Cuộc đời chìm nổi của cụ bà 27 năm mang thai đá
Một ngày cuối tháng ba, chuyện một cụ bà tuổi ngoài thất thập được con cháu đưa vào… khoa sản bệnh viện đã khiến không ít người xầm xì, bàn tán.
Ở tuổi bóng xế chiều tàn, bà lão góa bụa đã nhiều năm chẳng có vẻ gì đang mang thai hay cần sự trợ giúp sinh nở. Chính các bác sĩ cũng đi từ bất ngờ đến kinh ngạc, họ phát hiện ra bà lão đang mang trong mình một bào thai “hóa thạch” suốt 27 năm. Câu chuyện “độc nhất vô nhị” trong y văn ấy dường như không thể giải thích chỉ với vài dòng. Và qua cuộc tâm sự cùng chính bà lão, chúng tôi mới hay, cuộc đời bà cũng “lạ kỳ” chẳng kém gì sự việc đang gây xôn xao dư luận.
6 lần sảy thai
Những ngày vừa qua, dư luận cả nước không khỏi sửng sốt, khi thông tin từ bệnh viện Đa khoa Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cho biết về trường hợp một bà cụ mang thai hóa đá suốt 27 năm trong bụng. Được sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ trực tiếp thăm khám, PV báo GĐ&XH Cuối tuần cũng phải rất vất vả mới “truy tìm” được bà cụ, hầu mong tìm hiểu được câu chuyện quá đối kỳ lạ nói trên.
Tại phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, khi chúng tôi có mặt, chính những người dân cũng ngỡ ngàng vì câu chuyện “kinh điển” của bà Nguyễn Thị Thập. Nhiều người dân thừa nhận, chính họ sống cùng xóm với bà Thập mấy chục năm qua, nhưng vẫn không hề biết chuyện bà mang trong bụng một bào thai hóa đá. Chỉ đến khi thông tin về người hàng xóm được đăng tải trên mạng, bà con mới ngã ngửa người. Chuyện bà Thập, bởi thế trở thành đề tài “thời sự nóng hổi”, được mọi người không ngớt truyền tai nhau.
Bà Thập hiện đã nhập viện để điều trị.
Hỏi thăm nhà bà Thập, chúng tôi may mắn được gặp “nhân vật chính” của câu chuyện khi bà đang chuẩn bị hành trang trở lại bệnh viện điều trị. Tâm sự cùng người viết, bà bảo, sức khỏe vẫn bình thường nhưng có chút lo lắng khi cái thai trong bụng chưa được xử lý. Rồi không cần chúng tôi gợi chuyện bà chủ động tâm sự về cuộc đời lắm thăng trầm và nguồn gốc cái bào thai kỳ lạ này.
Gia đình bà Thập nhiều năm qua cuộc sống yên ả trong ngôi nhà thường thường bậc trung tại phường Cam Lộc này. Bà Thập vốn không phải người gốc Khánh Hòa. Gần 40 năm trước, gia đình bà từ Phú Yên trôi dạt về đây lập nghiệp. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà theo chồng vào Cam Ranh sinh sống, lấy nghề buôn bán làm kế mưu sinh. Cuộc sống không quá vất vả, song thời gian đầu lấy nhau, hai vợ chồng bà luôn buồn bã vì… hiếm muộn. Bà Thập hồi tưởng: “Vợ chồng tôi về kinh tế không đến nỗi phải lo lắng, nhưng chồng tôi thích sinh được nhiều con để vui cửa vui nhà. Khổ nỗi, chúng tôi đã cố nhiều lần mà vẫn không được. Cuối cùng may mắn lắm, tôi mới có được một mụn con trai. Có thằng con này, ông nhà tôi vui lắm, cứ chăm nó như chăm trứng vậy. Giờ con trai nó cũng đã gần 30 tuổi rồi đấy!”.
Ngôi nhà bà Thập và các con sinh sống.
Sự hiếm muộn của vợ chồng bà Thập cũng khá hi hữu, khi bà trải qua khá nhiều lần sảy thai hoặc bé sinh ra bị chết non. “Tôi nghe kể lại thì cũng thấy hoảng lắm. Tôi cũng không biết vì sao lại vậy, có người nói là hư thai nên mới bị sảy thai, còn việc sinh ra mà 1-2 tháng đã qua đời thì không hiểu được. Có thể, chế độ chăm sóc của tôi không tốt. Cũng có khi, những trường hợp ấy là do bệnh tật nào đó phát ra từ lúc đứa bé còn trong bụng mẹ. Thời ấy, y tế chưa phát triển nên tôi không có điều kiện thăm khám sức khỏe sinh sản như bây giờ. Thế nên sinh con ra, đứa nào có sức thì sống sót, còn không thì…”, bà Thập xót xa.
Trải qua tổng cộng 6 lần sảy thai và mất con ngay từ lúc lọt lòng, đến giờ, bà chỉ có duy nhất một người con trai tên Hải. Hiện tại, ngôi nhà của bà đang ở được ngăn ra, một phần cho thuê phục vụ nghề cơ khí của một số thanh niên trong vùng, phần còn lại là gia đình tam đại đồng đường của bà cư trú. Bà Thập hiện đã có cháu nội. Và cuộc đời lắm thăng trầm của bà, chắc cũng sẽ cứ thế êm trôi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay nếu như không có sự kiện bà đột ngột bị phát hiện đang… mang thai.
Mang thai 27 năm mà không biết
Thế giới chỉ ghi nhận 300 trường hợp Bác sỹ CKII Lê Quang Vinh cũng cho biết thêm, bình thường khi thai bị chết lưu sẽ tìm cách tự đào thải ra khỏi cơ thể mẹ hoặc bằng các biện pháp nạo hút, bác sĩ sẽ lấy thai lưu ra ngoài. Trong trường hợp này, cụ già 76 tuổi đã qua tuổi sinh sản từ lâu, vì thế việc phát hiện thai nhi bị vôi hóa phải qua các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Ðây là ca bệnh hiếm gặp, y văn thế giới mới phát hiện khoảng 300 trường hợp. Ở ca bệnh đặc biệt này, các bác sĩ sẽ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và quan trọng nhất là tùy vào tình hình thể trạng của bệnh nhân để có cách xử trí thích hợp. |
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Sơn Hải (con trai bà Thập) cho biết: “Thật sự, gia đình tôi cũng ngỡ ngàng khi nhận được thông tin này. Cách đây khoảng 18 năm, mẹ tôi có cảm thấy đau lưng trong vài ngày. Từ đó đến nay, bà hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện đau đớn gì. Tiếp lời chồng, vợ anh Hải cũng khẳng định: “Sức khỏe của mẹ chồng tôi hoàn toàn bình thường, bà vẫn ăn tốt, vui vẻ, sáng nào cũng đi tập thể dục đều đặn. Mẹ tôi ở nhà vẫn làm việc bình thường, quét dọn nhà cửa, đi chợ nấu cơm, làm việc phụ giúp con cháu, chưa từng có biểu hiện đau ốm. Quả tình, bụng bà có to nhưng với phụ nữ trải qua sinh nở thì đó cũng là chuyện bình thường. Chỉ mấy ngày trước đây, bà kêu đau bụng nên mới vào bệnh viện rồi phát hiện ra có thai!”.
Sau khi sự việc diễn ra, cuộc sống gia đình bà Thập vẫn diễn ra như bình thường, có chăng chỉ là đôi chút ngại ngùng với lời ra tiếng vào của hàng xóm hiếu kì. Một điều ngạc nhiên là rất nhiều lần đi khám bệnh trước đó, các bác sĩ lại không hề phát hiện được điều gì bất thường trong ổ bụng, tử cung của bà. Bà Thập kể, nhiều lần đi khám, bác sĩ cũng chỉ kê cho bà thuốc bổ và khuyên nên nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Lạc quan về tình hình sức khỏe, bà đều đặn phụ giúp con cháu bán hàng, cải thiện cuộc sống gia đình. Chẳng thể ngờ, chuyện hy hữu lại ập đến.
Ngày bà nhập viện Đa khoa Cam Ranh, các bác sĩ chẩn đoán cơn đau bụng âm ỉ của bà bắt nguồn từ cái bào thai đã hóa thạch. Hôm đó, ngồi trong phòng khám “nuốt” từng lời bác sĩ, bà Thập thấy chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Thì ra gần 30 năm đằng đẵng vừa qua, bà mâng trong người một mầm sống. Bà Thập cười cho biết: “Lúc chồng tôi còn sống, chúng tôi vẫn “nồng nàn” với nhau lắm. Nếu theo các y bác sỹ thông báo thì hồi ấy tôi thụ thai cũng đã suýt soát 50 tuổi rồi. Ở cái tuổi ấy mà vẫn có thai được thì cũng là chuyện lạ! Kỳ lạ hơn nữa là suốt mấy chục năm qua, nó vẫn ở trong người tôi mà tôi không hề hay biết gì!”
Chính người cháu nội của bà cũng không ngờ rằng bà mình… mang thai. Nếu thai nhi đó thành người, thì sẽ là anh em với ông Nguyễn Sơn Hải (50 tuổi, con ruột bà Thập). Nhiều người trong vùng đùa vui rằng, chắc phải lập bàn thờ cúng cái thai đó, như vậy ông Hải sẽ có một người em đã qua đời. Nghe những thông tin này, gia đình bà Thập cũng không mấy quan tâm. Chị Lợi, con dâu bà Thập, tặc lưỡi: “Chuyện mẹ chồng tôi thế nào thì cả gia đình đều biết. Có chẳng mẹ chồng tôi chỉ khác người ta là có thai chết lưu trong bụng thôi.
Trên thế giới cũng từng có trường hợp như thế, chứ đâu phải chỉ riêng mẹ tôi”. Người dân trong vùng rất tò mò và muốn thử một lần nhìn thấy thai đá cho biết. “Đời tôi chưa từng nghe nói đến chuyện thai đá bao giờ và cũng càng chưa từng nghĩ đến chuyện bà Thập lại mang thai đá, tôi rất muốn nhìn xem thai đá trông ra sao? Không có ý gì xấu mà chỉ thấy hiện tượng đặc biệt hiếm gặp thôi!”, một người đàn ông trong bệnh viện bày tỏ. Không giống với các thai phụ khác, theo dự đoán, sau khi “chào đời” thai nhi của bà Thập sẽ giống một tảng đá có hình người, dù kích cỡ không lớn lắm.
Trên thực tế có những trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân, nhưng y học ngày nay đã biết nhiều nguyên nhân gây ra thai chết lưu. Với những thai phụ tuổi cao trên 40 tuổi, tỉ lệ này cao gấp 5 lần so với nhóm những người mẹ dưới 40 tuổi. Việc bà Thập còn thụ thai được ở độ tuổi 50 cũng là một điều ít gặp. Thêm nữa, việc thai đá này không làm ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như vận động, và bà không hề hay biết sau từng ấy năm quả là một sự kiện hy hữu của y văn. Sau sự việc hi hữu này, bà Thập chỉ mong muốn các y bác sỹ sớm tiến hành giải quyết bào thai đá này, để sức khỏe của bà được ổn định, cũng như tâm lý không còn lo sợ nữa.