Cử tri phản ánh giá nhiều mặt hàng tăng cao và tăng nhiều lần, Bộ Tài chính nói gì?
Cử tri tỉnh Thái Bình lo lắng trước tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thái Bình và 10 tỉnh, thành gửi đến sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình tăng
Cử tri tỉnh Thái Bình rất băn khoăn, lo lắng trước tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là khu vực nông thôn như phân bón thuốc bảo vệ thực vật, điện, xăng dầu, giá vàng, giá đất ở tăng cao, tăng nhiều lần và tăng đột biến. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cử tri đề nghị có biện pháp quyết liệt, hiệu quả ổn định giá các mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.
Cử tri 10 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, An Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đăk Nông kiến nghị: Việc tăng 30% lương cơ sở từ ngày 1-7 góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động.
Tuy nhiên, kéo theo sự biến động tăng cao của giá thị trường. Đặc biệt là mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình tăng sẽ rất khó khăn với người lao động phổ thông có thu nhập thấp, người không thuộc diện tăng lương sẽ gánh thêm một phần chi phí không nhỏ.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hoá. Cân đối giữa thu nhập người lao động và nhu cầu thiết yếu thực tế để việc tăng lương đảm bảo mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức người lao động.
Bộ Tài chính cho biết, giá một số mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; giá xăng dầu; giá vàng; giá đất ở nói chung được hình thành theo cơ chế thị trường.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá vàng, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận tải quốc tế gia tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả thị trường trong nước. Trước bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá theo hướng bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát.… góp phần ổn định mặt bằng giá.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) người dân như gia hạn, miễn giảm các loại thuế thu nhập DN, thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Người dân nhiều tỉnh thành kiến nghị bình ổn giá cả hàng hóa sau khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng. Ảnh: TÚ UYÊN
Đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân từ 4%-4,5%
Nhằm đẩy mạnh quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đặc biệt sau thời điểm tăng lương, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 61.
Việc tăng lương cơ sở tác động đến CPI cũng nằm trong kịch bản điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Theo Bộ Tài chính, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm sẽ tập trung một số nhiệm vụ.
Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường các mặt hàng vẫn có biến động tăng để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt kịp thời.
Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các cơ quan có thẩm quyền đề xuất, phê duyệt.
Từ đó, cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4%-4,5%.
Đối với giá vàng, giá nhà chung cư, theo chức năng quản lý nhà nước được Chính phủ phân công và theo Luật Giá, các bộ ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định. Bộ Tài chính luôn phối hợp tổng hợp, đề xuất các giải pháp quản lý điều hành giá. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Tài chính kỳ vọng với những giải pháp chủ động từ Chính phủ và các cơ quan quản lý thì việc thực hiện cải cách tiền lương tới đây sẽ không kéo theo tăng giá.