“Của quý” trong lễ hội táo bạo nhất Việt Nam năm nay ra sao?

Người tham gia phục dựng lễ hội tiết lộ hình dáng của tàng thinh – linh vật sinh thực khí trong lễ hội “phồn thực” táo bạo nhất Việt Nam.

“Của quý” trong lễ hội táo bạo nhất Việt Nam năm nay ra sao? - 1

Hình ảnh tàng thinh gây tranh cãi trong lễ hội Ná Nhèm năm 2016 (ảnh: Triệu Quang) 

Được phục dựng vài năm gần đây, lễ hội Ná Nhèm (ngày 15 tháng Giêng, xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người với lễ rước tàng thinh mặt nguyệt – sinh thực khí nam nữ.

Đặc biệt, trong lễ hội Ná Nhèm 2016, sự xuất hiện của hình ảnh tàng thinh - sinh thực khí nam màu hồng, chiều dài khoảng 1m, nặng 80 kg đã gây ra các ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh này rất giống với sinh thực khí ở các lễ hội bên Nhật Bản.

Khác với lễ hội phồn thực khác, tàng thinh mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm là vật cúng tế, cuối ngày được đem ra đốt. Vì vậy, mỗi năm tàng thinh mặt nguyệt có thể sẽ thay đổi tạo hình.

Sáng 10.2, trao đổi với PV,  Ths Bàn Tuấn Năng, Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, người phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, phần lễ và hội năm nay cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, hình dáng của tàng thinh, mặt nguyệt sẽ có chỉnh sửa.

“Tàng thinh, mặt nguyệt năm nay hiện đang được đặt ở đình làng Mỏ, phủ kín vải đỏ. Sau khi làm lễ xong, dân làng mới rước đến miếu Xa Vùn. Hình dáng tàng thing, mặt nguyệt vẫn đang được giữ kín, rất ít người được tiếp cận. Nhưng chắc chắn tàng thing sẽ không được sơn màu hồng như năm ngoái”, ông Năng nói.

Theo ông Năng, việc hình dáng của tàng thinh năm ngoái được cho là giống với lễ hội rước “của quý” của Nhật Bản do góc nhìn, liên tưởng của báo chí. Ông và các cụ bô lão trong làng phục dựng lại và không tham khảo linh vật của Nhật Bản.

“Nhiều người chỉ nhìn thấy hiện tượng chứ không thấy bản chất. Tàng thinh mặt nguyệt là đồ cúng tiến để làm lễ, không phải đồ chơi. Năm nay, tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu làm khác đi nhưng người dân vẫn cương quyết giữ. Không làm đúng theo ý dân làng, họ sẽ không rước”, ông Năng nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa cho hay, lễ hội được phục dựng từ năm 2012, mẫu tàng thinh cũng được thay đổi chỉnh sửa dần. Tàng thinh 50 năm trở về trước hình que bằng cổ chân, mặt nguyệt làm từ cạp thúng, có lúc từ cái mâm.

“Khi phục dựng, các bộ lão trong làng cũng đã bàn thảo kỹ lưỡng. Các cụ thống nhất rằng ngày xưa lễ hội ít người tham dự, nay có cả vạn người, lễ vật bé không ai nhìn thấy”, ông Năng cho hay.

Theo người tham gia phục dựng lễ hội Ná Nhèm, đây không phải lễ hội dân gian thông thường mà lễ hội đặc biệt của hai dòng họ vốn gốc họ Mạc. Bắt nguồn từ lịch sử, khi triều Mạc thất thủ, dòng họ Mạc phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của vua Lê, chúa Trịnh.

Họ Hoàng và họ Bế (gốc họ Mạc) rước sinh thực khí nam nữ đi cung tiến cho đức Vua của chính mình. Con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ lớn mạnh.

Trước đó, tháng 11.2016, UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Ná Nhèm” có 27 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín. Hội thảo đã chứng minh khoa học về sự tồn tại của lễ hội Ná Nhèm cách đây 50 trước, bao gồm nhiều nghi lễ độc đáo trong đó có màn rước tàng thinh mặt nguyệt.

Theo Ban tổ chức, lễ hội Ná Nhèm 2016 thu hút 2 vạn du khách. Năm 2017 tới, dự kiến lượng khách sẽ đông khoảng gấp năm lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Lễ hội phồn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN