Cục ATTP lên tiếng về đũa dùng một lần nhiễm độc
Trước thông tin đũa dùng một lần của Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan có chứa chất độc hại, Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị cung cấp thông tin để kiểm tra xác minh.
Mới đây, trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Đài Loan) có thông báo kết quả hoạt động lấy mẫu và kiểm nghiệm đối với sản phẩm đũa dùng một lần năm 2015 tại Đài Loan. Các chỉ tiêu được lựa chọn để kiểm tra là hàm lượng dioxide, biphenyl và hydrogen dioxide.
Theo đó, tất cả 250 mẫu đũa dùng một lần được kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn về hàm lượng dioxide. Tuy nhiên, có 1 mẫu phát hiện có chứa biphenyl (0.22ppm) và 3 mẫu khác có chứa chất hydrogen peroxide và tất cả đều có nguồn gốc từ Việt Nam. Thậm chí, có chuyên gia cho rằng những chất này có thể phá hủy dạ dày, phổi, tụy,…
Đũa ăn dùng một lần được phát hiện có chứa chất biphenyl và hydrogen peroxide (Ảnh minh họa)
Trước thông tin đó, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đây mới là thông tin một phía từ trang web của Đài Loan, thông tin chưa chính thức nên chưa thể kết luận.
Ngày 8/1, Cục ATTP đã liên hệ với Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin chi tiết của các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn trên để kiểm tra, giám sát tiếp và xử lý nếu có vi phạm.
Ông Phong cho biết: "Có thông tin phản hồi của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, Cục sẽ tiến hành kiểm tra xác minh và xử lý ngay”.
Trước vấn đề đang được dư luận quan tâm, GS.TS Nguyễn Hải Nam – Trưởng bộ môn Hóa dược (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho rằng, người dân không nên hoang mang về thông tin trên. Trong 2 chất mà Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Đài Loan thông báo, chất hydrogen peroxide có tên thường gọi là nước oxi già, một thuốc sát trùng được dùng phổ biến hiện nay. Có thể chất này được doanh nghiệp sử dụng để tẩy trắng đũa và tiệt trùng. Trong quá trình sấy khô có thể chưa loại hết nên còn tồn dư một lượng nhỏ trong lõi của đũa. Mặc dù vậy lượng tồn dư nếu còn cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chất biphenyl thường dùng trong ngành công nghiệp giấy, tạo độ mềm dẻo và truyền dẫn nhiệt. Biphenyl có mùi thơm dễ chịu, có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm nhẹ. Theo nghiên cứu của tổ chức y tế thế giới (WHO), nguy cơ biphenyl gây ra ngộ độc cấp là rất thấp. Nếu tiếp xúc liên tục kéo dài chất này có thể gây ảnh hưởng đến đến chức năng gan và hệ thần kinh gây mệt mỏi, mất ngủ…
GS.TS Nguyễn Hải Nam khuyến cáo, doanh nghiệp không nên sử dụng biphenyl làm chất tạo mùi thơm và bảo quản chống nấm mốc với đũa. Nên chuyển sang dùng tinh dầu quế vừa có mùi thơm dễ chịu, có tác dụng kháng khuẩn và không ảnh hưởng đến sức khỏe.