Cục trưởng Chống tham nhũng nói về Hồ sơ Panama liên quan VN
Nếu thông tin có căn cứ, cơ quan chức năng sẽ báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo về việc nhiều địa chỉ và cá nhân Việt Nam có tên trong danh sách "Hồ sơ Panama".
Theo Cục trưởng Chống tham nhũng, nếu thông tin trong Hồ sơ Panama có căn cứ, sẽ báo cáo lên cấp có thẩm quyền
2h sáng nay (10/5, theo giờ Việt Nam), thông tin được Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố cho thấy có 214.000 công ty nước ngoài được thiết lập từ 21 quốc gia khác nhau có tên trong loạt danh sách liên quan đến Hồ sơ Panama. Cụ thể, có 189 tên cá nhân, 185 địa chỉ của Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.
Trao đổi với Báo Giao thông về việc xuất hiện nhiều địa chỉ Việt Nam và tên của những cá nhân người Việt liên quan đến Hồ sơ Panama, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, đây mới chỉ là thông tin một chiều, cũng không phải nguồn tin chính thống nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin, coi đó là một nguồn để tham khảo chứ chưa có chỉ đạo cụ thể gì.
Cũng theo ông Đạt, việc có tên trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.
“Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét báo cáo lên cấp trên. Nếu có căn cứ, T.Ư và Chính phủ có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế về phòng chống tham nhũng để xác minh, làm rõ” – ông Đạt cho hay.
Hồ sơ Panama là dự án điều tra được Hiệp hội các nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) và Dự án Tố cáo Tham nhũng, Tội phạm (OCCRP) cùng hơn 100 hãng truyền thông trên toàn thế giới, phối hợp điều tra hơn 1 năm.
Trang web của OCCRP cho biết: "OCCRP là chương trình phi lợi nhuận, với sự hợp tác của nhiều trung tâm điều tra phi lợi nhuận trong khu vực và các cơ quan truyền thông lợi nhuận độc lập trải dài từ Đông Âu tới Trung Á. OCCRP được hỗ trợ bởi Quỹ Dân chủ Mỹ (UNDEF), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quỹ Xã hội mở của Mỹ”.