Cuộc "nổi loạn" đường phố của phụ nữ Arập-Xêút

Nhiều phụ nữ Arập-Xêút đã tự mình cầm lái ô-tô ra đường tham gia chiến dịch biểu tình chống quy định cấm phụ nữ lái xe.

Ngày 26/10, hơn 60 phụ nữ khắp Arập-Xêút đã tổ chức một cuộc “nổi loạn” bằng cách tự mình lái xe chống lại lệnh cấm phụ nữ ngồi sau tay lái của đạo Hồi và cuộc nổi loạn của họ vấp phải rất ít sự phản kháng từ phía cảnh sát.

Những người tổ chức chiến dịch này muốn phát đi một thông điệp rằng phụ nữ Arập-Xêút có quyền được lái xe như nam giới. Quy định cấm phụ nữ lái xe bắt nguồn từ cách diễn giải một điều luật của đạo Hồi có tên là Wahabbism, trong đó cảnh báo một cách tiêu cực rằng việc cho phép phụ nữ lái xe có thể làm tan rã xã hội Arập-Xêút.

Cuộc "nổi loạn" đường phố của phụ nữ Arập-Xêút - 1

Một phụ nữ Arập-Xêút ngồi tự mình lái xe tham gia chiến dịch biểu tình

Mặc dù không có quy định thành văn cấm phụ nữ lái xe ở Arập-Xêút, tuy nhiên nhà chức trách nước này không cấp bằng lái xe cho phụ nữ. Các nhà hoạt động cho biết những phụ nữ tổ chức lái xe biểu tình hôm thứ Bảy đều phải xin bằng lái xe ở nước ngoài.

Bà Aziza Youssef, một giáo sư ở Đại học Vua Saud cho biết chiến dịch biểu tình này đã nhận được 13 đoạn video và 50 tin nhắn từ những người phụ nữ trên khắp Arập-Xêút cho biết họ đang tự mình lái xe hoặc tuyên bố công khai là đã lái xe.

Cô May al-Sawyan, một nhà nghiên cứu kinh tế cho biết cô đã lái xe từ nhà tới thủ đô và đã đăng những hình ảnh mình ngồi sau tay lái lên mạng. Cô đã sẵn sàng để ngồi tù nếu bị cảnh sát bắt giữ, tuy nhiên cô vẫn cố tìm cách tránh xa xe cảnh sát để không bị phát hiện.

Chồng và gia đình của Sawyan đã chờ đợi ở nhà và lo lắng gọi điện cho cô. Trong chuyến đi “nổi loạn” này, một nữ phóng viên địa phương ngồi cùng xe với cô và không có bất kỳ người thân nam giới này, trái với phong tục ở đất nước này rằng phụ nữ khi đi đến nơi công cộng phải có người thân là nam giới đi cùng.

Cô Sawyan cho biết cô rất hạnh phúc và tự hào vì đã tham gia vào cuộc “nổi loạn” này và nói rằng nhà chức trách không có phản ứng gì quyết liệt đối với cô. Hiện không rõ là cảnh sát cố tình phớt lờ những phụ nữ lái xe hôm thứ Bảy hay chỉ đơn giản là không phát hiện ra họ.

Các nhân chứng cho biết cảnh sát đã không thiết lập bất cứ trạm kiểm soát hay chướng ngại vật nào để kiểm tra các tài xế nữ, và trên đường chỉ có lác đác một vài xe cảnh sát.

Trước khi chiến dịch này được tổ chức, nhà chức trách Arập-Xêút đã phát đi nhiều thông điệp cứng rắn. Một giáo sĩ nổi tiếng ở Arập-Xêút còn cho rằng các nghiên cứu khoa học cho thấy phụ nữ lái xe sẽ làm hỏng buồng trứng.

Cảnh sát cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn bằng vũ lực những người vi phạm “làm mất trị an”, tuy nhiên nhiều người lại coi thông điệp này là dấu hiệu chứng tỏ cảnh sát sẽ không cản trở gắt gao các tài xế nữ.

Trong cuộc lái xe biểu tình đầu tiên của phụ nữ Arập-Xêút được tổ chức vào năm 1990, nhà chức trách đã bắt giữ 50 phụ nữ ngồi sau tay lái. Những người này đã bị hủy hộ chiếu và bị mất việc. Năm 2011, khoảng 40 phụ nữ đã tự mình lái xe để phản đối việc cảnh sát bắt giữ một phụ nữ đăng hình ảnh mình cầm lái ô-tô lên mạng.

Sau cuộc biểu tình này, Arập-Xêút đã dần dần nới lỏng các quy định khắt khe của đạo Hồi đối với phụ nữ, cho phép phụ nữ được ứng cử và bầu cử, tuy nhiên quy định về lái xe thì vẫn không hề thay đổi. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Washington Post) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN