Cuộc đua độc mã của tướng đảo chính Thái Lan

Việc tướng đảo chính Thái Lan được đưa lên làm Thủ tướng được coi là động thái củng cố quyền lực của quân đội nước này.

Tướng Prayuth, người sẽ nghỉ hưu vào tháng 9 tới đây, được coi là một nhân vật chống đối quyết liệt cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều năm sau ở Thái Lan.

Cuộc đua độc mã của tướng đảo chính Thái Lan - 1

Quân đội Thái Lan đảo chính lật đổ chính phủ dân bầu hôm 22/5

Sau cuộc đảo chính chóng vánh năm 2006, chính quyền quân sự đã trao quyền lực vào tay một vị thủ tướng mà những quyết sách thiếu khôn ngoan của ông này đã làm thiệt hại đáng kể tới nền kinh tế Thái Lan.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng tướng Prayuth đang không hề muốn lịch sử sẽ lặp lại. Các tướng lĩnh Thái Lan tuyên bố rằng họ muốn cải tổ nền chính trị để chấm dứt tình trạng hỗn loạn và bạo lực, song các chuyên gia lại cho rằng họ đang tìm cách loại bỏ triệt để ảnh hưởng của ông Thaksin.

Trước động thái trên của Quốc hội Thái Lan, ông Sunai Phasuk, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền ở New York (Mỹ) nhận định: “Rõ ràng là các tướng lĩnh Thái Lan không có kế hoạch phục hồi nền dân chủ”.

Cuộc đua độc mã của tướng đảo chính Thái Lan - 2

Cảnh sát Thái Lan ngăn chặn người biểu tình chống đảo chính ở thủ đô Bangkok

Ông Phasuk nói: “Thay vì dọn đường cho sự trở lại của chính phủ dân sự, NCPO đang tự cho mình quyền tối cao để làm bất cứ điều gì họ muốn mà không có ai ngăn cản và trừng phạt”.

Sau khi lên nắm quyền, NCPO đã bãi bỏ hiến pháp, hạn chế quyền tự do công dân bằng lệnh giới nghiêm và triệu tập hàng trăm nhân vật đối lập, nhà hoạt động và các học giả tới các căn cứ quân sự để thẩm vấn.

Ông Phasuk cho rằng đây không phải là môi trường thuận lợi cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng, và nhiều khả năng NCPO vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm 20/8 đã cảnh báo về “hiệu ứng kiểm soát gián tiếp” đối với quyền tự do bày tỏ chính kiến ở Thái Lan dưới sự cai trị của chính quyền quân sự, sau một loạt vụ bắt bớ và bỏ tù những người bị cáo buộc “phạm thượng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo AFP, Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN