Cuộc chiến tương tàn Triều Tiên - HQ

Sáng sớm hôm đó, hơn 100.000 quân Bắc Triều Tiên bất ngờ vượt vĩ tuyến 38 tràn sang miền Nam cùng với những đợt pháo kích dữ dội. Đó là màn khởi đầu của cuộc chiến khiến hàng triệu người thiệt mạng, mà miền Bắc gọi là để giải phóng đất nước, còn miền Nam gọi là cuộc chiến xâm lược.

Sau 60 năm, chiến tranh Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ tiếp diễn, khi căng thẳng giữa hai miền liên tục leo thang, Triều Tiên hủy hiệp định đình chiến và tuyên bố "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc. Loạt bài này sẽ giúp bạn đọc nhìn lại cuộc chiến trong quá khứ, nhằm hiểu rõ hơn xung đột hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc chiến 625

Chiến tranh Triều Tiên thường được gọi là Cuộc chiến 625 để ghi nhớ ngày nổ ra xung đột (25/6/1950). Trong vài giờ đầu tiên, lính gác Hàn Quốc nghĩ rằng đó chỉ là một cuộc xung đột biên giới nhỏ, nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng đó thực sự là một cuộc tấn công quy mô lớn. Những vũ khí hạng nhẹ mà họ được trang bị không ăn thua gì so với hàng loạt xe tăng và đại bác do Liên Xô sản xuất của quân Triều Tiên. Chỉ trong 4 ngày, quân Triều Tiên đã chiếm được Seoul.

Cuộc chiến tương tàn Triều Tiên - HQ - 1

Chiến hạm U.S.S Toledo bắn vào bờ biển Triều Tiên năm 1950. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Rất nhanh chóng, Mỹ và các nước trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cử lực lượng quân sự đến can thiệp vào Triều Tiên khi không có lá phiếu của Liên Xô - vắng mặt để phản đối đại diện của chính quyền Quốc Dân Đảng thành lập tại Đài Loan sau khi Tưởng Giới Thạch thất thế trong cuộc nội chiến Trung Quốc.

Được chỉ huy bởi tướng Douglas MacArthur, lính Mỹ chiếm tới 88% trong số 341.000 lính quốc tế đến trợ giúp cho Hàn Quốc chống lại quân Triều Tiên, cùng với trợ giúp của 20 nước khác của Liên Hợp Quốc. Trong vòng 1 tháng đầu, liên quân tại Hàn Quốc thất thế và bị dồn vào một khu vực nhỏ hẹp trong TP. Pusan, miền đông nam Hàn Quốc. Quân Triều Tiên thậm chí suýt hất văng quân đồng minh ra khỏi bán đảo.

Trong hoàn cảnh đó, MacArthur quyết định mở chiến trường thứ hai nhằm ép Kim Nhật Thành phải phân chia nguồn lực và đồng thời tấn công và điểm yếu của quân Triều Tiên quanh Pusan. MacArthur chọn Incheon, một thành phố nhỏ ở bờ biển tây Hàn Quốc. Cuộc tấn công được lên kế hoạch vào ngày 15/9, khi thủy triều lên đủ cao để đưa bè vượt qua các bãi bùn trên bến cảng. Dù đã được báo trước, quân đội của Kim Nhật Thành đã không tăng cường lực lượng tại Incheon nên nhanh chóng thất thế trước quân đồng minh.

Cuộc chiến tương tàn Triều Tiên - HQ - 2

Liên quân Mỹ thả bom một nhà thờ ở Wonsan. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Cuộc tấn công Incheon đã cắt đường viện trợ vốn bị dàn trải quá mức của quân Triều Tiên, khiến quân miền bắc phải rút lui và bị liên quân đuổi theo qua vĩ tuyến 38, đến tận sông Yalu – ngăn cách lãnh thổ Trung Quốc và Triều Tiên, bất chấp cảnh báo rằng hành động đó có thể dẫn đến sự can thiệp của Trung Quốc.

Lúc đó, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông quyết định tham chiến vì cho rằng quân đồng minh sẽ không dừng lại ở Triều Tiên mà có thể vượt qua sông Yalu vào Mãn Châu để lật đổ chế độ mới ở Trung Quốc. Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn quân tình nguyện đánh lùi liên quân vốn đã kiệt sức trở lại sau vĩ tuyến 38. Lo lắng của Mao Trạch Đông không phải không có cơ sở, vì tướng MacArthur đã gây sức ép để Tổng thống cho phép đánh bom Mãn Châu, Trung Quốc. Bị từ chối, MacArthur công khai bất mãn với quan điểm của Tổng thống, dẫn tới việc bị sa thải vào tháng 4/1951.

Mỹ suýt dùng bom hạt nhân

Dù không đưa quân tới cuộc xung đột, Liên Xô cung cấp đồ tiếp tế cho cả quân Triều Tiên và Trung Quốc.

Kể từ khi liên quân bị đánh lùi lại vĩ tuyến 38, cả hai bên đều không có bước tiến nào cho tới khi ký kết hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953, khẳng định biên giới giữa hai miền là vĩ tuyến 38 và thiết lập khu vực phi quân sự rộng 2,5 dặm dọc vĩ tuyến này.

Cuộc chiến tương tàn Triều Tiên - HQ - 3

Em bé ngồi khóc bơ vơ khi quân Liên Hợp Quốc đánh vào Incheon. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Chiến tranh Triều Tiên suýt dẫn tới khả năng đụng độ lớn bằng vũ khí hạt nhân. Khi chịu thương vong lớn và thất thế, Mỹ đã nhiều lần tính đến phương án sử dụng bom hạt nhân để tấn công quân đội Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng cuối cùng Mỹ đã kiềm chế không sử dụng do lo ngại xảy ra chiến tranh tổng lực với Trung Quốc và chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, cũng như lo sợ áp lực của quốc tế.

Dù được gọi là “cuộc chiến bị lãng quên” vì không gây chú ý như Thế chiến II trước đó và chiến tranh Việt Nam sau đó, nhưng chiến tranh Triều Tiên đã khiến khoảng 1,2 triệu người Hàn Quốc, 1 triệu người Triều Tiên, 36.500 quân Mỹ và 600.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.

Quan hệ thù địch giữa Triều Tiên và Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Ngay trước khi chiến tranh xảy ra, người Triều Tiên đã ghét Mỹ, vì cho rằng chính Mỹ là nhân tố cản trở quá trình giành độc lập, tự chủ và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

_________________________

Vì sao Triều Tiên bị chia cắt và đánh lẫn nhau? Sau chiến tranh, quan hệ của hai bên ra sao? Mời đón đọc bài Triều Tiên và HQ: Lịch sử "nồi da xáo thịt" vào 19 giờ ngày 7/4/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN