Cục trưởng CSGT: “Người dân muốn biết CSGT làm gì, ở đâu, chỉ cần lên mạng”
Theo Cục trưởng CSGT Vũ Đỗ Anh Dũng, lực lượng CSGT sẽ công khai thông tin trên mạng giúp người dân dễ dàng biết được CSGT đang làm gì, ở đâu.
Cục CSGT kiểm tra xử lý ô tô khách vi phạm chở quá số người quy định trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ
Chiều ngày 3/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Cục CSGT đang tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch hoạt động, chuyên đề tuần tra... của các đơn vị trực thuộc để công khai trên website của Cục.
"Người dân muốn biết CSGT ngày mai làm gì, ở đâu; xử phạt lỗi nào và tên, cấp bậc cảnh sát xử lý... chỉ cần lên mạng là sẽ có đầy đủ thông tin, qua đó tự mình giải đáp được thắc mắc cảnh sát đi làm nhiệm vụ có đúng kế hoạch hay không", Trung tướng Dũng nói.
Theo Trung tướng Dũng, lực lượng CSGT sẽ tiến hành công khai những vấn đề không thuộc diện bí mật. Đồng thời, khi công khai kế hoạch thì người dân có quyền giám sát nhưng trên quy định của pháp luật và có văn hoá ứng xử với người thi hành công vụ.
Theo dự thảo này, Cục CSGT cũng sẽ công bố toàn bộ các điểm, tuyến đường, ngã tư có hệ thống camera giám sát, xử phạt nguội giúp người dân "cân nhắc có cần ghi hình người vi phạm để gửi cho cảnh sát hay không, vì đã có camera cố định".
Cũng theo trung tướng Dũng, Cục CSGT đang nghiên cứu quy định cách thức giám sát của người dân với lực lượng chức năng sao cho vừa đảm bảo an ninh, an toàn và phù hợp với văn hoá ứng xử.
Trung tướng Dũng thông tin thêm: “Việc người dân giám sát hoạt động của cảnh sát là rất tốt và pháp luật không cấm. Tuy nhiên, không phải anh cứ nói rằng có quyền giám sát là cầm máy quay dí vào mặt cảnh sát rồi thách thức, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, nội dung chuyên đề tuần tra”.
Trước đó ngày 28/6, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để lấy ý kiến đóng góp.
Cụ thể, lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất cảnh sát phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ. Cảnh sát cũng phải công khai tuyến đường, địa bàn, những phương tiện và lỗi sẽ bị kiểm soát, xử lý.
Còn theo quy định hiện hành có hiệu lực từ năm 2009, cảnh sát chỉ phải công khai tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cảnh sát phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ công an nhân dân); các trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính...
Đối với công tác đăng ký, cấp biển số xe, phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đăng ký, cấp biển số xe (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ Công an nhân dân).
Nhân dân được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ. Việc giám sát được thực hiện qua thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân...
Nhiều ngày qua, mạng xã hội xuất hiện một clip CSGT ở huyện Phù Yên tỉnh Sơn La có hành vi “xô ngã” người vi phạm trong...