Cuộc chiến chống “giặc lửa” và sự hy sinh oanh liệt của những chiến sỹ phòng cháy giữa thời bình

Sự kiện: 24h vạn dặm

Chiều 1-8, Hà Nội đón một tin dữ đau đớn đến tột cùng, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH (CATP Hà Nội) đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống “giặc lửa” tại 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Một vụ cháy lớn đã được khống chế hoàn toàn, 8 người may mắn được cứu thoát, nhưng 3 người lính đã mãi mãi ra đi. Các anh ngã xuống để lửa phải lụi tàn, để để tính mạng, tài sản của nhân dân được bảo đảm bình yên...

Truyền thống anh hùng

Trong mỗi chiến công của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát PCCC&CHCN nói riêng đều không tránh khỏi tổn thất, mất mát, hy sinh. Nhưng khác với thời chiến, sự hy sinh trong thời bình còn là nỗi đau đớn, xót xa lớn hơn rất nhiều lần.

Lịch sử của cuộc chiến đấu với “giặc lửa” trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc đã ghi nhận hàng trăm cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC dũng cảm lao vào hiểm nguy để cứu hàng, cứu tài sản của Nhà nước, cứu tính mạng của nhân dân. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC đã anh dũng hy sinh. Điển hình là chiến công của Phân đội PCCC Lộc Hà (Đông Anh, Hà Nội), Phân đội PCCC Sở Công an Hà Nội, Phân đội PCCC Đại La, Phân đội PCCC Gia Lâm. Họ đã phối hợp với các đội tự vệ, dân quân thị trấn, Quân khu Thủ đô, lực lượng PCCC các tỉnh lân cận Hà Nội, ngoan cường chiến đấu với “giặc lửa” suốt 1 ngày đêm (29-6-1966) để dập tắt vụ cháy lớn nhất trong lịch sử do máy bay Mỹ gây ra tại Tổng kho xăng Đức Giang (Hà Nội).

Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Đức Giang (Hà Nội) trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ

Cảnh sát PCCC chữa cháy kho xăng Đức Giang (Hà Nội) trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ

Họ vừa đào bới hầm sập cứu người bị nạn, vừa sơ tán các phuy xăng dầu và tài sản khác khỏi khu vực đám cháy. Cuối cùng, bằng sự mưu trí, dũng cảm, lực lượng PCCC ngày ấy đã cứu được kho xăng lớn với hơn 20 triệu lít xăng dầu. Trong cuộc chiến anh dũng, quả cảm đó nổi lên những tấm gương như Thiếu tá Trần Hảo Hiếu, Đại úy Lê Văn Nam, Đại úy Trần Ngọc Hồ, Thiếu úy Nguyễn văn Chạng, Nguyễn Văn Ro… nhưng cũng có 2 cán bộ ưu tú đã hy sinh anh dũng là Liệt sĩ Trần Ẩn và Liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ. Tinh thần bất khuất trong chiến đấu của các anh đã góp phần xây nên truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự của Tổ quốc vẫn không ngừng nghỉ. Cuộc chiến đấu với “giặc lửa” của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn tiếp diễn, quyết liệt, đầy khó khăn, phức tạp, hiểm nguy. “Trong phòng cháy chữa cháy các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm nhưng vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác. Phải thường xuyên sẵn sàng, nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân…” - Bác Hồ trong thư khen cán bộ, chiến sĩ Đội PCCC Công an Hà Nội ngày 30-8-1966 đã căn dặn như vậy.

“Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Phát huy truyền thống chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và noi gương những anh hùng chống “giặc lửa”, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thủ đô luôn tiếp bước ghi thêm nhiều chiến công mới giữa thời bình. Biết rằng phòng cháy tốt là yếu tố thành công, thành tựu lớn nhất của công tác phòng cháy chữa cháy, nhưng khi sự cố đã xảy ra thì chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả là cấp bách và quyết định thắng lợi của cuộc chiến. Việc bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, sự an toàn của khu dân cư là mục tiêu tối thượng.

Cuộc chiến đấu với “giặc lửa” luôn được tính bằng phút, bằng giây. Sự hy sinh của các anh là rất oanh liệt vì nhiệm vụ cao cả, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất cách mạng, hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân “Vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc và tính mạng của nhân dân”. Đó là mất mát đau đớn tột cùng đối với người thân, gia đình, đồng đội, để lại đằng sau mẹ già, con thơ với bao dự định, ước mơ giang dở. Nhưng sự hy sinh ấy cũng đem lại cho chúng ta cảm giác bình yên, hạnh phúc, đem lại lòng tin yêu của mỗi người dân Thủ đô đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng, lực lượng Công an nhân dân nói chung. Sự hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu dũng cảm giữa thời bình và sẽ luôn sống mãi trong trái tim người dân Thủ đô cũng như tỏa sáng trong lòng đồng chí, đồng đội.

Biết là có thể hy sinh, nhưng danh dự, trách nhiệm và ý nghĩa cao đẹp của nghề nghiệp đã thôi thúc các anh không lùi bước trước nguy hiểm, sẵn sàng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Chúng ta có quyền tự hào về chiến công, sự hy sinh cao cả của các anh ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Lịch sử Công an nhân dân ghi tên các anh trên mặt trận chống “giặc lửa” để bảo vệ nhân dân, bảo vệ an ninh trật tự. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sỹ - những người đồng chí, đồng đội thân yêu: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc. Xin chia sẻ nỗi buồn đau cùng gia đình, người thân, đồng chí, đồng đội của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - CATP Hà Nội.

Chúng tôi còn chưa kịp nói lời cảm ơn mà những người lính ấy đã ra đi…

Anh Nguyễn Trung Dũng nạn nhân trong vụ cháy tại số nhà 6A, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn

Anh Nguyễn Trung Dũng nạn nhân trong vụ cháy tại số nhà 6A, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn

Ngay trước khi xảy ra vụ cháy tại quán karaoke ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã kịp thời dập lửa và cứu thoát 2 nạn nhân mắc kẹt trong một đám cháy khác tại ngôi nhà số 6A, ngõ 92, phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy). Anh Nguyễn Trung Dũng - nạn nhân tại đám cháy này cho biết: “Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, vợ chồng tôi đang ngủ trên tầng. Nghe bên ngoài có tiếng ồn ào, tôi ngó xuống thấy rất đông người bên dưới đang chỉ lên nhà tôi. Vội vàng chạy ra cửa chính, tôi phát hiện khói lửa mù mịt nên gọi vợ dậy, nhưng vì lửa quá lớn, khói đậm đặc đến mức không thể nhìn thấy gì nên tôi không thể xuống được và đành phải quay lại đóng cửa để ngăn khói. Rất may, sau đó người dân phối hợp cùng công an phường và lực lượng PCCC đã bắc thang trèo lên mái tôn nhà bên cạnh đưa vợ chồng tôi xuống dưới”.

Chị Hoàng Thị Lợi, một người dân ở sát căn nhà số 6A, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Lúc vợ chồng anh Dũng bị mắc kẹt bên trong đám cháy, chúng tôi đã cố gắng tìm cách hỗ trợ và gọi cứu hỏa. Sau đó, Cảnh sát PCCC đến rất nhanh để dập lửa và giúp anh chị chủ nhà thoát ra an toàn”. Anh Dũng chia sẻ thêm, dù trong nhà anh có trang bị bình chữa cháy mini, nhưng khi xảy ra hỏa hoạn thì tinh thần hoảng loạn, chỉ nghĩ được làm sao không bị ngạt khói và thoát ra ngoài. Học hỏi kinh nghiệm từ những vụ cháy đã xảy ra, vợ chồng anh đã dùng khăn ẩm bịt mũi để tránh hít phải khí độc trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài. “Những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH vừa chữa cháy ở nhà tôi xong lại sang chữa cháy ở quán karaoke trên phố Quan Hoa. Trước hiểm nguy, các anh vẫn lao vào cứu người, cứu tài sản. Khi hay tin 3 chiến sĩ hy sinh trong lúc tìm kiếm người bị nạn của vụ cháy ấy, tôi thực sự bàng hoàng. Trước đó, họ vừa là ân nhân của gia đình tôi, vậy mà các đã anh ra đi, tôi còn chưa kịp gặp lại để nói lời cảm ơn. Thật xót xa…” - anh Dũng nói.

Nghẹn lòng những dòng chia tay viết cho chiến sỹ cứu hỏa hy sinh ở tuổi 19

“Vĩnh biệt con trai, con hãy ra đi thanh thản. Con đã hy sinh rất anh dũng và hết lòng vì đất nước. Mẹ rất tự hào về con”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Hà ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN