Cụ ông 84 tuổi, 25 năm bơi vượt sông Hồng

Sự kiện: Tin ngắn

Đã bước vào tuổi 84 nhưng ông vẫn rất tinh tường, thậm chí hằng ngày vẫn đi bơi ở sông Hồng và đạp xe đạp 20km từ cầu Long Biên đến Cầu Thăng Long. “Kình ngư” ấy là ông Nguyễn Văn Ngọc còn được mọi người gọi là cụ Kim ở phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đến nay cụ đã có 25 năm bơi ở sông Hồng.

Cụ ông 84 tuổi, 25 năm bơi vượt sông Hồng - 1

Cụ Ngọc đang bơi ở sông Hồng. Ảnh: T.L

Đạp xe, bơi lội hàng ngày

Đến bãi tắm 2, cầu Long Biên, Hà Nội hỏi thăm cụ Kim ai cũng biết. Cụ tên thật là Nguyễn Văn Ngọc (ở phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều đặc biệt hơn cả là cụ dù tuổi đã xế chiều, đi qua sườn dốc của cuộc đời nhưng lại có một sự yêu thích thể thao đáng khâm phục.

Cụ Ngọc được các bạn ở hội bơi xếp hạng thứ 2 về độ dẻo, dai và độ tuổi. 84 tuổi nhưng cụ Ngọc không bị bệnh lý xương khớp nào. Ở cụ mọi người luôn thấy tinh thần rất lạc quan, giọng nói vẫn sang sảng như trung niên. Nhìn thần thái và sức vóc khỏe mạnh, khá linh hoạt của cụ không ai nghĩ cụ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, thậm chí nhiều thanh niên cũng phải thua xa.

Để có được sức khỏe và sự lạc quan ấy không phải tự nhiên đến và bí quyết của cụ không gì khác chính là tập luyện thể thao và ăn uống điều độ. Cụ Ngọc kể, trước cụ dạy học ở miền núi sau về Hà Nội làm công tác xây dựng. Năm 60 tuổi cụ về hưu có thời gian rảnh rỗi hơn cộng với việc nhận thức phải nâng cao sức khỏe của mình nên bắt đầu tập luyện đều đặn hơn. Cụ bắt đầu bơi ở sông Hồng.

Ngoài bơi, cụ Ngọc còn đam mê đạp xe đạp. Hàng ngày, cụ dậy từ 5 giờ hoặc 5 rưỡi sáng lấy xe đạp đạp xe từ cầu Long Biên lên cầu Thăng Long một vòng rồi về, quãng đường vào khoảng 20km. Còn buổi chiều, lúc 5 giờ cụ lại cùng bạn bè ra bãi tắm sông Hồng bơi. Trước khi bơi, cụ tập hơn một tiếng vận động cho cơ thể nóng bằng các bài tập như yoga, thái cực quyền, hít đất... Cụ vận động bơi lội thoăn thoắt chẳng khác gì thanh niên tuổi đôi mươi.

Ngày nào cũng như vậy, dù nắng hay mưa, dù mùa hè hay mùa đông cụ vẫn gắn bó với “đường đua xanh”. Tùy vào thời tiết và sức khỏe, có lúc mùa hè ông bơi nhiều hơn khoảng 30 phút, còn mùa đông hay lúc giao mùa thì bơi khoảng 10-15 phút. Có lẽ đối với cụ, việc nhịn ăn một bữa có thể được nhưng bỏ bơi một buổi cảm thấy thiếu cái gì đó. Nhiều khi lo lắng cho sức khỏe của cụ, các con có khuyên cụ nghỉ nhưng không được.

“Môn bơi tôi yêu thích, đam mê từ bé. Thời gian đi làm vì còn vướng bận công việc, gia đình nhiều nên việc duy trì thói quen bơi hàng ngày không thể thực hiện được. Từ ngày nghỉ hưu suốt 25 năm nay, tôi vẫn duy trì việc tập. Chỉ khi nào mưa to bão lớn tôi mới nghỉ ở nhà. Nhiều hôm trời mưa nhỏ, con cháu khuyên ở nhà nghỉ ngơi nhưng tôi vẫn ra ngoài luyện tập cùng các thành viên trong hội bơi. Ngày 30 hay mùng 1 Tết cũng phải bơi chứ không là nhớ”, cụ Ngọc chia sẻ.

Đẩy lùi bệnh, tăng cường sức khỏe nhờ bơi

Có lẽ lợi ích lớn nhất của bơi lội, đạp xe thường xuyên đối với cụ Ngọc chính là đã cho cụ một sức khỏe dẻo dai. Ít ai biết rằng, trước đây cụ từng mắc bệnh lao phổi năm 1984. Sau thời gian dài điều trị cân nặng chỉ còn 47kg, người yếu đi. Không chỉ vậy, cụ Ngọc còn thường bị ngứa ở vùng lưng. Dù đã dùng nhiều loại thuốc vẫn không khỏi, thi thoảng vẫn bị ngứa trở lại. Thế mà, từ ngày cụ tham gia bơi lội, bệnh ngứa biến mất lúc nào không hay, không còn thấy khó chịu nữa.

Từ ngày cụ về hưu đến giờ, số lần cụ ốm chỉ tính trên đầu ngón tay. Rất ít khi con cháu phải mua thuốc cho cụ uống. Cụ nói: “Tôi có được sức khoẻ như hôm nay đó là nhờ việc ăn uống sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể thao thường xuyên. Muốn sống lâu cần có thêm yếu tố đó là tư tưởng phải thoải mái. Tôi tự thấy mình là một người vô tư, thoải mái, không nặng nề bất cứ việc gì. Việc tập thể thao hàng ngày với môn bơi lội, đạp xe thấy cuộc sống vui vẻ hơn và giữ được sức khỏe tốt, ít ốm đau dù tuổi đã cao. Các môn tập giúp tôi dẻo xương khớp phòng ngừa được rất nhiều bệnh về xương khớp của người già, bệnh cao huyết áp. Nhiều khi có chuyện buồn, xuống nước “lượn” vài vòng là mọi mệt mỏi ưu tư đều tan biến hết”.

Nhờ việc luyện tập hằng ngày, cụ Ngọc có thể bơi hàng chục kilômét mà không cần nghỉ hoặc phao cứu trợ. Khác với những người khác khi đi bơi thường đeo kính, đội mũ che tai, đội mũ cao su cho ấm nhưng cụ Ngọc lại để tự nhiên. Cụ bảo, dùng kính được một lúc, nước bắn vào sẽ làm mờ kính, khó quan sát tàu thuyền. Cụ cũng không dùng phao bơi mấy khi, gần hai năm nay cụ mới dùng tới phần tuổi cao phần vì con cháu bắt dùng phao cho an toàn. Có nhiều kiểu bơi, người thì chọn bơi ếch, nhưng cụ thích chọn bơi sải.

Theo chia sẻ của cụ Ngọc, bơi lội tuổi già không chỉ là nâng cao sức khỏe mà ở đó còn là nơi để cụ được gặp gỡ bạn bè cùng sở thích. Thi thoảng, hội bơi của cụ Ngọc lại tổ chức giao lưu, chia làm 2-3 bãi cùng thi bơi vượt sông Hồng, bơi theo chặng, xuôi dòng, ngược dòng... Ai nấy đều được tiếng cười, sức khỏe và niềm vui tuổi già. Với bí quyết giữ gìn sức khỏe của mình, mới đây cụ Ngọc đã nhận được “Giải vàng” trong cuộc thi “Bí quyết sống khỏe” năm 2018 do Báo Khoa học và Đời sống tổ chức.

Bất ngờ với “bí quyết” sống thọ của 4 anh em ruột ở Hải Dương

Là anh em ruột sinh ra từ thế kỷ trước, nhưng chưa bao giờ 5 anh em nhà cụ Thướng thuộc dòng họ Nguyễn Văn to tiếng, mâu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN