Cuộc sống ở xã đảo duy nhất Thủ đô
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, xã Minh Châu, huyện Ba Vì nằm ở bãi giữa sông Hồng, người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi lợn, bò sữa.
Xã Minh Châu nằm ở bãi giữa sông Hồng, nơi hội tụ của ba dòng sông là Ðà, Lô và Hồng. Phía đông bắc của xã là nhánh sông phụ, người dân thường gọi là sông Đường, bên kia sông là các xã Lý Nhân, Phú Thịnh, An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía tây nam giáp sông Hồng, bên kia sông là các xã Đông Quang, Chu Minh, Tây Đằng, huyện Ba Vì. Xã rộng hơn 560 ha với trên 1.400 hộ, khoảng 6.500 nhân khẩu.
Do nằm ở bãi bồi giữa sông Hồng, mùa nước lên, cả xã bị cô lập, việc đi lại phụ thuộc vào thuyền, phà. Xã Minh Châu hiện không có trường THPT nên hàng ngày khoảng 400 học sinh phải đi phà qua sông Hồng để đến trường ở trung tâm huyện Ba Vì.
Khoảng 30 thầy cô giáo mầm non, tiểu học và THCS sinh sống ở địa bàn khác hàng ngày phải đi phà qua xã đảo để dạy học. Thầy Dương Anh Tiến, Hiệu trưởng trường THCS Minh Châu, cho biết ngày nào cũng mấy lượt qua lại bằng phà nên rất bất tiện, nhất là khi trời mưa to, gió lớn.
Phó chủ tịch xã Minh Châu Nguyễn Thanh Hưng cho biết do đặc điểm khác biệt của xã đảo, theo định hướng của thành phố, xã sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, giảm dần số hộ chăn nuôi, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện xã xây dựng đề án với cơ chế đặc thù dành riêng cho xã đảo như đầu tư giao thông nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chính sách giảm học phí, hỗ trợ phí đò qua sông đối với học sinh và khuyến khích giáo viên đến dạy tại xã; xây dựng cầu nối xã Minh Châu với xã An Tường, tỉnh Vĩnh Phúc...
Người dân Minh Châu chủ yếu trồng chuối, chăn nuôi lợn, bò sữa. Đàn bò của xã trên 4.600 con, trong đó khoảng 2.200 bò sữa sản xuất hơn 20 tấn sữa/ngày; số còn lại là bò sinh sản và bò thịt.
Ngoài ra, xã có hơn 10.000 con lợn, 12.000 gia cầm và 2.500 con chó. Lượng gia súc gia cầm lớn, hệ thống vệ sinh môi trường chưa được đầu tư đã gây mất vệ sinh ở nhiều khu vực.
"Gia đình nuôi bò sữa được 3 năm nay, đàn bò hiện có 28 con, mỗi ngày cho 250 lít sữa. Ngoài thu nhập từ sữa, gia đình còn bán bò giống và bán bò thịt", ông Nguyễn Duy Thiệp ở Đội 6 xã Minh Châu nói.
Từ khi nuôi bò sữa, cuộc sống của gia đình chị Thơm thay đổi toàn diện. Chị kể trước kia phải đi chợ cách nhà 65 km để buôn bán, còn giờ hàng ngày cắt cỏ, vắt sữa bò hai lần (3h và 15h) nên chủ động hơn về thời gian và thu nhập.
"Gia đình có 2 sào đất chủ yếu trồng cỏ voi để nuôi bò sữa. Cây trồng sau một tháng sẽ thu hoạch, sau đó lại trồng đợt mới. Đất phù sa bên sông Hồng nhiều dinh dưỡng nên không phải chăm sóc, chỉ vãi phân đạm là cây lên tươi tốt", chị Thơm kể.
Đến xã đảo chỗ nào cũng nhìn thấy cỏ voi xanh rì, toàn xã có 270 ha trồng trọt thì diện tích trồng cỏ voi lên 156 ha.
Sau 70 năm thành lập, ngày cận Tết Giáp Thìn, nước sạch mới về tới xã, hiện đơn vị cấp nước tổ chức lắp đặt đường ống, đồng hồ đến nhà các hộ dân có nhu cầu. Trước khi có nước sạch, người dân hứng nước mưa để ăn uống, nước giếng khoan dùng trong sinh hoạt.
"Gia đình nhiều đời sử dụng các loại giếng để sinh hoạt, hầu hết nguồn nước ô nhiễm nặng, có mùi tanh, để lâu nổi váng vàng, đen nâu. Là gia đình đầu tiên được sử dụng nước sạch, tôi rất vui", ông Nguyễn Bá Lý nói.
5 năm gần đây, các tuyến đường quanh xã được bêtông hóa. Trước đó các hộ dân chăn nuôi thường xả thải ra đường, đi tới đâu cũng có mùi xú uế. Nay các tuyến đường đã có thùng rác, cống có nắp giảm thiểu ô nhiễm.
Gia đình có 5 đời ở xã đảo Minh Châu, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết đời sống của người dân những năm gần đây được cải thiện nhiều. Những năm trước vào mùa mưa lũ, nhiều khu vực chìm trong lũ, xã bị cô lập hoàn toàn. Sau khi thượng nguồn xây dựng các đập thủy điện, tình trạng ngập lụt ít đi, cuộc sống người dân bớt khó khăn.
Thu nhập bình quân đầu người của xã đảo Minh Châu năm 2023 là 64,5 triệu đồng (TP Hà Nội là 151 triệu đồng). Xã vẫn còn 6 hộ nghèo, giảm 6 hộ so với đầu năm 2023.
Những đứa trẻ lớp 5 chơi đùa trong giờ ra chơi bên đường bêtông của xã. Xã có khoảng 1.300 học sinh từ mầm non đến THCS.
Vào mùa khô, người dân có thể di chuyển bằng đường bộ sang xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Chính quyền đã đề xuất xây cầu nối sang huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc để người dân đi lại thuận tiện, giúp xã phát triển kinh tế xã hội.
Vị trí được đề xuất xây cầu là bãi bồi tiếp giáp Vĩnh Phúc, với khoảng cách hơn 200 m.
Nguồn: [Link nguồn]
Cổ vật ở "làng Hoàng Sa" nhiều đến mức hầu như nhà nào ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng có.