Cụ ông 85 tuổi đứng ngẩn ngơ vì không xem được diễu binh

Vượt hàng trăm cây số từ Quảng Bình ra Hà Nội, nhưng cụ ông 85 tuổi lại không chen được vào trong để xem lễ diễu binh, diễu hành. Kết thúc buổi lễ, cụ đứng chép miệng, ngẩn ngơ tiếc nuối.

Tiếc ngẩn ngơ vì không chen được vào trong

Trong khi hàng ngàn người hân hoan, vui mừng vì được tận mắt xem diễu binh, diễu hành thì cụ Lê Văn Linh (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại buồn thiu vì không chen được vào bên trong.

Cụ ông 85 tuổi đứng ngẩn ngơ vì không xem được diễu binh - 1

Cụ Linh tiếc nuối vì không xem được diễu binh

Cụ Linh chia sẻ, cụ có 3 người con đang sống ở Hà Nội. Sáng sớm nay cụ đi bộ từ phố Khâm Thiên ra đường Nguyễn Thái Học chỉ để tận mắt được xem các đoàn diễu binh, nhưng vì sức yếu nên cụ không chen được vào trong.

“Tôi đi một mình, ra Hà Nội từ hôm qua chỉ mong xem diễu binh vậy mà không chen được vào trong. Buồn quá cô ạ. Đành đợi đến tối xem lại trên tivi vậy”, cụ buồn rầu nói.

Cụ kể, khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, mỗi dịp Quốc Khánh, kỷ niệm Cách mạng tháng Tám là cụ lại bắt xe ra Hà Nội để ôn lại kỷ niệm cùng các bạn cũ của mình.

Cụ ông 85 tuổi đứng ngẩn ngơ vì không xem được diễu binh - 2

Cụ Linh buồn rầu nhìn đoàn người hân hoan ra về

Cụ Linh chia sẻ, cụ tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến năm 1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cụ mới về quê lấy vợ. Hiện tại cụ có 4 người con, trong đó có 3 người sinh sống ở Hà Nội.

“Năm nay vì có diễu binh, dù sức khỏe không khá lắm nhưng tui vẫn quyết tâm ra. Lúc sáng các con đã ngăn, không cho đi xem nhưng mất công từ Quảng Bình ra rồi lại không đi thì tiếc lắm”, cụ nói.

Đoạn, cụ lại lặng lẽ nhìn dòng người hân hoan ra về với ánh mắt tiếc nuối. Cụ nói: “Nếu sau này còn sức khỏe, tôi sẽ lại ra Hà Nội và sẽ đi sớm hơn để được tận mắt xem các đoàn diễu binh”.

Quá vui nên sáng tác thơ, múa hát ngay trên đường

Khác với tâm trạng của cụ Linh, bà Chu Thị Hóa (68 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại vui mừng khôn xiết khi được tận mắt nhìn thấy các đoàn diễu binh đi qua. Bà vui đến nỗi xuất khẩu ngay ra một bài thơ dài và đứng hát, múa trên đoạn đường Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Cụ ông 85 tuổi đứng ngẩn ngơ vì không xem được diễu binh - 3

Bà Hóa vui mừng múa hát đoạn thơ tự bà sáng tác

Bà Hóa kể, bà có một con là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bà bắt xe ra Hà Nội từ 2 hôm trước để hòa mình vào không khí ngày 2.9.

Bà rưng rưng nói: “Tôi vui quá. Nãy tôi còn được bắt tay một chú bộ đội. Tôi được thấy từ đầu đến cuối. Nhìn đoàn diễu hành hiên ngang, hoành tráng mà xúc động quá. Khi về quê tôi sẽ kể lại giây phút này cho con cháu nghe”

Rồi bà cất túi hành lý gồm quạt, quần áo, nước uống, quần áo mưa và sổ sách lại một góc và ngâm khúc thơ mà bà tự sáng tác. Những câu thơ của bà xoay quanh những cảm xúc vui mừng và sự biết ơn với Bác Hồ.

Dù nhiều người khuyên bà đừng nên thể hiện “quá đà” nhưng bà kệ. “Vui mừng thì phải thể hiện cảm xúc chứ. Nếu không thể hiện ra, sao mà chịu đựng được”, bà Hóa cười nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ong Lý ([Tên nguồn])
70 năm Quốc khánh 2/9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN