Cục Kiểm lâm nói về vụ mang rắn đến bệnh viện cấp cứu

Sự kiện: Tin nóng

Cục Kiểm lâm hướng dẫn người dân cách phản ứng khi gặp rắn hổ mang chúa và động vật hoang dã để không vi phạm pháp luật.

Liên quan đến trường hợp anh PVT (Tây Ninh) người bị rắn cắn và đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PLO có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Phải giám định mới biết được rắn gì

. PV: Thưa ông, loài rắn cắn anh T. có phải là rắn hổ mang chúa?

+ Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Để xác định được đây là loài rắn gì thì phải qua quan sát trực tiếp hình thái bên ngoài của mẫu vật rắn này và đối chiếu với các tài liệu định danh về các loài bò sát, hoặc bằng phương pháp trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền mới có thể xác định được tên loài.

Đến nay, Cục Kiểm lâm chưa nhận được báo cáo của các cơ quan chuyên môn hoặc cơ quan quản lý của địa phương nơi xảy ra vụ việc. Qua hình ảnh đăng trên báo chí, Cục Kiểm lâm không có cơ sở để xác định tên loài của cá thể rắn nêu trên.

.Thưa ông, nếu là rắn hổ mang chúa thì hành vi săn bắt có vi phạm pháp luật hay không? Việc vi phạm này sẽ bị xử lý ra sao?

+ Theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), rắn hổ mang chúa (rắn hổ chúa), tên khoa học: Ophiophagus hannah, thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Đây cũng là loài thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và thuộc Phụ lục I Công ước CITES. Các loài thuộc danh mục trên được pháp luật bảo vệ, nghiêm cấm khai thác, buôn bán, sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại.

Theo đó, các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép rắn hổ mang chúa (thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 BLHS 2015. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1-5 năm, nếu vi phạm với số lượng từ 8 cá thể rắn hổ mang chúa trở lên có thể bị phạt từ đến 15 năm.

Anh PVT (Tây Ninh) người bị rắn cắn và đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hoàng Lan

Anh PVT (Tây Ninh) người bị rắn cắn và đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Hoàng Lan

Phải hạn chế gây tổn thương đến động vật

.Thưa ông, khi trông thấy rắn người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn cho mình mà không bị vi phạm pháp luật?

+ Theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc UBND cấp xã nơi gần nhất.

Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người, nếu đã áp dụng các biện pháp xua đuổi không có hiệu quả thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.

Sau khi bẫy, bắt, phải bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản. Nếu động vật còn sống xử lý theo thứ tự ưu tiên: Thả lại môi trường tự nhiên, hoặc chuyển giao cho các cơ sở cứu hộ, vườn động vật…

.Trong thời gian gần đây, ngành Kiểm lâm có tiến hành xử phạt hành chính, hay xử lý hình sự liên quan đến việc săn bắt động vật hoang dã?

+ Theo thống kê từ các địa phương, từ ngày 1-1- 2018 đến ngày 31-5-2019, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý 560 vụ vi phạm về động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm các loại. Trong đó: Xử lý hình sự 41 vụ với 38 bị can; đã xét xử 27 vụ với 27 bị cáo; xử lý hành chính 519 vụ vi phạm.

Đặc biệt trong thời gian qua, Cục Kiểm lâm đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp tại TP.HCM có hoạt động nuôi nhốt trái phép 86 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có loài rắn hổ mang chúa.

Ngoài ra, Cục Kiểm lâm còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra hoạt động kinh doanh, chế biến động vật hoang dã tại Chợ nông sản Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Qua đó đã phát hiện 8 cá thể nguy cấp, quý, hiếm và 30kg rắn các loại (nhóm thông thường) không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp. Sau khi kiểm tra, các vụ việc trên đã được bàn giao cho cơ quan chức năng địa phương xử lý theo thẩm quyền. Hiện các vụ việc trên đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự và đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

.Cục Kiểm lâm có gặp khó khăn trong việc tiến hành xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã?

+ Hiện nay, hệ thống pháp luật về quản lý động vật hoang dã nói chung khá đầy đủ, phù hợp với các Hiệp ước quốc tế. Các chế tài xử lý vi phạm, tội phạm liên quan đến động vật hoang dã cũng như quy định về xử lý tang vật, vật chứng là động vật hoang dã được quy định khá đầy đủ, cụ thể.

Như đã thông tin, sáng 19-8, anh T. bắt con rắn hổ mang chúa dài hơn 2,5 m, nặng 4,6 kg và bị cắn vào đùi phải. Anh ôm con rắn đang quấn vào tay và được đưa đến BV Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Do tình trạng nguy kịch nên sau đó được chuyển đến BV Chợ Rẫy (TP.HCM).

Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 15 lọ huyết thanh kháng nọc rắn. Bệnh nhân sau đó đã mở mắt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ.

Sau đó, tình trạng anh T. chuyển biến xấu. Anh T. bị suy đa cơ quan, viêm cơ tim nên được chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu.

Nọc độc rắn hổ mang chúa 4,6kg ở núi Bà Đen và ”cuộc lội ngược dòng” của nạn nhân

Sức khỏe người đàn ông bắt rắn hổ mang chúa đã khá hơn nhưng vẫn thở máy, hiện vết thương đã giảm sưng, hoại tử...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Nga ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN