Cục CSGT lý giải việc tách Luật Giao thông đường bộ

Sự kiện: Thời sự

Cục CSGT cho rằng việc đảm nhận công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe vì muốn hình thành ý thức tham gia giao thông của người dân.

Ngày 25-1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cho biết cuộc họp này là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc lấy ý kiến rộng rãi đối với chủ trương tách Luật GTĐB thành hai dự luật và chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Lấy phiếu thăm dò đối tượng bị tác động

Với yêu cầu trên, ông Huyện cho biết sau khi các Sở GTVT, chuyên gia… nêu ý kiến sẽ có thêm phần lấy phiếu thăm dò đối tượng bị tác động, về việc chuyển cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sang Bộ Công an. Mục đích để Chính phủ có thêm kênh xem xét quyết định.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, lý do tách luật này vì Luật GTĐB hiện hành còn hạn chế. Vì vậy, Luật Bảo đảm TTATGTĐB ra đời xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố như người, phương tiện và quy tắc giao thông; giải quyết các bất cập thực tế về an toàn giao thông (ATGT), an ninh trật tự trên đường.

Còn dự luật GTĐB có mục tiêu cơ bản là phát triển được hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ trong thời kỳ mới. “Hiện Chính phủ đã thống nhất cao việc tách luật, chỉ nói chúng ta củng cố lập luận để trình ra Quốc hội. Mục tiêu chung khi luật ra đời tác động đến từng người tham gia giao thông, duy trì thói quen đi lại…” - ông Bình lý giải.

Về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ông Bình cho rằng mục tiêu quản lý lĩnh vực này nhằm giúp người tham gia giao thông đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông. Đặc biệt, dù quy định ở luật nào công tác này đều hướng đến xã hội hóa mạnh mẽ từ cơ sở đào tạo cho đến giáo viên, thậm chí là tư nhân hóa để Nhà nước không phải đầu tư. Tuy nhiên, Nhà nước có vai trò quản lý để xác nhận lại kết quả đào tạo.

“Cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ quản lý quá trình chấp hành giao thông của người được cấp bằng. Tức là chúng tôi có vai trò quản lý con người, bảo vệ con người… Hiện nay, chúng tôi cũng làm nhiệm vụ này nhưng không được quản lý gốc là công tác đào tạo nhưng lại phải chịu trách nhiệm chính về TTATGT…” - ông Bình phân tích.

Trong dự luật Bảo đảm TTATGTĐB, ông Bình cho biết không còn quy định giao việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an như dự luật trình ra Quốc hội khóa XIV. Thay vào đó, dự luật lần này quy định giao cho Chính phủ phân công bộ nào quản lý lĩnh vực này theo Luật Tổ chức Chính phủ.

Học viên làm thủ tục sát hạch lái xe ô tô ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Học viên làm thủ tục sát hạch lái xe ô tô ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

CSGT chỉ cần xử phạt nghiêm minh

Nêu quan điểm về việc tách luật, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng không nên tách Luật GTĐB, bởi nếu tách luật sẽ rời rạc, khô cứng và vô nghĩa. Ông cho rằng ATGT ngoài yếu tố cần như hạ tầng thì điều kiện đủ là pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm minh, kịp thời.

“Cũng là người Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài họ chấp hành quy tắc giao thông chứ không phải không có hiểu biết. Nhưng ở Việt Nam lại không chấp hành, đi ngang đi tắt. Nguyên nhân là chúng ta xử phạt không nghiêm, mà muốn xử lý nghiêm phải ứng dụng công nghệ, xử phạt nguội, sửa quy trình xử phạt. Nếu chúng ta chỉ tách luật thì rối rắm hơn…” - ông Quyền nêu quan điểm.

Về việc chuyển đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, ông Quyền cho rằng sau hơn 20 năm Bộ GTVT quản lý lĩnh vực này đã có bước tiến rất dài, thể hiện ở chỗ nội dung chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận các nước tiên tiến; cấp, đổi GPLX thuận tiện, đơn giản. Đặc biệt thể hiện mục tiêu nhất quán đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ trong đào tạo đảm bảo công khai, minh bạch.

“Chúng tôi từng đi tham quan một số nước có hệ thống đào tạo tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc thì thấy có nhiều quy trình Việt Nam còn minh bạch hơn. Chẳng hạn như tất cả quy trình đào tạo, sát hạch đều được ghi hình để giám sát… Hiện nay Việt Nam cũng hội nhập quốc tế về bằng lái xe, hầu hết các nước công nhận bằng lái xe của Việt Nam. Đặc biệt chúng ta tiên phong dịch vụ công cấp độ 3, độ 4 về cấp bằng lái xe. Trước đây, người ở Hà Nội vào TP.HCM công tác khi hết hạn bằng lái xe lại phải quay ra Hà Nội cấp đổi nhưng bây giờ thì cấp tại TP.HCM, không ai kêu ca gì…” - ông Quyền dẫn chứng.

Kết luận, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cho rằng vấn đề này được đề cập nhiều nên sẽ lấy ý kiến Sở GTVT 63 tỉnh, thành và 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe trong chiều 25-1. “Chúng tôi mong kết quả này sẽ phản ánh một cách khách quan nhất để trình lên bộ trưởng Bộ GTVT nhằm báo cáo Chính phủ làm căn cứ xem xét quyết định” - bà Hiền cho hay.

Cục CSGT đề nghị cân nhắc lấy phiếu thăm dò

Liên quan đến nội dung lấy phiếu thăm dò đối tượng bị tác động, về việc chuyển cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sang Bộ Công an, ông Bình cho rằng vấn đề này chưa có sự thống nhất giữa hai bộ trưởng nên cần tính toán, không gây áp lực.

“Thiết chế liên quan đến đào tạo, sát hạch và cấp GPLX hiện đang ở Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà chúng ta lại lấy phiếu như kiểu phiếu bổ nhiệm cán bộ thì chúng tôi thấy không hợp lý. Chúng tôi chẳng có lợi ích gì ở đây trong lĩnh vực này, vì chúng tôi nhận nhiệm vụ này đúng chức năng và chịu trách nhiệm về ATGT. Bây giờ Nhà nước nói Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính về ATGT thì chúng tôi không có ý kiến…” - ông Bình nói.

Trả lời vấn đề này, ông Huyện cho rằng việc lấy phiếu này là thăm dò theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ GTVT. “Việc chuyển về cơ quan mới sẽ ảnh hưởng đến các trung tâm đào tạo lái xe, đây là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp nên không có vấn đề gì bởi thẩm quyền quyết định là Chính phủ nhưng phải đảm bảo dân chủ, công khai…” - ông Huyện nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ sẽ cho ý kiến việc tách Luật Giao thông đường bộ

Qua lấy ý kiến các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành thuộc Chính phủ cho thấy còn nhiều ý kiến khác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Long ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN