Cuộc sống nơi người dân phải 'chia ca ngủ' ở trung tâm TP HCM
Gần 300 hộ dân ở khu chợ Gà - Gạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, phải sống trong cảnh chật hẹp, phải chia ca ngủ trong những căn nhà 6-7 m2.
Khu chợ Gà - Gạo nằm giữa ba tuyến đường Yersin - Võ Văn Kiệt- Nguyễn Thái Học, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, hàng chục năm qua là khu dân cư chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng gặp khó khăn trong việc giải toả.
Đây là chợ truyền thống có trước năm 1975 với các sạp thông nhau, lối đi rộng khoảng một mét. Các sạp nhỏ vừa để buôn bán, kết hợp chỗ ở cho người dân. Khu vực có gần 300 hộ với gần 1.200 đang sinh sống, trong đó, nhiều hộ dân phải sống trong những căn nhà rộng vài mét vuông.
Bốn người trong gia đình nhà bà Huệ quây quần trong khoảng không gian chỉ rộng chừng 6 m2 sau khi ăn tối, xung quanh treo đầy đồ đạc, quần áo.
Bà Huệ cho biết do buôn bán ở khu chợ này vài chục năm qua nên cố gắng bám trụ để kiếm sống. "Tôi cũng mong có chính sách giải toả phù hợp sẽ dời đi hoặc tái định cư chứ ở nơi đây cũng rất ngột ngạt", bà nói.
Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Út, 82 tuổi, phải nằm xéo khi ngủ vì đồ đạc, cầu thang sắt đã chiếm nửa diện tích của căn nhà rộng khoảng 7 m2. Do bị bệnh hen suyễn, tai biến nên hàng đêm ông luôn mở cửa khi ngủ để tránh ngột ngạt. "Bây giờ tôi lớn tuổi rồi, có sao ở vậy chứ đi nơi khác con cái phải lo rất vất vả", ông nói.
Ông Nguyễn Đạt Tín, 63 tuổi sống căn nhà rộng chưa tới 6 m2 cũng phải co chân khi nằm ngủ. Căn nhà nằm ở góc hai mặt hẻm nhưng chỉ vừa đủ chỗ để tủ lạnh, bàn thờ, bếp điện từ và nhà vệ sinh.
Ông Tín cho biết trước đây nhà này từng rộng 12 m2, là nơi bố mẹ ông sinh sống hơn 40 năm trước cùng 5 người con nhưng sau đó cắt bớt một nửa bán cho hộ bên cạnh. Khi bố mẹ mất, 5 anh chị em phải chia nhau sống ở hai tầng của ngôi nhà sau đó họ lập gia đình mới dọn ra ngoài. Căn nhà hiện tại ông và em trai sinh sống trong cảnh chật hẹp.
Cách nhà ông Tín vài căn, 6 người trong gia đình bà Phương Thảo, 49 tuổi cũng sống trong căn nhà vỏn vẹn 6 m2 có hai tầng. Bà Thảo cho biết ba con gái 29-19 tuổi cùng con rể cháu ngoại 6 tuổi phải chia nhau sinh hoạt trong nhà.
Ở tầng trệt để tủ lạnh, tivi cùng nhà vệ sinh chiếm hết không gian nên bà phải nấu nướng ở khoảng trống tại con hẻm cạnh nhà.
Khi nấu ăn, bà Phương sẽ sơ chế thực phẩm gần nắp cống để xả nước sau đó nấu tại bếp gas đặt bên ngoài căn nhà. "Ở đây chật chội, làm gì cũng khó khăn mà lâu dần cũng quen", bà Phương nói.
Hầu hết lối đi ở khu này rộng chưa tới một mét khiến người dân phải chen chúc để đi lại.
Các ngôi nhà trong khu chợ Gà - Gạo xây nhiều tầng nhưng hầu hết không có lối thoát hiểm. Khu vực từng xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, lần gần đây nhất 13 căn nhà ở đây bị cháy vào cuối năm 2015.
Bà Trần Thị Lệ, 63 tuổi, ngồi xem tivi trong căn nhà rộng khoảng 7 m2 từ bà ngoại để lại. Bà cho biết, căn nhà được xây ba tầng, với 12 người trong ba gia đình cùng bà sinh sống. Họ phải chia nhau thời gian để ngủ ở lầu một và hai, còn tầng trệt để bếp nấu nướng và toilet dùng chung.
"Nhà tôi chia ra người làm buổi sáng, chiều tối về ngủ còn người đi làm buổi khuya thì sáng hôm sau về ngủ mới có đủ không gian", bà Lệ nói
Ở những căn nhà khác, nhiều hộ dân phải nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ cùng một chỗ.
Do không gian sống quá hạn chế, nhiều hộ phải đặt bếp, đồ dùng sinh hoạt ngoài căn nhà để nấu nướng, giặt giũ.
Hàng trăm hộ sống trong khu chợ Gà - Gào chỉ rộng vài mét vuông lọt thỏm giữa các giao lộ sầm uất ở trung tâm TP HCM.
Hôm 27/6, tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp quan tâm dự án chợ Gà - Gạo, lãnh đạo quận 1 đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án cao ốc tại khu vực này để cải thiện cuộc sống cho người dân.
Dự án chợ Gà - Gạo có diện tích hơn 6.300 m2. Chiếu theo các quy định hiện tại, mật độ xây dựng của dự án tối đa 50%, hệ số sử dụng đất 10. Chiều cao tối đa của công trình là 50 m (10-14 tầng) với dân số 700 người. Dự án triển khai sẽ ảnh hưởng đến 290 hộ với 1.173 người dân đang sinh sống.
Vị trí khu chợ Gà - Gạo nơi chính quyền quận 1 đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây cao ốc. Đồ hoạ: Đăng Hiếu
Doanh nghiệp đề xuất dùng ôtô điện đưa đón học sinh tại thành phố, áp dụng giải pháp giám sát hành trình, vị trí xe theo thời gian thực để đảm bảo an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]