"Cuộc chiến" giành lại vỉa hè: Tượng gà, kỳ lân đá có bị sung công?
Pháp luật quy định các trường hợp lực lượng chức năng tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm quy định về sử dụng, khai thác vỉa hè.
Con gà trống “khủng” đặt trên vỉa hè đại lộ Võ Văn Kiệt bị xe cẩu “bứng” đi sau chỉ đạo của ông Đoàn Ngọc Hải.
Chỉ sung công tài sản vi phạm vô chủ
Vừa qua, lực lượng chức năng các quận ở Hà Nội và TP.HCM đã tăng cường kiểm tra lập lại trật tự đô thị, nổi bật nhất là “chiến dịch” giành lại vỉa hè ở quận 1, TP.HCM.
Trong quá trình kiểm tra, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch quận 1 chỉ đạo đoàn kiểm tra lập biên bản, thu giữ nhiều tài sản lấn chiếm vỉa hè.
Trong đó, đêm 26.2, phát hiện nhà hàng Con gà trống nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt, có bồn hoa, cây cảnh và một tượng gà khổng lồ lấn chiếm vỉa hè, ông Hải đã yêu cầu lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm, tháo dỡ ngay tại chỗ. Bức tượng gà khổng lồ bị cẩu lên xe tải, mang về trụ sở xử lý.
Liên quan đến việc tịch thu tài sản, phương tiện lấn chiếm vỉa hè của cơ quan liên ngành quận 1, TP.HCM và một số địa phương thời gian qua, nhiều ý kiến thắc mắc, việc thu giữ tài sản vi phạm có đúng quy định? Người dân có được lấy lại tài sản vi phạm?
Trao đổi với PV về các câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh bạch) cho biết, theo quy định, lực lượng chức năng có quyền thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm quy định về sử dụng, khai thác vỉa hè trong một số trường hợp, nhưng không có quyền tịch thu sung công.
“Nghị định 46/2016 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) của Chính Phủ quy định rất rõ mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trong đó có vỉa hè.
Ví dụ, các cá nhân có hành vi như sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông sẽ bị phạt 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tổ chức có hành vi vi phạm tương tự bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng....
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, thu dọn các vật dụng lấn chiếm vỉa hè và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Cặp kỳ lân đá chiếm vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM bị đoàn kiểm tra do ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo cẩu đưa lên xe.
Như vậy, theo quy định này thì hành vi lấn chiếm vỉa hè, phần đất dành cho đường bộ không bị áp dụng chế tài tịch thu sung công. Lực lượng chức năng chỉ có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm”, luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.
Luật sư Tuấn Anh cho biết: Luật xử lý vi phạm Hành chính 2012 quy định, cơ quan chức năng chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính trong trường hợp thật sự cần thiết.
Ví dụ, tạm giữ để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt hoặc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội…
“Cơ quan chức năng chỉ tịch thu khi những tang vật, phương tiện vô chủ, không rõ nguồn gốc, sản phẩm nguy hại cần tịch thu để tiêu hủy ví dụ như thực phẩm bẩn, băng đĩa có nội dung đồi trụy bày bán trên vỉa hè chẳng hạn.
Bên cạnh đó, những tang vật, phương tiện bị tạm giữ nhưng người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, không làm thủ tục nhận lại tài sản dù cơ quan chức năng thông báo nhiều lần thì cơ quan chức năng có quyền hóa giá, sung công.
Trường hợp tang vật tạm giữ không vi phạm quy định pháp luật, khi người vi phạm chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt trong thời hạn quy định, cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết trả lại tài sản cho người vi phạm.
Ví dụ, trường hợp Q.1 thu giữ bức tượng con gà khổng lồ, hay kỳ lân đá lấn chiếm vỉa hè, nếu tượng con gà, kỳ lân đá không phải sản phẩm cấm lưu hành, sử dụng, chủ bức tượng chấp hành xong quyết định xử phạt và yêu cầu tra lại thì cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết trả lại bức tượng này”, luật sư Tuấn Anh nói.
Thu giữ làm hư sẽ phải bồi thường
Đồng quan điểm với luật sư Tuấn Anh, luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, không có quy định tịch thu tài sản với các vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè nếu đó không phải hàng cấm hoặc hàng hóa cần tịch thu tiêu hủy.
Luật sư Kiên cho biết thêm, nếu cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm đồng nghĩa với việc họ phải có trách nhiệm bảo quản nó.
“Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 1 bản”, luật sư Kiên nói.
Theo Luật sư Kiên, đối với các trường hợp vi phạm có tính chất đơn giản thì thời hạn tạm giữ hành chính là 7 ngày. Trong thời hạn này, người vi phạm cần có trách nhiệm đóng tiền xử phạt để lấy lại tài sản và phương tiện của mình.