Cuộc sống mới của một gia đình tị nạn Syria trên đất Mỹ

Sự kiện: Tin tức Syria

Vợ chồng ông Hussam Al Roustom không dám hé răng chia sẻ với bất cứ ai khi họ quyết định rời bỏ quê hương Syria, đưa 2 con sang Mỹ tìm kiếm cuộc sống mới do lo sợ kế hoạch của họ có thể vì thế mà sụp đổ.

Cuộc sống mới của một gia đình tị nạn Syria trên đất Mỹ - 1

Ông Hussam Al Roustom, người Syria giơ tay tạo dáng để cô con gái bé nhỏ chụp ảnh bằng điện thoại di động trong căn hộ nhỏ ấm cúng ở Mỹ. Gia đình Hussam Al Roustom là những người may mắn khi xin được tị nạn tại Mỹ.

Trước khi Syria chìm trong chiến tranh, xung đột đẫm máu, ông Hussam Al Roustom chưa từng có ý định rời bỏ quê nhà. Bởi đơn giản ở đây, gia đình ông sống yên ổn và sung túc. Ông Hussam Al Roustom là chủ của một siêu thị và có một ngôi nhà ở thành phố Homs, phía Tây Syria. Đây là một trong những điểm nóng chiến sự sau khi cuộc nội chiến bắt đầu bùng lên ở Syria năm 2011.

Homs bị chiến tranh tàn phá. Tiếng gầm rú của máy bay, đạn pháo, tiếng bom nổ rền vang khắp mọi ngóc ngách trong thành phố suốt ngày đêm. Cảnh máu đổ, chết chóc diễn ra từng ngày, từng giờ.

Bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, một cậu con trai của ông chủ siêu thị tên là Wesam bị mắc chứng tự kỷ nặng. Những tổn thương về tâm lý đã khiến cậu bé đã ngừng hẳn việc nói chuyện, giao tiếp với tất cả mọi người, kể cả người thân trong gia đình.

"Âm thanh của bom đạn ám ảnh bạn kể cả trong giấc ngủ", ông Al Roustom chia sẻ thông qua người phiên dịch.

Sau đó, ông Al Roustom và vợ quyết định phải ra đi bằng mọi giá, tự cứu cả gia đình thoát khỏi cuộc chiến tranh thảm khốc.

Cuộc sống mới của một gia đình tị nạn Syria trên đất Mỹ - 2

Cuộc sống mới của gia đình Hussam Al Roustom trên đất Mỹ.

Hành trình tìm kiếm "miền đất hứa" của họ bắt đầu vào tháng 3.2013 cùng một nhóm các gia đình khác. Họ trốn trong thùng xe tải chở rau lớn và được đưa đến sa mạc. Sau đó, các gia đình bắt đầu hành trình đi bộ vượt qua sa mạc để tới Jordan. May mắn, họ được các nhân viên thực thi pháp luật Jordan phát hiện sau nhiều giờ mò mẫm giữa sa mạc nóng cháy.

 "Chúng tôi đã vô cùng sợ hãi. Nhưng khi đó chúng tôi đứng giữa ranh giới hoặc là chết, hoặc ra đi tìm kiếm cơ hội xây dựng một cuộc sống mới", ông Al Roustom nhấn mạnh.

Gia đình ông Al Roustom đã sống trong trại tị nạn ở biên giới Jordan một tháng. Sau đó, cả gia đình Al Roustom chuyển tới sống trong căn hộ chật chội với gia đình em trai ông tại Jordan trong suốt 2 năm. Cả gia đình Al Roustom đã phải mất khoảng 1 năm để xin được tị nạn ở Mỹ sau khi vượt qua hàng loạt cuộc phỏng vấn cũng như các thủ tục kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt.

"Dẫu biết rằng, việc rời bỏ quê hương là rất khổ sở. Nhưng khi bạn nhìn thấy con mình ngày càng bệnh nặng hơn, ngày càng "chết dần chết mòn", bạn phải tìm cách cứu chúng", ông Al Roustom chia sẻ.  "Chúng tôi đã mất mát nhiều ở Syria. Còn ở đây (Mỹ), tôi tin chắc rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nhiều", ông nói thêm.

Cuộc sống mới của một gia đình tị nạn Syria trên đất Mỹ - 3

Căn hộ nhỏ nhưng ấm cúng của gia đình Hussam Al Roustom tại Mỹ.

Hiện gia đình ông  Al Roustom đã tới được đất Mỹ. Họ là những người may mắn trong số 1.500 người tị nạn Syria đã được tái định cư tại Mỹ. Cả gia đình hiện sống trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Jersey, bang New Jersey kể từ 3 tháng nay. Giờ đây, ngày ngày họ chỉ nghe thấy những âm thanh cuộc sống quen thuộc: tiếng xe cộ đi lại ngoài đường, tiếng mọi người trò chuyện, hỏi han nhau...

Cậu con trai bị mắc chứng tự kỷ của ông Al Roustom cũng bắt đầu có tiến triển tốt. Ông bố Syria cho biết, Wesem đã bắt đầu nói được vài từ và đã được đi học bơi. Trong khi đó, cô con gái thứ 2 của ông là Maaesa, 3 tuổi tỏ ra rất thích thú khi được bố dẫn đi chơi công viên, hồ bơi, bãi biển. Ông Al Roustom cũng đã tìm được việc làm trong một công ty vận chuyển tại Mỹ.

Cả gia đình Al Roustom hiện rất hy vọng người thân cũng như nhiều người Syria khác vẫn đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh đẫm máu có thể sớm tới được Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn giống như họ.

Cuộc sống mới của một gia đình tị nạn Syria trên đất Mỹ - 4

Hàng nghìn người tị nạn như gia đình Hussam Al Roustom vẫn đang trong hành trình tới miền đất hứa để xây dựng một cuộc đời mới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua tuyên bố, nước này sẽ tiếp nhận thêm 85.000 người tị nạn trong năm 2016, và 100.000 người tị nạn vào năm 2017. Động thái này của Mỹ nhằm chia sẻ gánh nặng với nhiều nước châu Âu đang bị chao đảo trong cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu.

Trước những quan ngại về các mối nguy hiểm tiềm tàng từ việc chấp nhận một số lượng lớn người tị nạn từ Trung Đông, như sự xâm nhập của các phần tử cực đoan thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, nhà chức trách sẽ siết chặt công tác kiểm tra an ninh.

Khi được hỏi vì sao Mỹ không thể tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn hơn nữa, ông Kerry dẫn lại các yêu cầu sàng lọc được đưa ra trước đó và cho biết thêm rằng, việc thiếu ngân sách cũng là một trở ngại.

Hiện nay, hàng nghìn người tị nạn vẫn đang tập trung ở biên giới các quốc gia cửa ngõ châu Âu với hy vọng có thể tìm được cách để vào “miền đất hứa”.

Dự kiến, trong ngày 23.9 tới, các lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh nhằm mục đích thảo luận về các biện pháp chung để giải quyết khủng hoảng di cư, trong đó có kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn.

Giới quan sát dự đoán, cuộc họp sẽ diễn ra căng thẳng và có thể sẽ rất khó khăn để đạt được thỏa thuận chung trong bối cảnh giới lãnh đạo Lục Địa già đang chia rẽ sâu sắc trong vấn đề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN