Cụ ông miền Tây sưu tầm, lưu giữ hàng nghìn tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Với ông Trần Văn Dụy việc sưu tầm này không chỉ thể hiện lòng kính trọng, còn gìn giữ cho thế hệ sau những giá trị to lớn mà cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho dân tộc, đất nước…
Cuộc gặp gỡ đặc biệt
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), PV Tiền Phong tìm đến nhà cựu chiến binh ra-đa Trần Văn Dụy (ngụ phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) – người trắc thủ ra-đa hai lần gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù 81 tuổi, ông vẫn rất minh mẫn.
Trong lần gặp đầu tiên, chúng tôi bị cuốn vào những câu chuyện ông Dụy kể lại khi ông cùng Đại đội ra-đa 18 của mình gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt nhất là kho tư liệu hàng chục nghìn trang viết, bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông sưu tầm và cất giữ.
Ông Trần Văn Dụy và các trang tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Dụy nhớ lại, năm 1962, khi còn là học sinh Trường THCS Đô Lương (Nghệ An), ông đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những thông tin, bài viết trên báo, đài. Từ đó, ông xem tướng Giáp như một hình mẫu, một tấm gương để phấn đấu, học tập noi theo.
Sau đó, ông Dụy quyết định “xếp bút nghiên”, gác lại việc học hành, tình nguyện gia nhập quân đội. Ông trải qua sáu đơn vị, một trung đoàn. Nhưng thời gian ở Đại đội ra-đa Phòng không 18 Ba Bể, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân là dài nhất (từ 1968 – 1975).
“Đến bây giờ tôi không sao quên được ngày mà anh em chúng tôi được gặp mặt Tướng Giáp lần đầu tiên. Ngày 1/10/1964, Đại đội ra-đa phòng không 18 Ba Bể của chúng tôi được điều lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và nói chuyện với anh em chúng tôi rất thân tình, giản dị như người anh cả trong nhà”, ông Dụy hồi tưởng.
Ông Dụy sưu tầm hàng nghìn tư liệu sách, báo và hình ảnh về tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau lần gặp gỡ đó, người lính trẻ Trần Văn Dụy như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất người lính cụ Hồ. Qua 2 năm công tác, ông Dụy được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được thăng hàm trung úy, giữ chức Đại đội trưởng. Và trung úy Dụy cùng anh em trong Đại đội ra-đa vinh dự được gặp mặt và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần thứ hai.
“Chiều 19/7/1965, máy bay địch tấn công bất ngờ vào vị trí đóng quân của Đại đội ra-đa, làm nhiều chiến sĩ thương vong, còn tôi bị thương ở chân. Sau trận bị tập kích, ngày 24/7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tranh thủ đến đơn vị ân cần thăm hỏi, động viên anh em. Đại tướng còn chỉ đạo mau chóng khắc phục trận địa, nén đau thương, đoàn kết thành sức mạnh tiếp tục sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó, anh em chiến sĩ càng thêm vững tin, không chỉ không nao núng, còn tăng thêm tinh thần chiến đấu đến ngày toàn thắng”, người cựu chiến binh lật lại ký ức một thời hào hùng.
Kho tư liệu, album, sách, ảnh về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của ông Dụy cả chục nghìn trang.
Qua hai lần được gặp mặt “người anh cả quân đội”, ông Dụy cảm thấy chưa đủ để hiểu về vị tướng tài ba này. Với sự ngưỡng mộ, đã thôi thúc ông góp nhặt, sưu tầm mọi tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù ở bất cứ nơi đâu, ở vị trí công tác nào.
Sở hữu kho tư liệu quý
Trên gác nhỏ của căn nhà do đồng đội xây tặng, xung quanh đâu đâu cũng là tư liệu, album, sách, ảnh về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Kho tư liệu của ông Dụy lên đến cả chục nghìn trang.
Dù tuổi đã cao, nhưng khi nói về quá khứ xưa, về Bác Hồ, tướng Giáp, giọng ông Dụy sang sảng, mắt sáng lên. Ông kể về những trận đánh B52 ác liệt trên bầu trời Hà Nội...
Với ông việc lưu lại tư liệu về chiến tranh vệ quốc vĩ đại là để hiểu nhiều thêm về sự hy sinh của người dân, mồ hôi và cả máu của đồng đội, của người chỉ huy tài ba để yêu và bảo vệ đất nước.
Hiện nay, ông miệt mài tìm kiếm, tham khảo và sẵn sàng “nhín” từ khoản lương hưu ít ỏi của mình để mua báo, tạp chí để tìm hiểu tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ ngày về hưu, ông Dụy có thời gian sắp xếp, hệ thống lại hàng ngàn tư liệu mà ông sưu tầm theo 167 chủ để của 7 mảng đề tài lớn: Văn hóa Việt Nam; Đấu tranh giành độc lập, chống ngoại xâm (1930 - 1975); Danh nhân – Thời đại Hồ Chí Minh; Việt Nam phát triển từ 1955; Văn hóa các nước và Kinh tế, chính trị quốc phòng, an ninh…; An ninh thế giới và các bài báo, tư liệu chép tay…
“Hồi còn trong quân ngũ, được đọc những bài báo viết về Bác, về tướng Giáp tôi cắt lại thành từng xấp gửi về nhà. Khi về hưu, tôi mới có thời gian sắp xếp thành từng tập”, ông Dụy nói.
Những bức ảnh, tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông lưu giữ cẩn thận.
Cẩn thận lật từng trang tư liệu viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông sưu tầm hơn nửa đời người, ông Dụy chia sẻ: “Tôi có được nguồn tư liệu dồi dào như hôm nay là xuất phát từ truyền thống gia đình có thói quen lưu trữ tư liệu. Mỗi khi đọc sách, báo, những tư liệu hay về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… tôi giữ lại, đóng thành những cuốn sách lớn rồi cho vào túi nilon bảo quản. Hiện, tủ sách gia đình, tư liệu về Đại tướng chiếm đa số, với trên 6.000 tư liệu, vì bác Giáp là vị chỉ huy tôi ngưỡng mộ nhất”.
Trên căn gác nhỏ, tại gian nhà thờ tổ tiên ông Dụy đặt những kệ xếp đầy những cuốn “album” tư liệu đặc biệt về các vị lãnh tụ, tướng Giáp và hàng trăm tập sách và hàng ngàn trang viết tay về chính trị, văn hóa, khoa học…
Riêng với những tư liệu liên quan đến Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dụy cất công dùng bìa cứng đóng thành cuốn sách lớn và bảo quản rất cẩn thận.
Trong căn gác nhỏ của ngôi nhà đầy ắp tư liệu quý được ông Dụy giữ cẩn thận. Ảnh: Nhật Huy.
Tận mắt thấy bức ảnh tư liệu quý, phong phú về Đại tướng tại nhà ông Duỵ, nhiều người không khỏi khâm phục trước tình cảm của ông dành cho "Người anh cả" của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Bác Giáp ra đi cả dân tộc tiếc thương nhưng chúng ta phải biến những điều đó thành những hành động cụ thể, giúp nước nhà phát triển, đó là điều Bác Hồ, Đại tướng mong mỏi nhất. Vì thế, tôi luôn nhắn nhủ con cháu hãy quý trọng nền tự do độc lập hôm nay, để phấn đấu, xây dựng đất nước. Bởi đó là thành quả, máu xương các thế hệ cha ông đã hy sinh để đổi lấy”, ông Dụy tâm niệm.
Cựu chiến binh ra-đa Trần Văn Dụy: "Trong tất cả những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, tôi quý nhất và tự hào nhất là Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, được Bác Hồ thay mặt cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký tặng ngày 3/6/1969, đến nay đã hơn 50 năm. Phần thưởng này, luôn theo tôi cả cuộc đời quân ngũ và được treo ở nơi trang trọng nhất trong gia đình". |
Nguồn: [Link nguồn]
Từ ngày 25/4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”, giới thiệu 150 tài liệu, hiện vật. Trưng bày giới thiệu tới công chúng về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị chiến thắng Điện Biên Phủ.