Cuộc chiến đấu cuối cùng của Nelson Mandela
Trong thập niên cuối cùng trong đời mình, Mandela đã bắt đầu cuộc chiến cuối cùng chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Sáu năm sau khi giã từ sự nghiệp chính trị, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tổ chức một cuộc họp báo ngay tại nhà ông ở Johannesburg vào tháng 1/2005 để đưa ra một thông báo khiến mọi người choáng váng.
“Con trai tôi đã qua đời vì bệnh AIDS”, ông Mandela thông báo với mọi người tham dự cuộc họp báo.
Người con trai Makagtho Mandela của ông đã qua đời ở tuổi 54. Hai thành viên khác trong gia đình Mandela cũng đã chết sau đó vì những biến chứng do căn bệnh thế kỷ gây ra. Hành động công khai thừa nhận con mình chết vì bệnh AIDS của ông Mandela được coi là một khoảnh khắc bước ngoặt trong cách nhìn nhận về bệnh AIDS của đất nước Nam Phi và cả châu lục đen nói chung.
Nelson Mandela cùng các cháu của mình trong lễ sinh nhật lần thứ 90
Ông Mandela giãi bày: “Tôi không được giấu giếm nguyên nhân cái chết của con trai mình vì đó là cách duy nhất để chúng ta có thể giúp mọi người hiểu được rằng HIV cũng là một căn bệnh bình thường.”
Mặc dù lúc đó đã có khoảng 5 triệu người Nam Phi nhiễm HIV và 2 triệu người đã thiệt mạng vì căn bệnh thế kỷ này, AIDS vẫn là một chủ đề cấm kỵ và đáng hổ thẹn ở đất nước của Mandela. Chính cảm giác nhục nhã khi nhắc đến căn bệnh này đã làm thất bại mọi nỗ lực phòng ngừa và chữa trị AIDS ở Nam Phi.
Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đóc Trung tâm Phòng chống và Điều trị AIDS Quốc tế nhận định: “Việc Mandela đứng lên và thừa nhận điều ‘đáng hổ thẹn’ đó trong gia đình mình, với con trai mình là vô cùng quan trọng, vì hành động đó khiến mọi người hiểu rằng HIV cũng là một căn bệnh như bao căn bệnh khác.”
Khi còn là tổng thống của Nam Phi, Mandela hầu như không nhắc gì tới vấn đề AIDS. Nhưng trong thập niên cuối cùng của cuộc đời mình, đặc biệt là trong nỗi đau mất đi đứa con trai, ông đã bắt đầu cuộc chiến cuối cùng của mình: cuộc chiến chống lại AIDS ở Nam Phi.
Mandela đã thành lập quỹ từ thiện 46664, lấy tên từ số hiệu tù nhân “466” của ông ghép với năm ông bị cầm tù “1964” để tăng cường nhận thức cho mọi người và quyên góp tiền để chống lại căn bệnh AIDS.
Mandela trong một buổi hòa nhạc phòng chống AIDS ở Johannesburg, Nam Phi
Ông còn xuất hiện tại các sự kiện tuyên truyền về bệnh AIDS quốc tế, chẳng hạn như trong đêm nhạc 46664 được tổ chức tại Cape Town, Nam Phi, mở đầu cho một loạt các buổi hòa nhạc phòng chống AIDS.
Phát biểu trước những người tham dự buổi hòa nhạc phòng chống AIDS ở George, Nam Phi vào tháng 3/2005, Mandela nói: “Tôi thích tận hưởng thời gian nghỉ hưu yên tĩnh và bình lặng lắm chứ, nhưng tôi cũng như các bạn đều biết rằng tôi không thể an tâm nghỉ ngơi khi châu lục thân yêu của chúng ta đang bị tàn phá bởi đại dịch chết người này.”
Mọi người đã vô cùng xúc động khi chứng kiến sự hiện hiện của Mandela tại các buổi hòa nhạc phòng chống AIDS này, và hàng ngàn người đã nhiệt tình hưởng ứng đóng góp gây quỹ để tăng cường nhận thức về AIDS cho nhân dân.
Trong một buổi hòa nhạc ở Tromso, Na Uy vào tháng 6/2005, ông Mandela nói: “Khi lịch sử thời đại chúng ta được viết ra, liệu chúng ta có được nhớ đến như một thế hệ quay lưng lại với cuộc khủng hoảng toàn cầu này, hay chúng ta sẽ được sử sách ghi nhận là đã làm điều đúng đắn?”
Di sản mà Mandela để lại trong cuộc chiến nhằm bảo vệ trẻ em và những người sống chung với HIV/AIDS sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng bất tận cho Nam Phi và thế giới trong nhiều thế hệ tiếp theo.