Cung cấp tin "cán bộ gây lãng phí" sẽ được thưởng
Nếu phát hiện cán bộ, nhân viên trong cơ quan nhà nước gây lãng phí ngân sách và báo tin, sẽ được khen thưởng.
Theo Nghị định 84/2014/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành, đối tượng lãng phí bị xử lý là cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác cũng có thể bị xử lý về hành vi này.
Nghị định quy định, người lãng phí tùy mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối tượng lãng phí bị xử lý là cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách, vốn nhà nước... (Ảnh minh họa)
Tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, phạm vi ảnh hưởng của lĩnh vực, địa bàn hoạt động, thông tin về người có hành vi lãng phí và kết quả xử lý phải được công khai theo nhiều hình thức: Công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức; Đưa lên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, tổ chức; Thông báo trên các ấn phẩm báo chí của cơ quan, tổ chức hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.
Hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí phải được công khai chậm nhất sau 3 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý.
Theo Nghị định, người nào phát hiện và báo tin về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước gây lãng phí, sẽ được khen thưởng. Người báo tin có thể là tổ chức, cá nhân trong cơ quan nhà nước hoặc các cá nhân khác,...
Người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí được khen thưởng theo quy định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kinh phí khen thưởng có thể từ nhiều nguồn trong đó có kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và khắc phục kịp thời (nếu có).
Theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, người phát hiện lãng phí có quyền cung cấp thông tin cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi để xảy ra lãng phí, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp, cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán nhà nước để xem xét giải quyết hoặc cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để đưa tin theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của thông tin phát hiện.
Người báo tin về việc có người gây lãng phí cũng được giữ bí mật họ tên, địa chỉ và các thông tin cá nhân khác của mình.
Ngược lại, người báo tin phát hiện lãng phí cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực, chính xác và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin cung cấp.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2014.