Cục Hàng không kết luận vụ Jetstar bị tố “bỏ rơi” hành khách khuyết tật
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về vụ việc hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) bị tố từ chối vận chuyển hành khách là người khuyết tật.
Cụ thể, ngày 3.5 hành khách Trần Thị Ngọc cùng con trai Cao Quang Sơn (Sn 1996, bị yếu cơ bẩm sinh, không tự đi lại được) thực hiện hành trình TPHCM - Vinh. Theo lịch, chuyến bay khởi hành lúc 6 giờ 30 phút ngày 3.5.
Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, JPA cho biết chị Trần Thị Ngọc cùng con trai vào quầy làm thủ tục lúc 5 giờ 9 phút 50 giây (nghĩa là sau thời điểm đóng quầy 5 phút - theo quy định của Bộ GTVT thời gian đóng quầy đối với chuyến bay nội địa là 40 phút trước giờ khởi hành dự kiến).
Các sân bay tại Việt Nam hiện đang rất thiếu xe, thiết bị nâng phục vụ người khuyết tật (ảnh IT)
Nhân viên làm thủ tục hàng không Đinh Thị Minh đã làm thủ tục cho hành khách lúc 5 giờ 12 phút. Sau đó, nhân viên Đinh Thị Minh mới phát hiện hành khách Cao Quang Sơn không thể tự đi lại được và có yêu cầu được hỗ trợ dịch vụ đưa lên tàu bay.
Nhân viên Đinh Thị Minh đã báo cáo ca trưởng để xử lý. Ca trưởng đánh giá khó đảm bảo an toàn cho hành khách và đảm bảo đúng thời gian khai thác của chuyến bay nên thông báo cho hành khách về việc từ chối vận chuyển. Đồng thời, hướng dẫn khách làm việc với Phòng vé giờ chót để giải quyết, tư vấn cho hành khách lựa chọn phương án thay thế.
JPA cũng cho hay, cũng đã cân nhắc việc tại sân bay Vinh là nơi đến không có phương tiện hỗ trợ để khách xuống tàu bay và việc hỗ trợ bằng hình thức bế hoặc cõng lên, xuống tàu bay không bảo đảm an toàn cho hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá vì hành khách đến muộn 5 phút sau giờ đóng quầy nên JPA không kịp đặt dịch vụ xe nâng để hỗ trợ hành khách. Bên cạnh đó, trên cơ sở cân nhắc việc tại sân bay Vinh là nơi đến không có phương tiện hỗ trợ khách xuống tàu bay và việc hỗ trợ bằng hình thức bế hoặc cõng lên, xuống tàu bay không bảo đảm an toàn cho hành khách.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng JPA không từ chối vận chuyển hành khách là người khuyết tật. Việc không vận chuyển được hành khách là người khuyết tật trong trường hợp này nhằm đảm bảo chuyến bay đúng giờ, đảm bảo quyền lợi của tất cả hành khách trên chuyến bay. Đồng thời, đảm bảo an ninh an toàn cho chuyến bay và cho chính hành khách.
Sau khi xảy ra sự việc, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu JPA khẩn trương hỗ trợ chi phí đi lại bằng ô tô từ sân bay về Hà Tĩnh cho hành khách, đồng thời hoàn trả toàn bộ kinh phí vé máy bay hành khách chưa sử dụng.
Để giải quyết tình trạng thiếu xe nâng, Cục Hàng không sẽ ban hành Tiêu chuẩn cơ sở đối với xe, thiết bị nâng phục vụ hành khách là người khuyết tật tại Cảng hàng không, sân bay để nội địa hóa việc sản xuất phương tiện này. Tổng Công ty Cảng hàng không sẽ có trách nhiệm trang bị cho tất cả các cảng hàng không trong cả nước theo tiêu chuẩn xe, thiết bị nâng đã được ban hành.
Hiện giá thành của xe, thiết bị nâng phục vụ hành khách là người khuyết tật khoảng 3 tỉ đồng/xe nên việc triển khai đồng bộ tại các cảng hàng không là rất khó khăn.