"Cuộc chiến" giành lại vỉa hè: "Đừng làm trò cười cho người khác"
"Chúng ta đừng làm trò cười cho người khác! Đã làm thì phải làm sao cho hợp lý, chứ làm xong còn tệ hơn thực trạng là không ổn".
Lực lượng chức năng Q.10 đang cắt xích và thu giữ một xe đẩy bán hột vịt lộn trên đường Hồ Thị Kỷ
Sáng 20.3, phát biểu tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện công tác lập lại trật tự đô thị trên địa bàn Q.10 (TP.HCM), ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q.10 đánh giá cao những mặt tích cực mà lực lượng chức năng trên địa bàn quận đã làm được trong 1 tuần vừa qua. Tuy nhiên, ông Trọng cũng thẳng thắn nêu ra những điểm còn tồn đọng và chỉ đạo các lực lượng phải hết sức quyết liệt trong việc thực hiện mục tiêu lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.
Một trong những điểm tồn đọng mà Chủ tịch UBND Q.10 nhắc tới là vấn đề mỹ quan đô thị. “Tôi thấy có nhiều bồn cây xanh đã lâu năm, cũ và trở thành rác rồi. Vậy mà các hộ dân xung quanh đập xong công trình vi phạm còn mang ra bỏ thêm vào bồn cây ấy, trông rất nhếch nhác”, ông Trọng nêu thực trạng trên đường Ba Tháng Hai để lực lượng chức năng P.11 và P.12 kịp thời chấn chỉnh.
“Có nhiều vỉa hè còn dư khoảng 1m phía sau bồn cây dành cho người đi bộ, nhưng chúng ta lại vẽ vạch sơn cho người ta để xe ngay sát bồn cây đó thì sao người đi bộ đi được. Chúng ta đừng làm trò cười cho người khác! Đã làm thì phải làm sao cho hợp lý, chứ làm xong còn tệ hơn thực trạng là không ổn. Do đó, phải có một kế hoạch chỉnh trang vỉa hè”, ông Trọng chỉ đạo.
“Lần này không làm được sẽ không bao giờ làm được, tương lai sẽ lại bó tay như những lần từng bó tay. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo phường phải thống nhất với UBND quận trong công tác lập lại trật tự đô thị”, ông Trọng nói.
"Đã làm thì phải làm sao cho hợp lý, chứ làm xong còn tệ hơn thực trạng là không ổn", ông Nguyễn Đức Trọng - Chủ tịch UBND Q.10 chỉ đạo.
Trao đổi thêm với PV về câu phát biểu trên, ông Trọng giải thích: “Công tác này năm nào cũng làm. Tuy nhiên trước kia, bà con có nơi đồng tình có nơi không đồng tình, có nơi còn chê trách, hiểu theo nghĩa khác. Lần này rất mừng là không chỉ tại TP.HCM mà người dân cả nước đều rất đồng tình. Có thể thấy thời cơ đã tới mà không làm được thì làm sao còn cơ hội nữa”.
Cũng trong hội nghị, lấy vụ việc đoàn công tác của Q.1 do Phó Chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu, đã tháo dỡ bậc tam cấp kiên cố tại một công trình nhà nước trên đường Nguyễn Huệ vào chiều 19.3 làm ví dụ, ông Trọng quán triệt lực lượng chức năng Q.10 đừng tiếc vài đồng nhỏ cho ngân sách mà du di không tháo dỡ một số công trình vi phạm hay vẫn để người dân buôn bán lấn chiếm vỉa hè.
“Chúng ta có thể tăng thu ngân sách bằng cách khác, như mời doanh nghiệp về buôn bán ở Q.10 với thái độ thân thiện, tinh thần phục vụ cao và thượng tôn pháp luật”, ông Trọng nói.
Tuy nhiên, song song với sự quyết liệt cần có, Chủ tịch UBND Q.10 yêu cầu các lực lượng chức năng phải ưu tiên giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở. Ngoài ra, để công tác này thành công và đảm bảo tính lâu dài, ông Trọng cho rằng điều quan trọng là phải sắp xếp lại nơi buôn bán cho các hộ kinh doanh.
Liên quan tới vấn đề này, bà Bùi Thị Nga - Trưởng phòng Kinh tế Q.10 cho biết, ngoài 86 sạp trống có thể sắp xếp cho người dân vào buôn bán ngay ở chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Nhật Tảo, hợp tác xã chợ Thành Thái và chợ Hòa Hưng, Phòng Quản lý đô thị đã rà soát các mặt bằng để tổ chức chợ phiên cuối tuần và địa điểm kinh doanh tập trung cho các hộ buôn bán hàng rong.
Theo đó, bà Nga kiến nghị sử dụng đường nội bộ trong Công viên Lê Thị Riêng để làm địa điểm tổ chức chợ phiên từ 6h - 11h30 thứ Bảy hằng tuần. Về nơi tổ chức cho các hộ bán hàng rong tập trung, bà Nga đề xuất sử dụng lô A - Chung cư Ngô Gia Tự (P.3, Q.10) và lề đường Tô Hiến Thành (P.14, Q.10). Bên cạnh đó, với những tuyến đường có vỉa hè rộng 6m trở lên, bà Nga kiến nghị phân ô cho các hộ dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương được bán theo giờ (buổi sáng: 5h - 8h, buổi chiều: 18h - 23h).