khỏi hang ổ của IS, trở về nhà bình an, chị vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi những tiếng la hét, cầu cứu tuyệt vọng của những phụ nữ, bé gái xấu số bị IS bắt làm nô lệ tình dục, cưỡng hiếp và hãm hại.
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])