“Cuộc chơi bạc tỉ” trâu chọi Đồ Sơn
Để có một “ông” trâu thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, chủ trâu phải ngược xuôi đến khắp mọi miền trong cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài để chọn mua được trâu ưng ý.
Sau khi mua được trâu ưng ý, chủ trâu thuê riêng quản trâu chăm sóc, đầu tư mua nhiều của ngon vật lạ bồi dưỡng cho trâu. Tính tổng cộng, chi phí cho mỗi “ông” trâu không dưới 300 triệu đồng.
“Ông” trâu 1,3 tấn và chủ trâu không tiếc bạc tỉ
Trong số 16 trâu đăng ký tham dự Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn năm 2023, trâu số 03 của chủ trâu Lưu Đình Nam (ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) nổi bật về sức vóc to lớn lạ thường.
Nếu như trâu cày chỉ 6-7 tạ thì trâu chọi của anh Lưu Đình Nam lên tới khoảng 1,3 tấn. Đây cũng là trâu có trọng lượng lớn nhất trong 32 kỳ Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn kể từ khi được khôi phục vào năm 1990 (hai năm 2020 và 2021, lễ hội tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19).
Nói về hành trình vất vả để có “ông” trâu ưng ý tại lễ hội năm nay, anh Nam chia sẻ: “Trâu có nguồn gốc từ Thái Lan, được một tay buôn trâu ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) nhập về. Nghe thông tin trâu có tướng quý từ một người bạn, tôi lặn lội tìm tới tận nơi. Thấy sự đam mê của tôi, họ hét giá lên tới 270 triệu đồng, cao cấp 1,5-2 lần so với những trâu chọi khác nhưng tôi không chút đắn đo chồng tiền, dắt trâu về vì sợ họ đổi ý”.
Sau khi có được trâu quý, hơn 10 tháng qua, anh Nam thuê riêng quản trâu với tiền công 7 triệu đồng/tháng chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cũng như huấn luyện cho “ông” trâu có được thể lực tốt, sức vóc dẻo dai để ra tranh tài tại lễ hội.
Giống như nhiều chủ trâu khác tham gia Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn năm nay và những năm trước, ngoài chủ lực là cỏ, anh Nam còn chọn mua nhiều thức ăn, từ thông thường như mía, khoai, ngô đến “đặc sản” như sâm.
“Nếu tính cả tiền mua trâu, thuê quản trâu, mua thức ăn khác, tổng cộng tôi phải bỏ ra gần 600 triệu đồng” - anh Nam nói.
Cái được nhất với chúng tôi dù mất tiền tỉ đó là được chung tay góp sức, gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống của quê hương. Bên cạnh đó, chưa kể có trâu vô địch mà chỉ cần có trâu tham gia lễ hội là có được may mắn suốt cả năm sau đó cho bản thân, gia đình, dòng tộc, quê hương.
Chủ trâu ĐOÀN VĂN THỌ
Dù vậy, theo anh Nam, điều quan trọng không phải là kinh tế mà đó là được tham dự lễ hội, được đem lại may mắn cho bản thân, gia đình, dòng tộc, quê hương.
Anh Nam cho biết thêm đây là năm thứ bảy anh có trâu tham gia Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn, không kể trâu chọi anh mua năm 2019 ở Nghệ An với giá 140 triệu đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong hai năm 2020 và 2021 Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn bị hoãn nên anh Nam phải nuôi trâu chọi này thêm hai năm nhưng sau đó trâu bị ốm nặng. Anh đành bán trâu chọi với giá trâu cày, thu vớt vát chỉ 35 triệu đồng. Tính tổng cộng, anh Nam đã tốn kém không dưới 3 tỉ đồng cho các trâu chọi tham gia lễ hội.
Nếu tính lỗ lãi, không ai nuôi trâu chọi
Đó là khẳng định của ông Đoàn Văn Thọ (ngụ tổ dân phố Đồng Tiến 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn), chủ trâu số 04 tham dự Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn năm 2023.
Đây là năm đầu ông Thọ có trâu tham dự lễ hội. Để có trâu ưng ý, gia đình ông đã phải bỏ ra 170 triệu đồng mua trâu. Thêm tiền mua thức ăn phục vụ thực đơn sang chảnh của “ông” trâu, tiền thuê quản trâu chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện, tổng cộng gần 400 triệu đồng.
“Sau lễ hội, dù thắng hay thua, trâu đều được ngả thịt theo tục lệ hiến sinh. Phần thịt ngon dự kiến khoảng 2-3 tạ. Mặc dù mức giá bán thịt trâu chọi khá cao, khoảng 2 triệu đồng/kg, trong đó trâu vô địch lên tới 5 triệu đồng/kg tại lễ hội năm trước, tuy nhiên quá nửa biếu tặng bạn bè, người thân, đối tác… thành thử ngoài chủ có trâu vô địch, còn lại từ hòa đến lỗ nặng” - ông Thọ chia sẻ.
“Ông” trâu nặng 1,3 tấn của anh Lưu Đình Nam. Ảnh: NGỌC SƠN
Ở quận Đồ Sơn, không ai không biết đến nghệ nhân dân gian chọi trâu Hoàng Gia Bổn. Theo ông Bổn, tình yêu, sự tâm huyết với lễ hội của ông được truyền lại từ người cha. Và ông Bổn tiếp tục truyền lại tình yêu đó cho con trai là anh Hoàng Gia Ivan, chủ trâu số 10 tham dự Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn năm nay. Trâu số 10 cũng là một trong những “ông” trâu được nuôi lâu nhất tại kỳ lễ hội này. Thông thường, các chủ trâu mua, chăm sóc khoảng 8-10 tháng nhưng để tham dự lễ hội, anh Ivan đã mua trâu từ năm 2018, thuê người chăm sóc hơn năm năm.
Không chỉ với các chủ trâu mà người dân quận Đồ Sơn cũng “máu lửa” với lễ hội và công việc chăm nuôi trâu chọi. Với họ, lễ hội chọi trâu là tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác. Một người không thể cáng đáng được hết tài chính thì vài ba người cùng chung tay, đóng góp tiền của để có trâu tham dự lễ hội. Vì thế, năm 2017, sau sự cố trâu húc chết chủ tại lễ hội, khi có thông tin lễ hội chọi trâu có nguy cơ bị “xóa sổ”, nhiều người dân ở quận Đồ Sơn đã ôm mặt khóc nức nở.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn là tập tục cổ tồn tại từ rất lâu đời và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Theo thông tin từ ban tổ chức, tại Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn năm 2023, phần hội (tổ chức chọi trâu) sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 ngày 23-9 (ngày 9-8 âm lịch) tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn (274 Lý Thánh Tông, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng). |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 5/9, lãnh đạo Phòng du lịch văn hóa, thông tin quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) cho biết, Ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khẳng định, không có việc trâu chọi bị tiêm...