Cuộc sống di động theo mùa gió trên đảo phía Tây Nam

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Cà Mau - Sau Tết Nguyên đán, chị Bùi Phương Thì rục rịch gói ghém đồ đạc để chuyển nhà trước khi gió phơn tây nam thổi về Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời.

Tivi, quần áo, chăn màn và nguyên tiệm tạp hóa sẽ lần lượt được đóng gói chất lên ghe chuyển sang ghềnh Chướng. Đến tháng 10, trước khi gió mùa đông bắc ập đến, chị và gần 70 hộ dân trên đảo lại gồng gánh quay về ghềnh Nam.

Chị Bùi Phương Thì trước căn nhà kiêm tiệm tạp hóa ở ghềnh Nam đảo Hòn Chuối, ở bên kia ghềnh Chướng chị dựng một căn tương tự. Ảnh: Hoàng Phương

Chị Bùi Phương Thì trước căn nhà kiêm tiệm tạp hóa ở ghềnh Nam đảo Hòn Chuối, ở bên kia ghềnh Chướng chị dựng một căn tương tự. Ảnh: Hoàng Phương

Đảo tiền tiêu trên biển Tây Nam cách đất liền 32 km, mỗi năm hai mùa gió quét rõ rệt. Phơn tây nam (gió nam) nóng rát tràn qua từ tháng 3 đến tháng 9 và gió mùa đông bắc (gió chướng) từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Ba ghềnh đá trên đảo vì thế đặt theo tên gió mà dân gian quen gọi là ghềnh Nam, Chướng và Nồm.

Cuộc sống của gần 200 cư dân di động theo mùa gió. Từ tháng 3 đến tháng 9, họ ở ghềnh Chướng tránh gió phơn tây nam và nửa năm còn lại về ghềnh Nam trước khi gió đông bắc thổi tới. Cũng như gần 70 hộ dân trên đảo, chị Phương Thì có hai căn nhà ở hai đầu ghềnh, mỗi căn ở sáu tháng. Công cuộc chuyển nhà đôi lần trong năm luôn diễn ra lúc giao mùa, khi biển êm sóng lặng.

Năm 2005, cô gái 21 tuổi quê Cái Đôi Vàm gói ghém quần áo, lận lưng chút hồi môn cha mẹ cho rồi lên tàu theo anh Nguyễn Minh Chung ra Hòn Chuối dựng nhà. Con gái đầu bốn tuổi, vợ chồng chị xin ra ở riêng, cất nhà ngay dưới chân ghềnh để bán hàng tạp hóa cho tàu, ghe qua lại.

Sống nửa đời người trên đảo, chị Thì vẫn không mấy dễ chịu khi nửa năm từ bên kia về bên này thấy nhà cửa "banh chành, xơ xác". Mỗi lần chuyển nhà đều bất đắc dĩ, nhưng không đi thì "không trụ nổi với gió".

Biển động, sóng vỗ trùm lên nhà cửa như những tổ chim én nép dưới chân ghềnh. Hòn Chuối có độ dốc lớn, muốn vào trung tâm không có phương tiện nào khác ngoài leo qua 304 bậc thang đá. Quân dân trên đảo đi lại bằng thuyền bè. Người dân vì thế cất nhà sát mép đảo, nơi mà phụ nữ có thể bán hàng tạp hóa, phơi cá, mực, còn đàn ông di chuyển bằng ghe đi đánh bắt hải sản, nuôi cá bớp lồng bè.

Nhà dân thường dựng dưới chân ghềnh để tiện buôn bán tạp hóa, đi lại bằng ghe thuyền. Ảnh: Hoàng Phương

Nhà dân thường dựng dưới chân ghềnh để tiện buôn bán tạp hóa, đi lại bằng ghe thuyền. Ảnh: Hoàng Phương

Trong nhà chị Thì, ngoài vách tường mới xây, không có thêm hạng mục nào bằng bê tông. Giàn kèo cột từ thân gỗ kết thành khung gia cố thật vững trên nền đá, bởi không mũi khoan nào chịu được. Nền nhà bằng ván gỗ, các bức vách quây thêm vải bạt, tấm xốp chắn gió, mái lợp tôn. Tất cả đều vận chuyển từ đất liền ra.

Những căn kiên cố nhất nép sâu vào vách đá, láng nền, đổ trụ xi măng. Nhưng cũng chỉ vài năm là nền nhà bở bục, cát sỏi lủng lên vì gió và hơi mặn. Đến cây húng chó xin được dưới bè để nấu canh chua, chị Thì chỉ đổ nửa đất cho mọc lọt thỏm trong lòng cái xô để tránh gió.

"Năm nào về cũng te tua hết trơn. Năm gồi về bển, đâu có biết sóng ở đây như thế nào. Lúc về thấy tan tác, nguyên dàn cột kèo bị cuốn đi hết, chỉ còn vách tường mới xây là không sập", chị kể.

Vợ chồng lại nhặt nhạnh những gì còn sót, rồi mua cây, bao lợp, gọi thợ cất lại mái nhà. Năm nào "trời thương", gió nhẹ, nhà không sập, chỉ bay vài tấm tôn "là mừng gồi". Còn không, lại tốn ngót nghét dăm chục triệu cất dựng lại nhà. Mỗi căn cất lại xài qua được dăm mùa gió lại thay mới.

Việc cất dựng, chuyển nhà của gia đình chị chưa năm nào vắng mặt bộ đội hải quân, biên phòng hoặc hải đăng đóng chân trên đảo. "Điện thoại nhờ là mấy em giúp liền, cứ bảo bữa mấy về ghềnh là bộ đội xuống", chị kể. Song mỗi lần, anh chị cũng chỉ dám nhờ vài người vì ngại "mấy chú làm nhiệm vụ".

Đại úy Nguyễn Hữu Bằng, nhân viên cơ yếu Trạm Radar 615, có 16 năm công tác trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Hoàng Phương

Đại úy Nguyễn Hữu Bằng, nhân viên cơ yếu Trạm Radar 615, có 16 năm công tác trên đảo Hòn Chuối. Ảnh: Hoàng Phương

"Bà con ở đây nhìn con nước, sóng biển, sức gió là biết khi nào chuẩn bị chuyển nhà", đại úy Nguyễn Hữu Bằng, nhân viên cơ yếu Trạm Radar 615, Trung đoàn 551 thuộc Vùng 5 Hải quân đóng chân trên đảo, cho hay. Giúp dân chuyển nhà vào tháng 3 và tháng 10 trở thành nhiệm vụ trong kế hoạch dân vận hàng năm của trạm radar.

Nhận được điện thoại của người dân, anh Bằng cùng tổ cán bộ chiến sĩ chia quân số về hai đầu ghềnh. Nhóm bên ghềnh Chướng khuân đồ đạc xuống ghe thì tổ bên ghềnh Nam dỡ đồ lên cho người dân sắp xếp.

Đại úy 40 tuổi, quê Nam Định từng trải qua bao mùa gió bão khi lớn lên ở miền Bắc, nhưng so độ khắc nghiệt "còn thua kém thời tiết đảo này". Tháng 12 gió mùa đông bắc thổi mạnh, sáng ngủ dậy thấy ngọn cây bị thổi bạt về một bên. Có năm anh Bằng cắt phép, xuống đến ghềnh nhìn sóng, đành ôm balô quay về đơn vị vì không ghe nào cập được bờ đá. Mỗi lần sắp áp thấp hay có bão, bộ đội biên phòng, hải quân thường dọn sẵn hội trường, phòng lớn, chuẩn bị chăn mền để người dân lên lánh tạm, chờ mưa gió tan mới cho về nhà.

16 năm đóng quân trên đảo, 32 mùa gió nổi chưa năm nào đại úy Bằng vắng mặt trong những lần dân đảo Hòn Chuối chuyển nhà. Anh cười trừ, nói "chỉ tiếc không có mặt khi nhà mình ở quê sửa sang, đành để vợ quán xuyến". Bù lại mỗi năm nghỉ phép đôi lần, anh về nhà sẽ loanh quanh kiểm tra đường dây điện, bắc lại giàn mướp giúp vợ, phát quang cây cao tránh mùa gió bão.

Cuộc sống của người dân ở ghềnh Nam. Video: Hoàng Phương

Những năm thắng vụ cá bớp nuôi lồng, vợ chồng chị Thì dắt túi được 50 triệu đồng. Năm nay kém hơn, cá chết nhiều vì con nước xấu. Buôn bán ngày càng cạnh tranh khi gần chục tiệm tạp hóa mở dưới chân ghềnh. Anh chị bàn tính chỉ đành che chắn lại căn nhà ở bên ghềnh Chướng trước khi chuyển về.

Hai mươi năm đặt chân lên Hòn Chuối, cuộc sống còn bộn bề nhưng gia đình chị Thì chưa từng có ý định chuyển về đất liền. Vào bờ phải có vốn liếng làm ăn, nhà cửa của cha mẹ, vợ chồng chị bàn nhau dành dụm thêm chút vốn rồi tính tiếp. Chị quen không khí ở đảo, "dễ thở, người dân đơn giản, không lo nghĩ nhiều như trong bờ". Mối bận tâm nhất của người mẹ là con gái Tuyết Nhi 16 tuổi đã nghỉ học, ở nhà phụ mẹ bán hàng. Nhiều người khuyên cho Nhi vào đất liền đi làm, nhưng chị Thì còn nấn ná đợi thêm vài năm nữa.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, xã Minh Châu, huyện Ba Vì nằm ở bãi giữa sông Hồng, người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi lợn, bò sữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN