Cuộc chạy trốn khỏi “lò vắt sức”: Gặp quý nhân và phút đoàn tụ
Trong quá trình trốn chạy gần như vô định của Giàng Mí Páo và người bạn, anh đã phải gặp không ít những kẻ có tâm địa rẻ rúm hòng “vắt sức” người lao động không phải trả tiền. Nhưng bằng trí thông minh của mình, Páo đã vượt qua tất cả để được đoàn tụ.
Vừa thoát khỏi "lò vắt sức", Páo và người bạn của mình không may rơi vào tay một "chùm lò gạch". Tuy không bị đánh đập như chỗ cũ, nhưng Páo và bạn luôn phải sống trong sợ hãi.
Dùng ảnh lừa chủ
Khi chót “dấn thân” vào lò gạch, người ta bắt những người làm thuê như Páo phải làm việc cật lực không được nghỉ ngơi. Chính điều đó cùng sự sợ hãi mà anh chứng kiến vào ban đêm, Páo bắt đầu nghĩ đến việc bỏ chạy.
Ngôi nhà Páo và gia đình đang ở
Ngày Páo nói ậm ẹ vài câu tiếng Trung về chuyện tiền nong với gã chủ, người đàn ông trợn mắt dùng bàn tay dơ lên ý bảo anh phải làm đến 2 tháng ở đó người ta mới tính cho tiền. Nhưng vì Páo quá hiểu chúng lại định lừa, anh mới lôi chiếc điện thoại nhặt được trong lúc ngủ đêm ngoài đường có hình một người đàn bà đang chửa ý bảo vợ anh ở quê sắp đẻ cần về gấp. Páo chọn thời điểm công nhân đang đông đủ nên gã chủ đành rút vài đồng lẻ cho Páo và bạn cầm.
Biết được mọi sự rồi sẽ chẳng về đâu nếu không đi nhanh, Páo đã vội vàng cùng người đồng hành bỏ trốn khỏi lò gạch và đi nhanh về hướng mặt trời lặn. Theo Páo, anh đi được khoảng 2km thì chiếc xe trở 4 kẻ tóc xanh tóc đỏ ở lò gạch lại vẫy anh bảo về làm tiếp, nhưng hai người lắc đầu. Páo rút chiếc dao sắc nhọn dọa chúng rồi cùng bạn bỏ trốn vào rừng.
Câu chuyện giữa đường nếu kể hết thì dài lê thê, Páo bảo kỉ niệm mà anh nhớ nhất có lẽ là lần gặp rắn hổ mang. Hôm đó 2 người đã quá mệt, lại không biết nói tiếng Trung nên đành ngửa tay đến từng nhà xin ăn, may mắn được người ta cho ăn cơm nguội thừa, đi được đoạn đường thì cả hai quyết định qua đêm ở một bụi cây ven đường. Giữa lúc quá khuya, con rắn hổ mang cỡ chừng 4-5 kg bỗng dưng bò qua người Páo và bạn đang nằm, sợ quá không biết con gì nên anh hét lên thì bạn Páo bịt mồm anh lại, một lúc sau con rắn mới bò đi.
Gặp quý nhân và đoàn tụ
Quá trình lưu lạc nơi xứ người đã giúp Páo hiểu ra nếu muốn về một cách công khai, không phải “trốn chui, trốn lủi” như hiện tại thì anh cần phải tìm giải pháp. Ban đầu hai người đến đồn công an thì đúng phải ngày nghỉ, đành lang bạt sống vạ vật thì lại gặp một người lái xe nói tìm người làm thuê, nhưng vì đói quá Páo lại đành phó mặc nghe theo. Người đàn ông Trung Quốc này đã giữ lời hứa, trước khi ra về tìm đến đồn công an anh ta đã đưa cho mỗi người 200 đồng để đi đường.
Ông Giàng Chứ Xá (bố Páo ) tâm sự cùng PV
Đối với Páo, sự bất đồng ngôn ngữ cũng là rào cản lớn khi anh tiếp xúc với những chiến sĩ công an Trung Quốc, cũng may Páo nhìn thấy tờ báo viết chữ “Việt Nam” anh mới chỉ cho họ biết để tìm người phiên dịch.
“Một lúc sau thì họ gọi một người phụ nữ tên Hoa, tự giới thiệu là trước đó dì ấy cũng từ huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) sang đó lấy chồng rồi làm ăn tại đó luôn”. Páo cho biết.
Páo gọi người phụ nữ ấy là dì Hoa, ban đâu cô đưa Páo và bạn về nhà tắm rửa, mua quần áo mới cho hai người rồi hôm sau mới bảo Páo đi làm thuê kiếm tiền về nhà. Công việc của Páo và bạn là đi chặt cây Tre rồi vác đi bán cho một xưởng thủ công mỹ nghệ, mỗi ngày Dì Hoa đưa cho Páo 70 đồng.
Trong cuộc tâm sự đẫm nước mắt giữa dì Hoa và Páo trong đêm trăng lộng gió, cô thừa hiểu nỗi lòng của người đi xa nhà như anh. Bởi thế mà sáng ngày hôm sau, dì Hoa đã gọi những người Việt Kiều sống gần đó góp tiền ủng hộ Páo và bạn lộ phí xe về nước theo đường cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).
Trò chuyện cùng người viết, ông Giàng Chứ Xá (SN 1940, bố Páo) cho biết, không chỉ con trai ông bị người ta lừa sang bên đó làm thuê mà bản thân ông cũng bị chính Vừ Và Lúa lừa sang làm ở gần khu vực biên giới. Bởi thế mà ông mới dễ bề chạy thoát mà không gặp phải nhiều trông gai như con ông.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ tịch UBND xã Phiêng Luông cho biết: “thực tế chính quyền đã rất tích cực vận động người dân đừng đi sang Trung Quốc làm thuê. Nhưng vì trình độ dân trí của họ còn kém nên gặp phải nhiều rào cản, phần cũng do bởi những người lừa họ sang đều là người thân nên lúc đi họ cũng không báo với chúng tôi. Trường hợp của Páo cũng thế, chỉ khi đi rồi hoặc về rồi thôn mới báo hoặc dân mới tự lên khai báo thì chúng tôi mới biết tin”.