Cuộc sống mới của "bệnh nhân chân voi"
Sau hơn 10 tháng kể từ ngày được phẫu thuật, tôi gặp lại Nguyễn Duy Hải - người từng mang bên mình khối u khổng lồ nặng… 90kg. Hải rơm rớm nước mắt cho biết, 2 tháng nữa anh sẽ tổ chức sinh nhật đầu tiên cho mình.
“Giờ buổi sáng em đã có thể đi uống cà phê với bạn bè. Em chờ khoảng 2 tháng nữa sẽ tổ chức sinh nhật lần… thứ nhất cho mình” - Hải nói mà mắt rơm rớm.
Giờ đây, biệt danh “chân voi”, “chân khổng lồ” đã thành quá khứ và Hải đang bắt đầu tự đi trên chân của mình…
Các bác sĩ khẳng định: “Vẫn chưa phát hiện bất thường sau cắt bỏ khối u”
Khối u hơn 90kg giờ cất ở đâu?
Hải gọi điện thoại cho tôi, thông báo vừa từ Đà Lạt xuống Sài Gòn tái khám. “Anh có rỗi thì ghé qua bệnh viện, anh em mình gặp nhau tí xíu”. Gặp lại Hải trong “bộ vó” áo phông đỏ, quần tây, tôi vẫn chưa tin được Hải lại có ngày này.
Vừa gặp mặt, chưa kịp hỏi, Hải đã... trả lời: “Em khoẻ, dạo này ít khi cân lắm, em bây giờ khoảng 48kg- sụt 2kg so với ngày được chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện. Em đen là vì sáng nào cũng đi phơi nắng. Bác sĩ dặn thế mà. Ra phơi nắng thường xuyên để xương khoẻ. Mà em lại thèm phơi nắng. Ra khỏi nhà là mừng rồi. Trước đây cứ nằm một chỗ, suốt ngày bó gọn trong bốn bức tường. Đi ra ngoài không dễ với khối u 90kg. Bây giờ, giải phóng được “cục nợ” thì dại gì không đi đâu đó cho thoả thích”.
Hải khoe với tôi về thành tích la cà của mình. Em đang bị ho lẹt xẹt vì mấy bữa trước lên Langbiang để đón mặt trời buổi sáng. Dậy từ 4 giờ sáng và ngồi co ro chờ tia nắng đầu tiên. Mọi người nói, ở Đà Lạt mà chưa đón buổi sáng trên đỉnh Langbiang thì đừng lên Đà Lạt làm gì. Bây giờ có cơ hội nên em muốn xem thử cảm giác đó như thế nào. Em là dân Đà Lạt mà, chưa thấy mà kể cho người khác nghe có nghĩa là mình xạo...”.
Duy Hải khi chưa phẫu thuật
Đang chuyện thì bác sĩ Phan Văn Thái của khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV - người trực tiếp thăm khám Hải - đến. Hải hỏi ngay: “Bác sĩ ơi, khối u 90kg của em bây giờ cất giữ ở đâu rồi? Mà to như vậy thì để ở đâu được. Bệnh viện có còn giữ lại không?”. Mọi người phì cười, bác sĩ Thái giải thích với giọng hài hước: “Bệnh viện đã xử lý theo quy định của ngành y tế rồi. Bây giờ tôi cũng không biết nó ở đâu nữa...”.
Bác sĩ tài hoa và cuộc sống mới…
Hải sinh năm 1980, lúc chào đời, Hải khoẻ mạnh như bao nhiêu trẻ khác. Nhưng đến năm 4 tuổi, chân phải của Hải mỗi ngày một lớn không bình thường. Đưa con đến khám tại BV ở Lâm Đồng, các bác sĩ cũng không thể tìm ra đây là căn bệnh gì, đâu là nguyên nhân gây bệnh, chỉ biết rằng có khối u lớn đang phát triển cực nhanh, cần phải cắt bỏ ngay. Sau lần phẫu thuật cắt bỏ khối u ấy, cả nhà đều tin rằng căn bệnh quái lạ đã được loại bỏ.
Thế nhưng, không lâu sau khi phẫu thuật cắt một phần của chân, phần còn lại đã tái phát và phát triển rất nhanh, đến nỗi có thể nhận biết sự khác thường từng ngày. Đến thời điểm trước khi phẫu thuật, đường kính khối u ở chân của Hải đã lên tới gần 1,2m, nặng khoảng 90kg khiến Hải chỉ biết ngồi một chỗ hoặc lê la nặng nhọc quanh nhà.
Thấy khối u của con “có một không hai”, gia đình chạy vạy đưa Hải đi chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi. May mắn, nhờ một số nhà hảo tâm, hồ sơ bệnh tình của Hải đã đến được tay vị bác sĩ tài hoa McKay McKinnon - thành viên của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ - và ông quyết định phẫu thuật cho Hải.
Đầu tháng 11/2011, BS McKay McKinnon quyết định sang VN và dự định tìm hiểu, phẫu thuật ngay cho Hải ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhưng vì nhiều lý do, ca phẫu thuật đã phải hoãn. Sự cố khiến Hải sốc. BS McKay McKinnon cũng suy nghĩ nhiều. Chẳng lẽ... bỏ cuộc, nếu vậy thì Hải sẽ sống cùng với khối u quái phát triển từng ngày trong đau khổ và tuyệt vọng. Chỉ có ông mới là hy vọng can thiệp được cho Hải.
Rồi BS McKay McKinnon quay lại VN lần thứ hai khi vừa qua kỳ nghỉ Tết dương lịch được một ngày. Ông chia sẻ: “Khi đã bắt đầu làm điều gì, tôi không bao giờ muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tôi không phải là người như vậy. Đây là ca thử thách đối với tôi và đặc biệt ở khía cạnh lương tâm của một BS không cho phép quay lưng với bệnh nhân của mình. Nếu tôi không tiếp tục, họ cũng sẽ nằm đó và chờ chết... Hải còn quá trẻ mà!”.
Ông McKay McKinnon đã tìm hiểu và quyết định tư vấn để chuyển Hải đến một bệnh viện có đủ trang thiết bị để tiếp tục thực hiện ca mổ. Ca phẫu thuật đã được tiến hành vào ngày 5/1/2012 tại Bệnh viện FV, TPHCM. Sau hơn 10 giờ tiến hành phẫu thuật, khối u đã được cắt bỏ thành công với niềm vui vỡ oà cả trong phòng phẫu thuật lẫn phòng chờ được truyền hình trực tiếp.
Đây là ngày mà Hải không thể nào quên được và được ví như ngày sinh lần thứ hai của mình. Ca phẫu thuật của Hải, tôi nhớ như in trong đầu bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên tại VN đã phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u to nhất từ trước đến nay và thứ hai là nhớ đến vị bác sĩ khác màu da, ngôn ngữ, có tấm lòng nhân ái bao la khiến ai gặp một lần khó có thể quên được.
Ngạc nhiên hơn khi biết, ông được giới chuyên môn trong lĩnh vực thẩm mỹ đánh giá là một trong những nhà phẫu thuật hàng đầu với những ca mổ “vô tiền khoáng hậu”. Chẳng hạn như ca mổ cắt bỏ khối u 90,7kg của Lori Hoogewind (Mỹ) kéo dài 18 giờ hay ca cắt bỏ khối u 80kg của Lucica Bunghez ở Romania năm 2004. Hầu như ông ít khi xuất hiện trước giới truyền thông để nói về những thành công của mình.
Hỏi ông tại sao ông không lấy thù lao cho ca phẫu thuật của Hải và cả 2 ca phẫu thuật sau đó một ngày cho bệnh nhân Thạch Sa Ly (cả ngàn khối u mọc trên cơ thể), Kiều Mỹ Dung (với khối u ác chiếm nửa mặt)- ông cười: “Nếu tính đúng, tính đủ, chi phí phẫu thuật của Hải có thể lên đến cả triệu USD. Bạn hỏi tôi thì tôi hỏi ai để yêu cầu trả tiền công cho mình bây giờ, khi tất cả họ đều quá nghèo?”.
Ông nói tiếp: “Tôi thực hiện các ca phẫu thuật ở VN có hai thứ được, đó là: Bệnh nhân được trả lại cuộc sống đời thường và những kinh nghiệm mà tôi đã có và đang tích luỹ từ thực tế sẽ được chuyển giao cho các bác sĩ của VN''.
Hải đã tự đi được rồi
Nhìn Hải di chuyển trên nạng khung với chân còn lại trên đoạn đường được 200m- gấp 10 lần so với ngày xuất viện- ai cũng mừng và nhất là các bác sĩ trực tiếp tham gia ca phẫu thuật lịch sử.
Bác sĩ Phan Văn Thái- sau khi thăm khám- đã thông báo tình trạng nội tạng của bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân ăn uống bình thường. Hải cũng được chụp CT scan sọ, cổ, bụng, ngực, chậu để kiểm tra và kết quả cho thấy tình trạng sức khỏe của anh tiến triển rất tốt, không thấy có dấu hiệu khối u tái phát.
Hải đã tự đi uống cà phê với bạn bè sau hơn 20 năm phải ngồi một chỗ
So với hồi mới xuất viện, chức năng vận động của Hải đã cải thiện rất nhiều. Hiện tại, Duy Hải có thể đi lại bằng cái chân còn lại với sự hỗ trợ của nạng khung.
Câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là liệu khối u sau khi phẫu thuật có hết hẳn, hay là sẽ lại tái diễn to ra theo thời gian- như đã từng xảy ra với Hải trước đây?- Bác sĩ Thái trầm ngâm: “Dạng bướu này khó có thể khẳng định là dứt bỏ hoàn toàn. Nhưng may mắn là đến thời điểm này vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì bất thường...”.
Hải cũng nghe được câu trả lời này, nhưng hình như anh không để ý lắm về việc khối u có tiếp tục phát triển nữa hay không. Hải nói: “Vừa rồi em xin học sửa điện thoại, nhưng tay em run quá, sợ khó có thể học được nghề này vì đòi hỏi chính xác từng chi tiết nhỏ. Em cũng không muốn sống bám mẹ suốt vì mẹ đã trên 60 tuổi rồi. Em muốn tự lập để nuôi sống bản thân mình sau này. Sinh hoạt cá nhân giờ đây em có thể tự lo được phần nào nên em muốn mở một tiệm tạp hoá tại nhà, ngặt nỗi vốn ít quá. Thôi chắc có bao nhiêu mở bấy nhiêu vậy...”.