Cuộc sống của những người muốn rời TP.HCM về quê tránh dịch hiện ra sao?
Nhiều người trong số hơn 500 người khăn gói về quê tự phát bị kẹt lại TP Thủ Đức đã được hỗ trợ chi phí ăn ở trong thời gian giãn cách xã hội.
Vác balo lội bộ từ TP.HCM để về Bình Thuận
Tại căn nhà trọ rộng hơn 10m2 trên đường số 6, phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, 3 người đàn ông xa lạ nhưng chung cảnh ngộ.
Ông Phạm Ngọc Lượng, Chủ tịch UBND phường Long Bình đến thăm 3 người dân.
Họ là 3 trong số hơn 500 người dân về quê tự phát bị kẹt lại thành phố Thủ Đức vào sáng 15/8, được UBND phường Long Bình hỗ trợ đưa vào phòng trọ trên để ở trong thời gian giãn cách xã hội.
Khi hay tin TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng, ông Đỗ Viết Sau (55 tuổi, quê Bình Thuận) làm bảo vệ công trình ở quận 3 vội ôm đồ đạc đi bộ về quê.
“Hơn 3 tháng nay không có lương, không người thân thích nên tôi chỉ biết tìm đường về quê. Không có xe máy, tôi đi bộ về, qua các chốt tôi đều cố gắng năn nỉ để được qua nhưng... cuối cùng vẫn bị yêu cầu quay lại”, ông Sau nói.
Căn phòng nhỏ là nơi sinh hoạt của 3 người đàn ông xa lạ cùng cảnh ngộ.
Gia đình có 6 người, thu nhập cả năm bấp bênh từ việc trồng điều, không đủ để vợ chồng ông trang trải cuộc sống và thuốc thang cho vợ bị viêm xoang. Được giới thiệu vào TP.HCM làm bảo vệ, công việc nhàn nhã, được lo ăn ở, lương tháng 6 triệu đồng nên ông Sau đã khăn gói, bắt xe vào Nam làm việc.
"Nào ngờ vào làm việc chưa được bao lâu, dịch bùng phát, chủ công trình tháo chạy, tôi phải giữ tài sản tại công trình, 3 tháng nay tôi chưa được trả tiền lương”, ông Sau rơm rớm nước mắt khi kể lại tình cảnh của mình.
Ông Sau, anh Huệ và anh Nam kể lại cuộc sống.
Chung hoàn cảnh, anh Nguyễn Đình Huệ (26 tuổi, quê Thanh Hóa) đi xe máy chở theo anh Lê Xuân Nam (15 tuổi, cùng quê) từ An Giang men theo tuyến QL1 để về quê tránh dịch sau nhiều tháng thất nghiệp.
“Trên đường đi, có người thương tình cho 5 chục, vài trăm nghìn hay ít xăng xe, bánh kẹo ăn dọc đường... tôi đều nhận và nói lời cảm ơn. Đến hôm 15/8, thì bị lực lượng chức năng chặn lại ở khu vực TP Thủ Đức. Biết được hoàn cảnh của 3 người, chính quyền địa phương đã vận động chủ nhà trọ, đưa cả 3 vào đây tạm sinh sống qua dịch", anh Huệ chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Lượng, Chủ tịch UBND phường Long Bình cho hay, đây là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, không còn nơi nương tựa nên chính quyền đã bố trí chỗ ở tạm, cung cấp lương thực và tiền mặt để họ sống tạm qua dịch.
Bị đuổi khỏi nhà trọ vì thiếu tiền phòng
Cùng cảnh ngộ, nữ công nhân Lê Thị Quỳnh (20 tuổi) cùng chồng làm công nhân ở quận Bình Tân, tạm trú tại nhà trọ trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B. Giữa tháng 6, cả hai vợ chồng đều thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Tiền vợ chồng dành dụm được chỉ đủ để đóng tiền phòng và ăn uống tằn tiệm vài tuần. Đến tháng 8, hai vợ chồng bị chủ trọ nhắn tin phải ra khỏi phòng vào ngày 15/8 nếu không đóng tiền nhà”, chị Quỳnh kể lại.
Chị Quỳnh được UBND phường Bình Hưng Hòa B hỗ trợ.
Cuộc sống đầy khó khăn, cả hai vợ chồng ôm con nhỏ 3 tuổi, mượn tiền đổ xăng vào bình nhựa, gom đồ đạc rời TP.HCM để về quê Quảng Trị tránh dịch.
Nhưng chỉ đi được chục km, cả hai bị cơ quan chức năng chặn lại tại địa bàn quận 12. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Quỳnh, UBND phường Bình Hưng Hòa B đã đóng tiền phòng trọ, giúp đỡ gia đình nữ công nhân ở lại thành phố.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà B, cho biết ngoài vợ chồng chị Quỳnh, khoảng chục người ở địa phương cũng về quê bằng xe máy.
Chính quyền đã vận động chủ trọ giảm hoặc đóng tiền thay để người dân yên tâm ở lại thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.
"Chúng tôi sẽ cung cấp thức ăn, đảm bảo duy trì cuộc sống cho người khó khăn trong một tháng", ông Đức nói.
Bên cạnh đó, UBND phường sẽ vận động những người trẻ mất việc có ý định về quê tham gia tình nguyện chống dịch và lo toàn bộ chi phí ăn ở.
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 'ai ở đâu ở yên...