Cuộc sống mới của "cô gái hóa bà lão"
Hơn một năm trước, Nguyễn Thị Ngọc Mai (Hội An, Quảng Nam), người xuất hiện liên tục trên báo chí bởi mới ở tuổi 28, nhưng như bà lão 60. Nhưng hôm nay với cô, những ngày lặng lẽ ấy đã qua sau khi được nhiều chuyên gia, bác sỹ trong và ngoài nước tạo cho vóc dáng mới. Không chỉ trẻ hơn vài chục tuổi, tự tin trong cuộc sống mà “bà già” ấy hôm nay còn tỏ ra rất “sành điệu”...
Tự tin hơn, “sành điệu” hơn...
Mai tươi cười rạng rỡ trên chiếc xe đạp điện, mắt đeo kính đen, phong thái tự tin hẳn. Cô giải thích: “Mùa hè vừa rồi, mỗi lần ra đường em sợ nắng chiếu lóa mắt, chóng mặt nên phải đeo kính đen, giờ thành quen”. Đã biết trước, nhưng chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi khuôn mặt Mai mịn màng, căng trắng hẳn. Hàng xóm láng giềng nói, trước đây chưa bao giờ thấy Mai cười, nhưng hôm nay, nó rạng ngời thường trực trên môi. “Mừng không thể tả xiết anh ạ! Kể từ khi qua Đài Loan chữa bệnh về, mọi triệu chứng như nổi mề đay, nốt sần sùi trên da biến mất. Chứ như ngày xưa, cực ơi là cực, nhiều lúc tủi cực muốn chết quách cho xong”, Mai nói. Duy chỉ một điều, niềm vui của Mai chưa được trọn vẹn lắm vì đôi lúc cô vẫn khó thở, ho sù sụ khi trái gió trở trời.
Cắt ngang cuộc chuyện trò, Mai lật mở chiếc máy tính của đứa em trai khởi động 3G, vào mạng thành thục chat với những người bạn Việt Nam ở Đài Loan mà Mai quen khi qua chữa bệnh. “Em bây giờ thấy mình “sành điệu” hơn. Cũng biết vô google, biết học cách lập facebook và đã mở cho mình một trang để dễ tâm sự với những người bạn mới rồi”, vừa nói Mai vừa nhấp chuột vào facebook, trên màn hình đại diện của Mai là những hình ảnh Mai được những phóng viên báo chí chụp khi mới từ Đài Loan về gửi tặng. Với Mai, đây là những tấm hình đẹp nhất trong đời, và cô sẽ gìn giữ nó mãi mãi. “Cứ mỗi khi rỗi, em lại lên facebook tâm sự với bè bạn. Thật may mắn là từ khi lên báo, được ra nước ngoài chữa bệnh, em quen thêm biết bao bạn mới, họ hỏi han, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Hàng xóm cũng vậy, từ ngày em về, ai cũng điện thoại thăm hỏi, vui lắm”, Mai khoe.
“Bà già Hội An” nay đã trẻ lại, vui vẻ suốt ngày bên hai con kháu khỉnh
Cô kể, tháng 11 vừa qua, có người bạn tên Nụ quê Hải Phòng đang học ở Đài Loan về nước đã đến nhà Mai ở lại hai ngày thăm phố cổ Hội An. Trước đây, hiếm khi cô dám ra phố vì dung mạo mình quái dị. Nhưng hôm Nụ về, Mai tự tin dắt tay bạn ra phố, giới thiệu tỉ mỉ những gì mình biết về phố cổ cho Nụ nghe như một hướng dẫn viên. Không chỉ Nụ, mỗi khi cần tư vấn gì, em lại online với người bạn tên Sang đang là phiên dịch của một bệnh viện ở Đài Loan. Và còn nhiều người bạn khác nữa đã giúp “bà già Hội An” cảm thấy ấm lòng, vững tin tìm lại cuộc sống tươi đẹp...
Còn buồn cho tương lai con trẻ
Mừng vì trẻ hơn, tự tin hơn, “sành điệu” hơn, nhưng dường như cuộc sống của Mai vẫn chưa một ngày suôn sẻ, dễ dàng. Kể từ khi đi chữa bệnh về, Mai và 2 đứa con thơ vẫn bấu víu ở nhà mẹ ruột của mình. Chồng chị, anh Trần Thanh Hương thì sức khỏe yếu nên hành trình chạy xe thồ kiếm cơm gạo bữa được, bữa mất. “Mấy bữa trước, anh ấy vay được mấy trăm nghìn mua đồ để mở cái tiệm rửa xe nho nhỏ. Em mừng lắm vì có thể đó sẽ là công việc giúp gia đình ổn định hơn. Ngờ đâu, người cho mượn mặt bằng đến hồi cuối lại lắc đầu, thế là anh ấy lại quay lại làm nghề xe thồ”, Mai trầm tư.
Kinh tế khó khăn, vợ chồng Mai chịu được. Điều Mai lo nhất lúc này là tương lai của 2 đứa con. Bé Oanh (con đầu) đã 5 tuổi đi học mẫu giáo, còn cu Rô lên 4 tuổi, giờ cũng chạy nhảy tung tăng. Nhìn hai đứa con bụ bẫm, xinh xắn vui chơi trước cổng, Mai thấy vui nhưng cũng lắm xót xa, muộn phiền. Cách đây gần 2 tháng, bé Oanh nhập trường, nhà trường nói phải nộp cho cháu gần 1 triệu tiền ăn, ở khiến Mai “chết đứng” vì số tiền quá lớn. Vài cô giáo mách nước cho Mai đi xin xác nhận hộ nghèo hoặc cận nghèo để được giảm học phí, nhưng rồi khi trình bày hoàn cảnh, phường nói không thể... vì chủ trương hộ nghèo càng ngày càng giảm, nếu giờ phát sinh thêm thì mất thi đua!. Nghe vậy, Mai thả tay. Hết cách, Mai đành tìm đến trường xin đóng trước 500.000 đồng, còn lại sẽ lo liệu tiếp để con được cùng bạn bè đến trường. “Đó là số tiền mẹ ruột và người cậu dành dụm cho em. Lo cho cháu Oanh xong, cu Rô cũng đòi đi học nhưng...”, Mai thở dài.
Thương con, vì tương lai của con, Mai nghĩ đến chiếc máy khâu cũ, và hy vọng người chồng sẽ đều đặn có những cuốc xe ôm kiếm tiền về sửa máy để mình nhận việc may vá lo liệu cho con trai đến lớp. Hàng xóm láng giềng cũng vậy, họ mong cho “bà già Hội An” một ngày nào đó sẽ cùng chồng, cùng con có được cuộc sống ít lo âu, túng quẫn như bây giờ...