Cuộc sống mới của người em song sinh Việt-Đức

Sự kiện: Thời sự

Không chỉ là lao động chính trong gia đình, anh Nguyễn Đức còn là hội trưởng hội từ thiện giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Quán ăn Đức Nihon mang phong cách Nhật của Nguyễn Đức ở 491/6 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Hẻm nhỏ, quán cũng nhỏ nhưng tối hôm ấy khá đông khách Nhật đến dùng bữa tối. Họ đến để gặp anh trước khi vào bàn và cho biết rất nhiều người Nhật biết về anh. Mỗi khi khách đến, Nguyễn Đức vội với cặp nạng đứng lên đến tận bàn chào khách. Tôi định kéo ghế giúp nhưng anh nói rất nghiêm túc: “Anh tự làm được!”.

Cuộc sống mới của người em song sinh Việt-Đức - 1

Nguyễn Đức và những người khách Nhật đến thăm quán Đức Nihon của anh ngày 22-1. Ảnh: HỒNG MINH

Gánh vác một gia đình lớn

Tôi gặp lại Nguyễn Đức khi anh “chạy” trên đôi nạng gỗ chặng đường 5 km để cổ vũ một chương trình của người khuyết tật ở TP.HCM hồi đầu tháng 1 năm nay. Thừa nhận sức khỏe ngày càng giảm từ sau khi mổ thận cách đây hai năm nhưng anh mong muốn tinh thần của mình sẽ khích lệ nhiều người khuyết tật khác dám nghĩ, dám làm. “Không ai sống mãi nên phải cố gắng làm nhiều điều có ích. Tôi sẽ rèn luyện sức khỏe để thấy con cái trưởng thành, ít nhất là đến khi các con được 18 tuổi” - anh chia sẻ.

Nguyễn Đức có hai con song sinh một trai, một gái năm nay chín tuổi. Mặc dù tiền chi tiêu cho các con ngày càng nhiều nhưng anh không hề xin miễn, giảm kể từ ngày chúng đi học.“Tôi vẫn lao động kiếm tiền được. Tôi muốn làm tròn trách nhiệm của một công dân như bao người khác, không muốn con mình được ưu ái chỉ vì cha nó là người khuyết tật” - anh bộc bạch.

Quán ăn Đức Nihon do anh cùng một người bạn hợp tác. Mỗi ngày cứ sau giờ làm việc hành chính ở BV Từ Dũ, anh lại trở về nhà dành thời gian cho việc kinh doanh. Mặc dù quán nhỏ và nằm trong hẻm nhưng nhiều người bạn trong và ngoài nước thường xuyên đến ủng hộ, giới thiệu khách mới nên lượng khách của quán khá ổn định.

Số vốn của anh dành dụm hùn với người bạn mở quán là từ thu nhập nghề tay trái: Hướng dẫn viên du lịch. Anh là “đại sứ du lịch” của nhiều công ty lữ hành Nhật Bản với tour tham quan phương Nam - đồng bằng Mekong. Nhiều khách lữ hành đến với tour này bởi họ muốn có những trải nghiệm nội tâm, chiêm nghiệm về cuộc sống chứ không chỉ là khám phá vùng đất mới.

Cạnh đó, anh cũng là gương mặt quen thuộc của những buổi giao lưu văn hóa Việt-Nhật, người Nhật và nước Nhật là mối nhân duyên quá nặng ân tình với anh. Cái tên quán Đức Nihon cũng có nghĩa là “Nhật Bản”. Sức vóc nhỏ bé nhưng anh có thể làm hai, ba việc một lúc vì theo như anh nói thì: “Tôi có một gia đình lớn phải lo. Hai đứa con, vợ và mẹ vợ đều trông dựa vào tôi cả”.

Ráng trả những món nợ ân tình

Mắt Đức sáng lấp lánh khi kể về những đứa trẻ và gia đình nhỏ của mình. Thế nhưng gương mặt anh trở nên buồn bã khi có người hỏi tới cha mẹ ruột. Những mặc cảm, tổn thương do bị cha mẹ bỏ rơi từ thuở ấu thơ dù đã được đóng lại nhưng đến tận bây giờ với anh vẫn là một câu chuyện buồn. “Tôi không trách cha mẹ, nhà ai cũng có cảnh riêng cả, đúng không? Tôi cố gắng dành nhiều tình cảm, thời gian cho các con của mình vì tôi đã không có được điều đó” - anh xúc động.

Nguyễn Đức tâm sự anh vẫn luôn cảm thấy cuộc đời mình may mắn vì được gặp BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đã quyết định mổ tách cặp song sinh Việt-Đức khi người anh Nguyễn Việt bị bệnh não và rơi vào hôn mê. Anh luôn nhắc đi nhắc lại: “Không có má Phượng và các má, các ba ở Từ Dũ thì không có Nguyễn Đức hôm nay”. Anh cũng cho rằng mình may mắn hơn nhiều người vì đã được giúp đỡ học tập, được hiểu biết, có công việc ổn định. Đó chính là nền tảng quan trọng để anh tạo dựng cuộc sống hạnh phúc như bây giờ.

Anh cũng bảo rằng bản thân luôn biết ơn nước Nhật bởi anh có cha nuôi và những người thân khác ở đây. Hai con tên Phú Sĩ và Anh Đào như một lời nhắc nước Nhật luôn là một phần trong con người anh. Bài hát Vì một thế giới đẹp tươi phổ biến ở Nhật của tác giả Masaya Ishiwaka và Toshiaki Uchimoto là bài hát mô tả về cuộc sống của Nguyễn Đức, nỗi đau da cam và sức vươn lên của con người Việt Nam.

Đức tâm sự đã suy nghĩ rất nhiều và thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng. Một lần qua Nhật làm việc anh đã thành lập một tổ chức phi chính phủ mang tên “Vì một thế giới đẹp tươi” nhằm gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Từ quỹ này hàng ngàn người đã được giúp đỡ, tặng quà, nhiều học sinh-sinh viên được nhận học bổng, một số sinh viên con em nạn nhân nhiễm chất độc da cam được bảo trợ học đại học. “Tôi sẽ dành thời gian cho những hoạt động cộng đồng cần đến mình. Chỉ mong sức khỏe của tôi không sa sút thêm nữa vì còn nhiều việc phải làm” - anh nói.

Vượt qua áp lực sẽ thành công

Tôi vẫn nhớ những ngày tháng khó khăn, sức khỏe yếu, bị bạn bè trêu chọc, học hành thua sút… Lúc ấy tôi mặc cảm lắm nhưng không có ai bên cạnh để chia sẻ. Có lần tôi đã nghĩ tiêu cực, buông xuôi nhưng rồi tôi quyết định vượt lên, không phí phạm thời gian và sức khỏe nữa. Tôi tự thấy mình rất bướng, rất lì, không gì quật ngã được.

Cuộc sống mới của người em song sinh Việt-Đức - 2

Nguyễn Đức (người chống nạng) tham gia một cuộc chạy vì cộng đồng. Ảnh: HỒNG MINH

Bây giờ gánh gia đình năm người trên vai cũng có lúc thấy áp lực nhưng tôi biết mình sẽ vượt qua được hết. Tôi thấy hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống của mình.

Những điều “lạ“ về cặp song sinh gần trăm tuổi ở Hải Dương

Bí quyết giúp anh em cụ Phướng sống trường thọ chính là biết điều chỉnh cuộc sống hợp lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG MINH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN