Cuộc chiến cân não về Ukraine: Putin đã thắng

Sự kiện: Vladimir Putin

"Cuộc chiến cân não" ở Minsk bàn về tương lai cuộc xung đột Ukraine kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình được đánh giá là rất có lợi cho Nga.

Ngày 12/2, lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp rời khỏi phòng họp kín ở thủ đô Minsk của Belarus sau suốt 16 giờ đàm phán căng thẳng về tương lai của cuộc xung đột đẫm máu hiện nay ở đông Ukraine, với việc ông Putin tuyên bố về một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết.

Bình luận về thỏa thuận hòa bình mới được ký sau “cuộc chiến cân não” kéo dài xuyên đêm ở Minsk, ông Putin mỉm cười: “Đó không phải là đêm đẹp nhất trong đời tôi, nhưng theo tôi, đây là một buổi sáng rất đẹp”.

Theo các chuyên gia phân tích, ông Putin có lý do để hài lòng sau cuộc chiến cân não trên: Biên giới giữa miền đông Ukraine với Nga vẫn được mở trong tương lai gần, và chính quyền Kiev buộc phải có những nhượng bộ đối với phe ly khai thân Nga ở miền đông, trong khi ông gần như không phải ký vào bất cứ cái gì.

Cuộc chiến cân não về Ukraine: Putin đã thắng - 1
Lãnh đạo 4 nước Nga, Pháp, Đức, Ukraine tham gia "cuộc chiến cân não" ở Minsk

Chiến thuật “cân não” tương tự đã được ông Putin áp dụng rất thành công trong cuộc đàm phán giá khí đốt với Ukraine hồi năm ngoái, khi Nga luôn tỏ ra cứng rắn và làm tiêu hao nhuệ khí của đối phương.

Trong cuộc đối đầu 4 bên tại Minsk vừa rồi, ông Putin hiểu rõ rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và cả người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đều rất kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra ở Brussels, Bỉ vào cuối ngày hôm đó. Trong khi trên chiến trường, phe ly khai đang thắng thế và đang vây chặt quân đội chính phủ Ukraine ở thị trấn Debatlseve.

Chính những yếu tố đó đã gây bất lợi đáng kể cho phương Tây và Ukraine trong cuộc chiến cân não này. Chính Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng phải thừa nhận: “Đó là cuộc đàm phán cực kỳ khó khăn. Thỏa thuận ngày hôm nay không phải là một giải pháp toàn diện và không hề mang tính đột phá”.

Cuộc chiến cân não về Ukraine: Putin đã thắng - 2
Ông Putin mỉm cười sau khi kết thúc hội đàm 4 bên ở Minsk

Còn Thủ tướng Đức Merkel cũng tỏ ra không mấy lạc quan: “Tôi không có bất cứ ảo tưởng nào. Vẫn còn rất, rất nhiều việc phải làm”.

Còn nhớ mới chỉ một tuần trước đây, bà Merkel bất ngờ tuyên bố rằng bà và Tổng thống Pháp Hollande sẽ gặp ông Putin trong một nỗ lực cuối cùng nhằm vãn hồi hòa bình cho Ukraine. Tiếp sau đó là 7 ngày ngoại giao con thoi không ngủ, khi bà Merkel liên tục qua lại giữa Kiev, Moscow, Washington, Ottawa, Minsk và Brussels.

Theo các chuyên gia, điều khiến bà Merkel phải dốc hết sức mình như vậy không phải do những diễn biến trên chiến trường, mà là do sức ép ngày càng lớn từ các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đòi nước này phải viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Bà Merkel tin rằng việc Mỹ đổ vũ khí vào Ukraine chỉ là hành động “đổ thêm dầu vào lửa” và có nguy cơ khiến cuộc xung đột vuột khỏi tầm kiểm soát.

Và tất cả những gì mà bà Merkel và ông Hollande cũng như Tổng thống Poroshenko đạt được trong cuộc đối đầu căng thẳng suốt 16 tiếng đồng hồ vừa qua gần như chỉ là một bản sao của thỏa thuận hòa bình được ký ở Minsk hồi tháng Chín năm ngoái, với những thời hạn thi hành cụ thể hơn.

Cuộc chiến cân não về Ukraine: Putin đã thắng - 3
Bà Merkel và ông Hollande đã không đạt được nhiều mong muốn trong thỏa thuận hòa bình Minsk

Điều khiến phương Tây thất vọng nhất sau “cuộc chiến” này là Ukraine vẫn không thể kiểm soát được hàng trăm km đường biên giới với Nga sau khi một cuộc bầu cử địa phương được tổ chức ở Donetsk và Luhansk, và một hiến pháp Ukraine mới được thông qua trước cuối năm 2015.

Nói cách khác, Nga vẫn là người quyết định sẽ cho ai và cái gì vượt qua biên giới vào Ukraine cho đến khi Moscow cảm thấy Kiev đã chịu khuất phục trước sức ép của họ. Và nếu như Tổng thống Poroshenko không thể vượt qua cuộc đấu đá chính trị trong nước để thi hành các điều khoản của thỏa thuận hòa bình Minsk, Kiev sẽ càng trở nên hỗn loạn hơn.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu thỏa thuận hòa bình 4 bên vừa đạt được này có kéo dài được lâu hay không. Việc 2 bên rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và ngừng bắn sẽ bắt đầu được thực hiện vào ngày 15/2 tới đây, và nhiều khả năng hai bên sẽ gắng hết sức để giành thêm lãnh thổ từ nay đến thời hạn đó.

Trong khi đó, chuyên gia Greg Scoblete thuộc tổ chức RealClearWorld lại cho rằng cơ quan giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk lại là Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), một cơ quan gần như không có đủ sức mạnh để thực thi nhiệm vụ của mình tại khu vực giao tranh.

Cuộc chiến cân não về Ukraine: Putin đã thắng - 4
Quân đội Ukraine vẫn không được kiểm soát đường biên giới giữa miền đông với Nga

Một “thắng lợi” nữa của ông Putin là thỏa thuận hòa bình Minsk được ký giữa các lãnh đạo phe ly khai thân Nga, đại sứ Nga ở Kiev, đặc phái viên OSCE và cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, còn ông Putin không phải đặt bút ký bất cứ cái gì, dù ông là một trong 4 lãnh đạo tham gia đàm phán.

Như vậy, ông Putin mới là người “thắng trận” trong cuộc đàm phán ký kết thỏa thuận hòa bình Minsk. Giờ đây, nếu như Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, họ sẽ bị coi như những kẻ gây chiến, không chỉ với Nga mà với nhiều người dân châu Âu nói chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Vladimir Putin Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN