Cuộc chiến Pò Hèn: "Đồng đội đã nhường tôi phần may mắn"
“Chiến tranh chẳng ai nói trước được điều gì, nhưng tôi sống sót sau trận chiến là do đồng đội đã nhường cho tôi phần may mắn. Đã 40 năm nhưng ký ức ngày tháng chiến đấu, từng đồng đội ngã xuống luôn hằn in trong tâm can” - Tâm sự của người lính già Hoàng Như Lý (68 tuổi, trú TP Móng Cái, Quảng Ninh), một trong số ít người sống sót trong trận đánh Pò Hèn 17/2/1979.
Ông Lý (bên phải) xúc động ôm đồng đội sau bao năm xa cách
Người kết nối âm dương
Vượt hàng chục ki lô mét đường rừng, chúng tôi lên với Pò Hèn, đài tưởng niệm hơn 100 chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến 1979. Đa số liệt sỹ ở đây đều là lính Biên phòng. Nhắc đến cựu binh già Hoàng Như Lý, gần như ai ai cũng biết tường tận, người đã bỏ hàng chục năm trời tìm kiếm khắp vùng hài cốt của đồng đội năm xưa. Ngần ấy năm trôi qua, ông Lý vẫn nhớ rõ như in từng khu vực, từng điểm chốt đồng đội đã ngã xuống, từng phần mộ nơi các đồng đội của ông đang yên nghỉ. Khẽ lau hàng nước mắt chực trào, ông kể: “Khi ấy lửa đạn mịt mù, một mặt chiến đấu nhưng tôi vẫn nhớ vị trí của từng đồng đội ngã xuống”.
Từ năm 1997, ông Lý bắt đầu hành trình tìm từng phần mộ đồng đội. Từ đó đến nay, nhiều liệt sĩ được ông tìm thấy. “Nhiều đêm tôi còn mơ thấy các anh em đồng đội về thăm. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại lên đường” - ông Lý nói.
Pò Hèn ngày nay êm đềm bên dòng Ka Long. Hôm nay trời mưa tầm tã, từng đoàn người trên tay cầm hương nghi ngút khói tới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn vào ngày giỗ chung. Ai cũng lặng lẽ, nén đau thương vào ngày đồng đội nằm xuống cách đây 40 năm về trước. |
Giờ ông Lý chỉ canh cánh trong lòng về phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện chưa tìm thấy và phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thế Nam tuy đã được đặt ở nghĩa trang nhưng lại mang tên Nguyễn Thị Nam, ông và gia đình vẫn chưa hoàn tất thủ tục đổi lại tên.
Vào những ngày này, ông Lý luôn dành thời gian tới một tấm bia mộ nằm ngay dưới chân đồi Quế, cách Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn chừng vài trăm mét. Đó là nơi yên nghỉ của liệt sĩ Tảo, người từng cùng ông Lý sát cánh chiến đấu. “Trước ngày xảy ra trận chiến tôi và anh Tảo đi kiểm tra trận địa. Khi quay về cùng nhau ngồi nghỉ tại tảng đá và cả hai còn rủ nhau đi hái sim. Ngày định mệnh xảy đến, anh Tảo bị trúng đạn, do vết thương nặng nên đã hy sinh ngay tại tảng đá nơi cả hai đã dừng chân”, ông Lý cho biết.
Ngày 17/2 hàng năm, ông Lý luôn tổ chức buổi gặp mặt các cựu chiến binh chiến đấu tại Đồn 209 Pò Hèn năm xưa. Gặp lại nhau tại nhà ông Lý, những người sống sót ôm chầm lấy nhau, nước mắt rơm rớm, ôn lại những ngày từng sát cánh bên nhau. Những đồng đội hy sinh, đổ máu vì tấc đất biên cương sẽ không phai mờ trong tâm trí những cựu binh già.
Đám cưới cho liệt sĩ sau gần 40 năm
“Làm đám cưới cho người sống là chuyện nên làm, nhưng làm đám cưới cho 2 liệt sĩ đã hy sinh gần 40 năm thì quả thực rất xúc động và khó tả. Sự hy sinh của đôi trai tài gái sắc Chiêm - Lượng một thời đã làm dậy lên tinh thần yêu nước bất khuất của thế hệ chúng tôi. Họ đã sát cánh bên nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” - ông Lý bồi hồi kể.
Theo lịch sử của Đồn Biên phòng Pò Hèn ghi lại, nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm vốn là cán bộ thương nghiệp. Ngày 17/2/1979, đối phương dùng chiến thuật “biển người” ồ ạt tấn công Đồn 209 Pò Hèn và chiếm được đồi Quế. Ngày xảy ra chiến sự, liệt sĩ Hồng Chiêm quyết tâm ở lại đồn cùng chiến đấu. Tại đây, chị không chỉ chăm sóc, băng bó cho các chiến sĩ bị thương mà còn lao lên dùng súng bắn trả quân địch. Khi súng hết đạn cũng là lúc chị trút hơi thở cuối cùng. Liệt sĩ Hồng Chiêm là một cô gái đẹp người, đẹp nết, có khí chất mạnh mẽ, có mối tình đẹp với liệt sĩ Bùi Văn Lượng. Ngày quân địch tràn sang xâm lấn, cả hai đã đồng lòng cùng nhau ở lại chiến đấu rồi hy sinh anh dũng cùng 1 ngày.
Ngày 17/2 hàng năm, ông Lý tổ chức gặp mặt những người may mắn còn sống sót, dâng lên đồng đội những nén hương tri ân. Ảnh: Hoàng Dương
Trước mong mỏi của gia đình hai bên, năm 2017, ông Lý nảy sinh ý tưởng tổ chức một lễ hỏi cho cả hai liệt sĩ. Sau khi được gia đình hai bên đồng ý, ngày 6/8/2017 lễ hỏi có một không hai diễn ra và làm xúc động lòng người. Cho đến bây giờ, họ hàng hai bên vẫn không thể quên khoảnh khắc đoàn họ nhà trai mang sính lễ tới nhà gái để hỏi cưới cho cặp đôi liệt sĩ. “Tôi cùng một số cựu chiến binh Đồn 209 Pò Hèn và anh trai liệt sĩ Bùi Văn Lượng xuất phát từ phường Hòn Gai, TP Hạ Long mang theo sính lễ đầy đủ, đoàn tập trung ở nhà tôi rồi mới đến nhà liệt sĩ Hồng Chiêm” - ông Lý kể.
Lễ ăn hỏi diễn ra ngay tại ngôi nhà tình nghĩa do địa phương xây dựng để em trai liệt sĩ Hồng Chiêm lo việc thờ cúng. Buổi lễ rất trang trọng, đầm ấm, có bạn bè liệt sĩ Hồng Chiêm cùng rất đông họ hàng, hàng xóm đến dự. Mọi người chẳng ai bảo ai, đều vui nhưng xúc động đến trào nước mắt.
Pò Hèn ngày nay êm đềm bên dòng Ka Long. Hôm nay trời mưa tầm tã, từng đoàn người trên tay cầm hương nghi ngút khói tới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn vào ngày giỗ chung. Ai cũng lặng lẽ, nén đau thương vào ngày đồng đội nằm xuống cách đây 40 năm về trước.
Nhìn lại toàn cảnh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, lịch sử ghi lại dấu mốc Trung Quốc nổ súng xâm lược 6 tỉnh...