Cửa ô Hà Nội hơn 100 năm trước
Hà Nội từng có 21 cửa ô nhưng đến năm 1866, trên bản đồ chỉ còn 15 cái tên.
Ô Cầu Dền cuối thế kỷ 19, hiện là khu vực ngã tư phố Bạch Mai - Đại Cồ Việt - Phố Huế.
Ảnh tư liệu thuộc chủ đề Cửa ô xưa, được giới thiệu tại triển lãm Hà Nội và những cửa ô. Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long tổ chức, từ ngày 7 đến 30/10 ở số 19C Hoàng Diệu, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Hình ảnh Ô Cựu Lâu (Tây Luông) năm 1873 trong cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888 của André Masson, nay là vị trí Nhà hát Lớn.
Tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết dưới triều Nguyễn, Thăng Long - Hà Nội nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch không gian. Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn đầu thế 20, Hà Nội có 21 cửa ô. Khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống là Bắc Thành thuộc tỉnh Hà Nội, số cửa ô còn 16. Ở bản đồ Tỉnh thành Hà Nội được vẽ vào đời vua Tự Đức (1866) chỉ còn 15 cửa ô.
Ô Quan Chưởng (tên chữ Hán là Đông Hà Môn) đầu thế kỷ 20.
Cửa ô nằm trên con phố cùng tên, gần cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ thời Nguyễn, theo lối tam quan. Trên cổng có vọng lâu để quan sát, canh gác an ninh cho khu phố bên trong.
Buổi chợ nhỏ trước cổng Ô Quan Chưởng.
Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn sót lại sau khi chính quyền Pháp cho phá bỏ các công trình cũ quanh thành Hà Nội để mở rộng phố phường.
Ô Quan Chưởng sau khi được trùng tu theo quyết định của Hội đồng TP Hà Nội, ngày 13/10/1902.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho biết triển lãm gợi lại cho người xem những ký ức về Thăng Long - Hà Nội.
Ông nhận định các nội dung trưng bày có chọn lọc, giới thiệu nhiều tư liệu quý về thành phố trong bề dày lịch sử. Trong hình là tờ trát (giấy truyền lệnh) của Nha huyện Thọ Xương ngày 5/12 năm Tự Đức 9 (1856) về việc thôn An Ninh cắt cử dân phu canh gác Cửa Ô An Tĩnh.
Thư của Phòng Quản lý đường bộ Hà Nội gửi Đốc lý thành phố đề nghị phá cửa Sơn Tây (Cửa Ô Cầu Giấy) vì có nguy cơ bị đổ, gây nguy hiểm cho người dân, ngày 12/1/1893.
Thuyết minh bản đồ Hà Nội năm 1873. Ở phần đầu cột bên trái, những cửa ô được đánh số từ một đến 15, thể hiện bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp.
Chủ đề kế tiếp của triển lãm là Cửa ô chiến thắng, giới thiệu những tài liệu lịch sử như sự kiện các chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô năm 1954, lễ chào cờ chiến thắng ở sân vận động Cột Cờ cùng năm. Hình ảnh ghi lại một đơn vị Trung đoàn Thủ đô với cờ Quyết chiến Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/10/1954.
Nội dung cuối cùng tại sự kiện có tên Cửa ô Hà Nội hôm nay, khái quát quá trình phát triển của thành phố xuyên suốt 70 năm từ ngày giải phóng. Bên cạnh đó điểm lại các dấu mốc quan trọng của Hà Nội như được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" (1999), là thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo (2019).
Nguồn: [Link nguồn]
Sau 70 năm giải phóng, Hà Nội xây dựng được sân bay Nội Bài, hai tuyến đường sắt đô thị, nhiều tuyến vành đai, trục hướng tâm và cao tốc kết nối với...